Saturday, December 17, 2011

VIỆC XUẤT THẾ, NHẬP THẾ CỦA ĐẠI TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG TRẦN NHÂN TÔNG




Gần đây sự nghiệp tu hành, tư tưởng, triết lý của Trần Nhân Tông được chú ý bàn luận khá nhiều. Đó cũng là một phần của xu hướng  Phật giáo và Phật học đang hưng thịnh tại Việt Nam. Đã có rất nhiều bài viết được công bố, sách được in và rất nhiều hội thảo được tổ chức. Có một vấn đề mà rất nhiều, rất rất nhiều bài viết nói tới, bàn luận và  ca ngợi, đó là tinh thần nhập thế của Trần Nhân Tông. Có người cho rằng cái tuyệt vời của ông chính là đi tu xuất gia như thế, vậy mà vẫn nhập thế, vẫn không quên đời, quên người, vẫn để lại dấu ấn trong chính trị, quân sự, ngoại giao…như vậy mới tuyệt vời, như vậy mới có điều kiện đóng góp cho lịch sử, cho dân tộc.
Việc ca ngợi như vậy đúng hay không đúng? Hay hay dở? Nên không nên? Câu hỏi này là một việc lớn cần thảo luận, bản nhân không dám hồ đồ, lạm bàn. Tuy nhiên bằng trực cảm  thì thấy có cái gì đó chưa thật ổn thỏa. Bản chất, tính khuynh hướng của Phật giáo là xuất thế hay nhập thế?  Phật giáo là xuất thế, là siêu thế. Phải xác định dứt khoát là thế. Còn xuất thế bằng cách nào, xuất thế không rời thế gian tướng, giải thoát không ngoài thế gian, từ thế gian, trong thế gian là một vấn đề thuộc cách thức. Niết bàn thị sinh tử, sinh tử thị niết bàn cũng không nằm ngoài lẽ làm thế nào để đạt tới Niết bàn. Đó đều là con đường và cách thức để xuất thế.  Giống như một câu chuyện Thiền, trước khi Thiền thấy bình trà tách trà là bình và tách, đang thiền thấy bình không còn là bình tách không còn là tách, Thiền định xong rồi bình trà lại vẫn là bình, tách vẫn lại là tách. Nó  là nó nhưng cũng không còn là nó. Việc nhập thế của người đã xuất thế tới hết mức thì rất khác với người chỉ biết có đời là đời.  "Thế" của người xuất thế mà nhập thế với " Thế" của người tại thế tuy một mà lại là hai, dẫu hai nhưng vẫn là một.
Trần Nhân Tông quả là có nhập thế, nhưng ông nhập thế sau khi đã siêu xuất, nhập thế để xuất thế, xuất thế mà nhập thế. Những bài ca ngợi về  ở trần vui đạo đều do cụ ngồi chốn Yên tử mà suy xét cả. Vấn đề ở chỗ ở đời mà vẫn vui đạo, đắc đạo rồi thì xuất nhập là một.
Ngu ý cho rằng, Trần Nhân Tông nhập thế thật, nhưng cái nhập thế đó cần hiểu như thế nào, cần đặt trong thiền  mà xét, không thể xem sự nhập thế đó cũng giống với việc nhập thế hành đạo kiểu Nho gia hoặc nhập thế là tại thế gian như người thường. Nếu chỉ có biết nhập thế là nhập thế thì có lẽ người bán cá bán rượu ở chợ, người tại gia không biết tới mùi Thiền là những người nhập thế nhất trên thế gian này chứ không phải đại lão hòa thượng Trần Nhân Tông.
                       Kính trọng đại lão hòa thượng vô ngần nên thấy e ngại với  cả những sự ca ngợi
                                                                                                                    17.12.2011


Tuesday, November 08, 2011

LÀM THẦY KHÓ, LÀM TRÒ CŨNG CHẲNG DỄ




Xưa nay người đi học đối với thầy và với học thuật của thầy tồn tại nhiều loại thái độ khác nhau. Trong trường hợp ông thầy là một học giả, một người có uy tín học thuật thì mối quan hệ  hay cách nhìn của học trò đối với đạo của thầy ( và đương nhiên là với cả thầy)  thường thể hiện thành vài loại thái độ:
Loại thái độ thứ nhất: càng học, càng đọc, càng theo thầy, càng nghiền ngẫm về đạo của thầy, càng hiểu càng thấy thầy mình cao vời vợi, càng nghe càng thấy thầy như Thái sơn Bắc đẩu sừng sững không thể và không cách gì với tới, chưa nói chuyện vượt qua. Học trò càng học càng  thấy mình nhỏ bé yếu đuối. Đây có thể là một cảm giác mà học trò đối mặt, cảm nhận thấy một cách nghiêm túc thực sự. Dĩ nhiên  đó cũng có thể là một biểu thị khiêm tốn, hoặc để tôn cao thầy. Cá biệt cũng  có người đề cao thầy chẳng phải vì thầy mà là một cách gián tiếp tôn cao mình. Các trường hợp này có thể tìm thấy khá phong phú trong lịch sử giáo dục.
Trong các học trò của Khổng phu tử, chúng ta biết người học trò được ông yêu quý nhất là Nhan Hồi. Nhan Hồi là cao đệ bậc nhất được Khổng tử công khai thừa nhận và không tiếc lời ngợi khen. Ông kỳ vọng Nhan Hồi có thể kế tục và phát triển được học thuyết của mình. Về phía Nhan Hồi, ông  tiếp thu tất cả những gì mà thầy truyền dạy,  những điều thầy dạy bảo đối với Nhan Hồi đều là chân lý, đều thiêng liêng. Ông “ mặc  nhi thức chi”  một cách tuyệt đối và tiếp nhận trong mọi trường hợp, ngấm một chiều và ngấm một cách tự nhiên, chỉ có hỏi thêm mà không thắc mắc. Cách tiếp thu của ông khiến nhiều người tưởng ông  là người ngu. Ông không hề thắc mắc hay phản ứng gì. Có người cho rằng có thể năng lực trác việt đã khiến ông tiếp nhận được và thấu triệt được tất thảy mọi sự truyền giảng phức tạp  nhất từ thầy, tương tự như cặp thầy trò Thích Ca – Ca Diếp với  câu chuyện về một nhành hoa bốn ánh mắt, hai nụ cười và một Thiền ngữ nổi tiếng.
 Nhan Hồi  nói về đạo của thầy: “Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu. Phu tử tuần tuần nhiên  thiện dụ nhân, bác ngã dĩ  văn ước ngã dĩ lễ, ký kiệt ngô tài nhi hữu sở lập trác nhĩ. Tuy dục tòng chi, mạt do dã dĩ” ( Luận ngữ. Tử hãn) ( Càng ngẩng trông càng thấy cao, đục đẽo vào càng thấy cứng, vừa thấy đằng trước, thoắt đã đằng sau. Phu tử giỏi dẫn dắt người từng  bước từng bước, lấy văn mã mở mang cho ta, lấy lễ mà ước thúc ta, ta đã vận dụng hết khả năng của mình mà vẫn thấy đạo của thầy sừng sững trước mặt. Ta muốn theo đạo đó, nhưng chắc chỉ được phần nào mà thôi)
 Trong lời Nhan Hồi tán dương đạo của thầy, ta thấy có cả tiếng thở dài bất lực của người học trò vĩ đại này. Nhà nho thường nói tới tinh thần Khổng Nhan lạc xứ, tức cái vui, cái lạc thú của Nho gia trong việc tu thân dưỡng tâm, trong cuộc sống nho môn đạm bạc, nhưng ở đây rõ ràng không phải lúc nào họ cũng vui, lúc nào cũng lạc cả, thế mới là cuộc đời. Chữ Lạc của Nho là nói về thái độ sống, là nói tới việc tu dưỡng, còn ở đây nhìn từ góc độ nhìn nhận và đối đãi với học thuyết của thầy, Nhan hồi có chút bi kịch, bi kịch của học trò bị ngợp trong học thuyết của thầy. Ông  cố gắng biến mình thành một hiện hữu sống của đạo đức theo mẫu mực mà Khổng tử mong muốn. Khổng tử khen Nhan Hồi là người hiếu học, chỉ duy nhất ông được khen như vậy. Khi Nhan Hồi chết, Khổng tử nói hiện không còn ai hiếu học nữa.     
Ông Trình Hạo đời Tống ca ngợi việc học của Nhan Hồi[1], kiên quyết cho rằng nếu ông không chết sớm thì rất có thể  sự học sẽ đưa ông tới sự chuyển hóa mà thành thánh nhân, tiếc rằng ông đã không sống được tới ngày đó, vì thế ông chỉ là bậc hiền giả mà thôi.  Nếu ông sống tiếp, có thể ông vẫn cứ thành thánh nhân với mẫu mực đạo đức tuyệt vời. Ta cũng không  biết  sau khi thành thánh nhân trông ông có tựa kẻ ngu nữa hay không. Nhưng cứ giả sử như Nhan Hồi  không chết sớm, sự tôn sùng đạo của thầy đã khiến ông không mảy may nghi ngờ, và vì thế khó có thể phát triển được học thuyết của thầy. Đã thấy đạo của thầy tận thiện tận mỹ thì hẳn sẽ không nghĩ tới việc thêm vào hay sửa đổi cho tốt thêm. 
 Khác với Nhan Hồi, Tăng Sâm lại là một mô thức khác hẳn. Ông  không được khen ngợi như Nhan Hồi, nhưng cũng được Khổng tử coi là học trò giỏi và thường giảng giải cho những điều cốt yếu. Tăng Sâm  không bị choáng ngợp trước thuyết của thầy, ông luôn tỏ ra chủ động nắm được điều cốt yếu, then chốt, điểm quán xuyết học thuyết của thầy. Luận ngữ  còn kể lại, một lần Khổng tử nói với Tăng Sâm rằng: “ Sâm hồ, ngô đạo nhất dĩ quán chi”. Tăng Sâm chỉ  khẽ “ dạ”. Khi thầy Khổng đi ra, những người khác hỏi Tăng Sâm rằng thầy vừa nói điều gì, Tăng Sâm  trả lời, đạo của thầy chẳng qua chỉ là  trung thứ mà thôi. Tăng Sâm đã liễu ngộ được điểm cốt yếu của đạo thầy.
Loại thái độ thứ hai:  Mới được thầy truyền cho chút ít đã thấy mình cũng chẳng kém ai, cũng vĩ đại rồi, tri thức nhân loại chỉ có chút thế mà thôi, ông ấy thì chẳng có gì là lớn cả. Nếu thực tế đạo của thầy chẳng ra gì thật thì không có gì phải bàn, nhưng cũng nên bày tỏ sự tôn trọng mà tìm người khác giỏi hơn để mà học. Nguy hiểm thực sự là kẻ được học người giỏi mà không thấy thầy hay, khinh mạn cho rằng mình hơn người, hơn thầy rồi.  
          Thái độ cầu học và đối đãi với sở học của thầy quả là không dễ dàng gì. Sùng kính thái quá mà thấy mình nhỏ bé đi cũng không nên. Khinh mạn, tự cao mà không biết tôn trọng thầy đương nhiên là khiếm khuyết về cả đạo đức lẫn trí tuệ.  Kẻ minh triết có lẽ là cần sáng suốt tự thủ, thầy dẫu thật giỏi cũng nên cố học, cố tìm cái gì còn có thể bổ khuyết để cầu tiến, thầy chưa thật giỏi thì cũng phải biết trân trọng những gì mà thầy đã tạo ra để làm thêm, để đi tiếp. Trân trọng những giá trị tri thức, tinh thần dù nhiều dù ít mà thế hệ trước tạo dựng, coi đó như nhũng viên gạch đặt nền cho ta cao thêm. Đương nhiên, làm được thế trò cũng không thể là loại xoàng, thầy cũng phải là người đáng làm thầy, đủ để dẫn dắt học trò.
Làm thầy khó, làm trò cũng chẳng dễ
                             (11.2011. Nhân đọc lại bài Nhan tử sở hiếu hà học luận )



[1] Xem :" Cận thư lục - Nhan tử sở hiếu hà học luận"

Thursday, September 29, 2011

TƯỞNG DỄ HÓA KHÓ


Có một học giả nước ngoài nhờ chọn 03 tác phẩm Hán văn có tính chất kinh điển trong kho di sản Hán văn Việt Nam, tiêu biểu cho 3 lĩnh vực văn- sử - triết để phục vụ cho chương trình nghiên cứu và giảng dạy của cá nhân ông ta. Nghe nói tôi nhận lời luôn vì nghĩ thư tịch Hán văn nước nhà phong phú tới độ “hãn ngưu xung đống”, số lượng lưu giữ kể tới hàng vạn đơn vị tư liệu, chọn lấy 03 tác phẩm có gì khó. Với ý thức mong muốn truyền bá giới thiệu văn hóa nước nhà cho học giả thế giới tôi hăng hái tiến hành công việc này luôn.
Bắt tay vào việc mới thấy nó không dễ chút nào.  Về sử học, việc chọn còn tương đối thuận lợi,  có thể chọn  Đại Việt sử ký toàn thư, một tác phẩm quan trọng và mẫu mực cho nhiều phương diện của sử học Việt Nam truyền thống, từ phương diện  sử sự, sử bút, sử luận, sử bình, và tư tưởng sử. Nó cũng thể hiện những vấn đề lớn của lịch sử dân tộc trong một thời gian dài. Chỉ có điều tác phẩm này lại không bao quát hết được khoảng thời gian vài thế kỷ cuối của thời kỳ trung đại. Vì lý do đó, có tính tới việc chọn tác phẩm  Việt sử thông giám cương mục, soạn triều Nguyễn là tác phẩm có độ bao quát cao hơn, như vậy đối với tác phẩm sử, công việc chỉ còn là cân nhắc trong một vài tác phẩm.
          Với tác phẩm văn chương chữ Hán, câu chuyện có khó hơn một bậc. Phần chiếm tỷ lệ lớn nhất trong kho thư tịch cổ của Việt Nam là văn chương. Trong đó có cả các nhóm vận văn, tản văn, biền văn, cùng các loại tạp văn tạp ký khác. Thơ phú chiếm số lượng lớn nhất. Mỗi loại tác phẩm có giá trị riêng, mỗi loại mỗi vẻ, chỉ có điều khó tìm được tác phẩm nào mười phân vẹn mười.
          Việc giới thiệu tác phẩm văn chương cho nhân sĩ thế giới chiêm ngưỡng phải chú ý tới nhiều phương diện của tác phẩm,  nghệ thuật văn chương phải xuất sắc, để cho thế giới thấy cái tài hoa của cha ông, so với văn nhân Đường, Tống phải không có kém gì thậm chí phải  hy vọng nó có phần ưu trội. Về mặt nội dung nó phải thể hiện được cái sâu sắc tinh tế của tâm hồn người Việt, khí thế của dân tộc, tinh thần Việt… Theo hướng đó,  chỉ có vài tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, hoặc Nguyễn Du là tiêu biểu, nếu chọn văn xuôi nghệ thuật, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ( Tự) là ứng viên nổi bật. Tuy nhiên, chọn  tác phẩm nào cũng thấy  có cái  ổn cái chưa ổn, sự phân vân vẫn còn chưa hết. Tuy nhiên việc vẫn là khả dĩ.
          Việc khó nhất thuộc về việc chọn tác phẩm triết học. Người Trung Quốc khi chọn 01 tác phẩm tiêu biểu có cái khó riêng do họ nhiều quá, nhưng theo thông tin tôi biết, tác phẩm Chu Dịch được chọn là tác phẩm triết học số một của triết học truyền thống Trung Quốc. Soát toàn kho thư tịch, chọn chưa ra được tác phẩm nào tiêu biểu cho nền triết học Việt Nam. Những tác phẩm có thể điểm danh gồm: Khóa hư lục của Trần Thái Tông; Thượng sĩ ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm; Dịch kinh phu thuyết của Lê Quý Đôn; Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn…Trong những tác phẩm trên chọn một công trình nào cũng thấy chưa ổn.
Khó quá, khó quá…
                                                Tháng 9 năm 2011

Tuesday, September 13, 2011

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ KHUẾCH ĐẠI NHÂN DỤC - thuyên thích mới về bốn chữ tâm truyền của Nho gia: “nhân tâm duy nguy” (人心維危)


Nhân dục là điều mà các tôn giáo đều quan tâm đặc biệt và có thái độ đối xử “rắn” đối với nó.  Phật giáo dứt khoát tuyên bố diệt dục. Những điều răn giới của Phật giáo hầu như đều có liên quan tới nhân dục. Nhân dục được xem là nguồn gốc của vạn khổ. Nho gia thì chủ trương kiểm soát, điều tiết, chế ước nhân dục, làm cho nhân dục phù hợp với quy phạm xã hội, mức độ cao nhất là đồng nhất nhân dục và Lễ (quy phạm xã hội). Các vị đại Nho đời Tống-Minh chủ trương tu dưỡng khắt khe nghiêm cẩn và chịu tác động của Phật giáo nên cũng  tuyên bố “tồn thiên lý diệt nhân dục”. Mười sáu chữ tâm truyền được coi là ấn quyết của Nho gia lần đầu nêu trong tác phẩm kinh điển Thượng thư đã lưu ý truyền đời về sự mong manh của nhân tâm rằng: Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung”. Duy chỉ có học thuyết của Đạo gia được xem là túng dục, tức buông cho nhân dục theo lẽ tự nhiên, không trói buộc. Tuy nhiên đó chỉ là ở nguyên lý coi trọng cái tự nhiên, còn trong phép tu dưỡng, Đạo gia cũng hướng tới trạng thái thanh tĩnh tự nhiên, hư tâm, tĩnh tâm, thiểu tư quả dục. Trạng thái ấy suy cho cùng cũng là thứ nhân dục có chừng mực, phù hợp với đạo tự nhiên vốn đã chí mỹ chí thiện chỉ cần bảo tồn nó. Các triết gia trong học thuyết của mình luôn tìm mọi cách hạn chế nhân dục để bảo vệ sự tồn tại bình ổn của xã hội, bình ổn cho thân tâm các cá nhân. Ai cũng hiểu rằng, nhân dục, quyền lợi của cá nhân và sự bình ổn xã hội, lợi ích xã hội luôn mâu thuẫn với nhau, trái chiều nhau.

Chỗ dựa của kinh tế thị trường chính là nhân dục, là cái mà người ta gọi là “thị hiếu của người tiêu dùng”. Chỉ cần quan sát một số chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ta thấy một sự mời chào vẫy gọi mãnh liệt đối với “thị hiếu” của dân chúng. Những ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi, những chiếc xe hiện đại đời mới, những đồ dùng đa chức năng hấp dẫn, vvv…. được chào mời bằng những lời quảng cáo ngọt ngào còn hơn cả lời Bạch Cốt Tinh: hãy thử xem, chỉ một lần, hãy tận hưởng cuộc sốnghãy nếm thử, “cứ gọi là thôi rồi…sướng … ướng ư ử”… Khẩu hiệu của người sản xuất hàng hóa là: đã làm cho người tiêu dùng thích rồi, còn làm cho họ thích nữa, đã sướng rồi còn sướng nữa, tiện nghi rồi còn tiện nghi nữa, mát rồi còn mát nữa…Còn một loại hàng hóa khá đặc biệt khác với nhãn hiệu Number one thì treo một cái “status” hấp dẫn là “Thỏa sức yêu thương”… Những nhân viên nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng thì đào từng ngóc ngách thị hiếu, xem người ta thích gì thì đánh vào chỗ đó. Và cứ thế, hàng ngày nhân dục được khai thác, được tận dụng, được khuếch trương, được lôi kéo và được làm thỏa mãn. Nền sản xuất hàng hóa nắm cái nhân dục cũng như người nông dân nắm cổ con trâu đã được xỏ mũi mà  lôi đi. Hôm nay thấy  bạn mình có cái váy đẹp mà mình chưa có, tối về thấy khổ sở mất mấy tiếng đồng hồ. Mai thấy bạn mình sắm được ô tô đẹp mà mình vẫn phải đi cái xe máy rách thấy vừa ghen tức, vừa khổ sở, vừa thèm khát. Và nỗi thống khổ giày vò họ ngày này sang ngày khác. Cầu bất đắc khổ, mà cầu thì biết bao giờ cho hết, cái cầu ngày hôm sau lớn hơn cái cầu ngày hôm trước, vì nhân dục đang được chăm sóc và nuôi cho lớn lên. Cầu  càng lớn, thì  bất đắc  cũng sẽ tăng theo. Nhu cầu lớn, khát khao nhiều mà không được làm thỏa mãn, không thể thỏa mãn dẫn tới thái độ thù ghét, hằn học với đời, với người. Ta nào có kém gì nó tại sao nó sướng thế còn ta thì không thể. Những quảng cáo vẫy gọi sự sung sướng là một sự hành xác với người nghèo, khiến người nghèo không thể yên với cái nghèo. Nếu như họ không phải là người có một bản lĩnh và chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa văn hóa nhất định thì con đường hành ác, đạt tới mục tiêu có được giàu sang và đời sống tiện nghi bằng mọi giá là có thể xảy ra. Đó chính là khởi đầu cho con đường của tội ác. Thế mới thấy cái lý tưởng của ông Lão tử về một xã hội không trao đổi tiền bạc tưởng chừng lẩm cẩm cổ hủ Khốt ta bít mà lại có cái sâu sắc của bậc đại triết gia nhìn thấu nhân tâm. 

Chắc chắn rằng nền kinh tế thị trường có tác dụng vĩ đại đối với đời sống con người. Nhu cầu vật chất của con người được thoả mãn là công lao của nền kinh tế thị trường. Nó đóng góp vĩ đại trong việc đem lại hạnh phúc cho con người từ góc độ vật chất, cũng như nhu cầu tinh thần, cũng tức là đem hạnh phúc cho con người bằng cách  làm thỏa mãn ham muốn của con người. Nhưng có ai dám cam đoan rằng, con người của thế kỷ XXI ít khổ hơn con người của thời kỳ Đức Thích Ca Mâu Ni thấu ngộ được chân lý của khổ đế và dồn trí huệ sáng suốt của mình vào việc diệt khổ, giải thoát khỏi khổ. Cái thời kinh tế thị trường, nhân dục được đào sâu, được chăm sóc, được thỏa mãn, được vẫy gọi,  hình như cái khổ của nhân tâm con người lại càng phong phú hơn, càng đa dạng hơn, càng phức tạp hơn, càng nhiều cung bậc hơn. Nhân dục được đẩy lên, một khi  cá nhân không tự đáp ứng được, xã hội không đáp ứng được, thì lúc đó, chính nó là kẻ thù to lớn tàn phá nhân tâm và xã hội. Nó giống như con quái vật mà người ta nuôi làm thí nghiệm khi sổng ra khỏi vòng kiềm tỏa nhảy ra xã hội gây tội ác tương tự như nhiều bộ phim hành động rùng rợn của Mỹ đã tưởng tượng ra vậy.

Nhân dục bị thổi phồng và khuếch trương, chắc chắn khả năng kiềm tỏa và kiểm soát điều tiết cũng khó khăn hơn nhiều. Con người cũng vì kinh tế thị trường mà sướng hơn nhưng cũng vì thế mà nhiều thất vọng hơn, nhiều sự đổ vỡ hơn. Sự chuyển động của kinh tế thị trường nếu không có luật pháp nghiêm minh và cả sự điều tiết mang tính tôn giáo hữu hiệu, sự giáo dục về đạo đức xã hội được đẩy mạnh thì thảm họa đối với nhân tâm con người thực là khôn lường.
Thời mà người ta có thể  giữ tâm an lạc trong cái nghèo đã qua lâu rồi và thời người ta khổ sở trong cả cái giàu lẫn cái nghèo đang tới. Chỉ có bậc trí giả biết tự điều tiết cho nhân tâm mình, biết tri túc và trau dồi những tố chất văn hóa cần thiết, người ta mới có thể giữ cho mình một chữ “tại” ( tự tại) được.

Nhân tâm duy nguy

Hà Nội tháng 9/2011

Saturday, September 03, 2011

BÁN ĐỒ NHI PHẾ (nửa đường đứt gánh)



Trước khi bước vào một hành trình lâu dài  gian khổ, nhất là thực hiện một lý tưởng nào đó,  người ta thường có mấy loại thái độ:
- Thứ nhất, cảm thấy mong muốn được đi, được chinh phục, được dấn thân, bất chấp nguy nan, tự tin vào sức của mình, thấy không gì cản trở được khi mà mình đã có niềm tin, ý chí và năng lực.
- Thứ hai, vẫn có thể  đi vào đường ấy, nhưng tự mình thấy băn khoăn, thấy mình không đủ sức, thấy mình không đủ can đảm, thấy đường xa dặm thẳm phía trước mà toát mồ hôi. Thích thì vẫn thích nhưng đi mà lòng còn đầy phân vân.
Với loại thứ nhất có hai khả năng diễn ra, có kẻ giữa đường đổi thay thoái chí mà bỏ dở và có kẻ tới đích vẻ vang. Còn đối với loại thứ hai, chắc chắn họ không thể tới đích mong muốn. Loại thứ hai này người ta gọi là bán đồ nhi phế( nửa đường đứt gánh), sự đứt gánh giữa chừng của họ có thể nhìn thấy được từ trước khi họ hành động. Người mà trước khi bước vào hành trình mà đã thấy mình không đủ sức để tới đích, điều đó có nghĩa  là họ đã tự đặt ra giới hạn cho mình.
Con đường xa dặm thẳm ấy, đối với người muốn làm giàu, muốn tới đỉnh cao của khoa học, muốn thực hiện một lý tưởng nhân văn, muốn dựng một lâu đài của tri thức, muốn thực hiện một lý tưởng mang tính tôn giáo…cũng đều giống nhau.
Ngẫm câu :
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”
của đại lão hòa thượng Quảng Nghiêm đời Lý  thì thấy người tu Thiền cũng phải hùng tâm tráng chí biết bao mới có thể  tự mình chứng ngộ mà tự giải thoát được cho mình.
Có những sinh viên nói với thầy rằng: thầy ơi, “đạo” của thầy em thấy hay lắm, thích lắm, nhưng mà chắc em không thể đủ sức để theo.
Có em thì than thở rằng, em cũng thích theo đuổi lý tưởng cao viễn, muốn lao vào con đường khoa học, con đường nghiên cứu để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết và hy vọng đóng góp cho đời chút ít, nhưng em phải lo nhiều chuyện của cuộc sống cơm áo…
Có người thấy thầy đòi hỏi phải làm bài vở cho tốt hơn thì nói, thầy ơi, năng lực của em chỉ có thế, em chỉ viết được có thế thôi, thầy thông cảm, hay thầy hạ bớt yêu cầu đi, bài này em chỉ cốt cho xong thôi, em sẽ cố gắng lâu dài nữa…
Thường thì người bỏ cuộc luôn tìm được lý do hợp lý đủ sức thuyêt phục, bao biện hoặc an ủi được chính mình.

Sunday, August 28, 2011

GIẶC BẨN



 Người ta thường gọi những mối nguy cơ to lớn đối với dân tộc là GIẶC. Trong lịch sử Việt Nam, khái niệm giặc thường là để chỉ những lực lượng uy hiếp từ bên ngoài, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, sự tồn tại của giống nòi. Năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh để nhấn mạnh những nguy cơ khác đe dọa sự tồn tại của dân tộc, ngoài giặc ngoại xâm, Cụ còn coi đóidốt cũng là những loại giặc,  “ giặc đói  và giặc dốt”, coi diệt các loại giặc này cũng cấp bách và hệ trọng không kém gì chống giặc ngoại xâm.
Ở thời điểm năm 2011 này, Việt Nam đang đứng trước một loại giặc khác cũng cực kỳ nguy hiểm, đó là GIẶC BẨN. Với những gì quan sát từ thực tế, từ các phương tiện thông tin đại chúng, ta đang thấy giặc bẩn hoành hành khắp nơi. Nó len lỏi vào tận thôn cùng xóm vắng, can dự vào cuộc sống của từng người. Nó có trong từng miếng ăn, ngụm nước uống, từng hơi thở. Nó ẩn hiện khắp nơi, có lúc nhìn thấy, ngửi thấy, cảm thấy. Nhưng cũng có chỗ có lúc phải dùng kính hiển vi mới tìm ra được.
 Nguồn nước bị nhiễm bẩn, nước thải công nghiệp đẩy tràn ra các dòng sông, thấm xuống lòng đất. Những khu vực khai mỏ gây ô nhiễm cho từng vùng rộng lớn.  Sản xuất nông nghiệp bị thực hiện theo quá trình bẩn trầm trọng. Người ta không còn nhổ cỏ như xưa mà dùng thuốc diệt cỏ để bảo vệ ngô và lúa. Những thức ăn tăng trọng dùng bừa bãi cho động vật, thuốc bảo vệ thực vật dùng vô tội vạ. Câu chuyện chè bẩn và dầu ăn thu hồi từ dưới cống khiến người ta không còn muốn ăn và uống một thứ gì nữa. Nhưng vẫn cứ phải ăn, vẫn cứ phải uống.
Bên lề những con đường quốc lộ, hay vào trong những lối xóm, đầu làng cuối phố, chỗ nào cũng thấy rác thải  đổ, rác tràn ngập, túi nilong bay trắng xóa khắp mọi nơi. Giữa cánh đồng lúa xanh mướt thơ mộng thỉnh thoảng lại mọc lên vài đống rác to như đống núi.
Vào mỗi buổi sáng, nếu ai đi trên con những con đường vào thủ đô, dẫu là đường Khuất Duy Tiến, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, hay Nguyễn Trãi … đều sẽ thấy dòng người đông nghìn nghịt di chuyển trong làn bụi như sương mù thành Luân Đôn. Cát đất quất vào mặt rát cả da, không khí đặc quánh bụi khiến người ta không muốn hít vào nữa, nhưng vẫn cứ phải hít vào.
Thỉnh thoảng xem ti vi lại thấy nói có những làng đàn ông chết gần hết vì bệnh ung thư, có những làng sống chung với ruồi muỗi và mùi ô nhiễm, có làng không biết uống bằng nước gì…
 Con dân đất Việt thực sự đang bị đầu độc, đầu độc lẫn nhau, tự đầu độc mình. Người nông dân sản xuất rau bẩn bán, để dành một đám sạch để gia đình mình ăn và lấy thế làm yên tâm. Người sản xuất nước uống pha hóa chất độc hại bán cho kẻ khác còn mình không uống là được. Một điều đơn giản mà chắc những người này họ cũng đều biết, đó là họ dành cái sạch để ăn, bán cái bẩn cho người khác, nhưng họ hàng ngày cũng đang tiêu thụ rất nhiều thứ do người khác sản xuất. Cái lợi đang kéo họ đi theo con đường của tội ác đối với cộng đồng và họ đã bất chấp tất  cả.  Luật pháp không nghiêm và  sự xử lý không kịp thời, không ráo riết từ những lực lượng quản lý là một nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm môi trường sống. Tồn tại và phát triển,  so với phát triển để phát triển và phát triển bất chấp mọi thứ thì tồn tại phải xem là số một. Phát triển bền vững không nên chỉ là một khẩu hiệu.
Giặc ngoại xâm người ta dễ dàng nhận thấy. Tình yêu tổ quốc, yêu giống nòi khiến người ta dễ dàng và nhiệt thành bày tỏ tình cảm của mình và sẵn sàng hành động vì tổ quốc. Giặc bẩn đang hoành hành thì người ta chỉ biết thở than, mà không biết hành động một cách quyết liệt trên quy mô toàn xã hội để chống lại nó. Không thành một dư luận xã hội rộng lớn, quyết liệt để chống giặc bẩn, giống nòi người Việt đang bị hủy hoại, đang bị thui chột, đang bị tiêu diệt từng ngày. Sức hủy hoại của loại giặc này có thể lớn không kém, và ảnh hưởng còn có thể  lâu dài hơn cả bất kỳ loại giặc nào khác.
                             ( Nhất nhật phúc thống hữu cảm)

Sunday, July 10, 2011

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN: TỪ THỰC TIỄN XÃ HỘI TỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC


Sau khi con số thống kê từ đợt thu hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học cao đẳng trong cả nước được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, tháng 5 vừa qua, người ta bắt đầu chú ý và thảo luận nhiều về vấn đề suy giảm số lượng thí sinh thi vào các khối C và D nói riêng và thi vào khối ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Có những trường phổ thông ở Hà Nội, trong số trên 2000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học chỉ có 02 hồ sơ thi khối C. Những con số này đã thực sự gây sốc cho dư luận.
Sự suy giảm này thực ra đã băt đầu từ nhiều năm nay. Trường hợp của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫu đứng trong số các trường khá dễ dàng trong tuyển sinh và điểm tuyển đầu vào thuộc loại nhóm cao, nhưng bình quân mỗi năm số thí sinh thi khối C cũng giảm khoảng 10%, tính trong vòng 5 năm trở lại đây. Sự sụt giảm này là có hệ thống, là một xu hướng trong thực tế chứ không phải hiện tượng bất thường, nhất thời. Theo tôi vấn đề này có tính tất yếu do rất nhiều nguyên nhân. 
Như trên đã nói, việc học sinh phổ thông ít chọn thi khối C, D cũng có nghĩa là số người lựa chọn nghành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội  nhân văn giảm. Người ta dễ nhìn nó là vấn đề de dọa nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực thuộc khối ngành nghề này. Đó là sự thực, nhưng vấn đề cần nhìn nhận  một cách sâu xa hơn và theo hướng đó chúng ta thấy vấn đề có phần nghiêm trọng hơn những gì mà người ta thảo luận sôi nổi trong mấy tuần nay. 
Sau mấy chục năm đổi mới, sự triển khai chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường đã đạt được những thành tựu lớn, bộ mặt xã hội đã có rất nhiều sự thay đổi. Nhưng đồng thời một sự thay đổi sâu sắc hơn, to lớn hơn đối với con người và xã hội cũng đã diễn ra theo, đó là sự thay đổi hệ giá trị, các quan niệm giá trị với ý nghĩa là cái lõi của nền văn hóa. Giá trị tinh thần mà các lĩnh vực thẩm mỹ, nghệ thuật, văn chương, lịch sử, triết học mang tới cho con người, tạo ra sự thỏa mãn tinh thần  con người, gắn kết và điều hòa xã hội bị suy giảm. Tâm lý xã hội đề cao vấn đề lợi ích, sống thực tế, thiết thực thậm chí là thực dụng hơn.  Đây là kết quả tất yếu của chuyển đổi nền kinh tế, đổi mới, phát triển kinh tế, nhưng những vấn đề xã hội, vấn đề con người chưa được chú ý đúng mức. Chưa chú ý đứng mức thì chưa có chính sách phù hợp và những  giải pháp để điều chỉnh cho phù hợp.  Nó là một nguy cơ nhân văn, nguy cơ văn hóa nguy cơ đối với  con người và xã hội nói chung.
Học sinh ngày nay chú ý và theo đuổi các ngành như công nghệ, kỹ thuật,  kinh tế, tài chính, ngân hàng… nhiều hơn bởi cơ hội việc làm lớn hơn, thu nhập cao hơn. Cũng có nghĩa là người Việt bây giờ, đặc biệt là giới trẻ đặt vấn đề lợi ích lên cao hơn, thực dụng hơn. Có nhiều người cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế trong những năm qua diễn ra quá mạnh mẽ, nó cần nguồn nhân lực lớn, tạo thành cơn lốc xoáy cuốn nguồn nhân lực vào đó, làm lu mờ các lĩnh vực xã hội và nhân văn khác. Theo tôi điều này cũng có một phần đúng, nhưng nó không phải là quy luật thông thường của các quốc gia trong quá trình phát triển. Kinh tế phát triển, đời sống con người nâng cao thì các lĩnh vực xã hội, nhân văn, nghệ thuật cũng đương nhiên phải có thêm sức mạnh để phát triển  chứ không thể vì thế mà lụi tàn. Sự phát triển nền kinh tế mà tạo ra sự khủng hoảng về xã hội và nhân văn như vậy là sự phát triển không bình thường. Phải chăng những người  làm kinh tế chưa thực nhận thức đúng về phương pháp phát triển kinh tế một cách toàn diện? Phải chăng các nhà  quản trị kinh doanh chưa nhìn thấy sức mạnh kinh tế từ chính các hoạt động xã hội nhân văn? Trong nền kinh tế tri thức như hiện nay,  các sản phẩm bán ra trên thị trường, hàm lượng trí tuệ xã hội nhân văn ngày càng lớn. Từ  thẩm mỹ, mẫu mã, tâm lý tiêu dùng, các lĩnh vực truyền thông khác  đều hết sức quan trọng. Đó là chưa kể tới  khoa học quản lý điều hành sản xuất, quan hệ doanh nghiệp, phát triển nhân lực, quan hệ khách hàng, tinh thần người sản xuất, hoạt động quảng bá doanh nghiệp… đều thuộc lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn. Các lĩnh vực dịch vụ xã hội, các ngành công nghiệp giải trí thực sự là ngành kinh tế mũi nhọm đem lại nhiều tiền bạc chẳng kém các lĩnh vực công nghệ cao khác tại nhiều quốc gia trên thế giới. Như vậy  sự suy giảm sức thu hút của các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn vừa là dấu hiệu của sự khủng hoảng hệ giá trị, khủng hoảng nhân văn, đồng thời cũng cho thấy chính sự phát triển kinh tế có vấn đề chưa hợp lý.
Vấn đề số thí sinh thi vào các ngành xã hội nhân văn giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn nhân lực trong xã hội, đó là rõ ràng, nhưng  đó mới chỉ là một phần của nguy cơ. Vấn đề nghiêm trọng hơn  lại ở chỗ, trong số ngày càng ít đi  số thí sinh thi các ngành khoa học xã hội và nhân văn đó, số thực sự có tư chất tốt, học lực xuất sắc lại rất ít coi các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là đối tượng đam mê.  Các lĩnh vực xã hội nhân văn có thể không cần số lượng nhiều như nhân lực kỹ thuật, công nghệ, tài chính ngân hàng… nhưng lại cần những người rất giỏi, chẳng hạn như triêt học, khảo cổ, tâm lý, nghệ thuật học, chính trị học….Không có người giỏi thi vào chúng ta sẽ thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực này. Sự điều chỉnh và định hướng cho xã hội lệ thuộc rất nhiều vào lực lượng trí thức này. Tôi thấy dư luận mới chỉ quan tâm tới ít người thi mà còn chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề  ít người giỏi thi.
Điều hệ trọng nữa cũng cần phân tích thêm là, trong sự suy giảm thí sinh thi khối C, D, tình hình có khác nhau giữa các ngành. Nhiều ngành xã hội như luật học, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, báo chí, truyền thông… vẫn thu hút khá nhiều thí sinh thi, nhiều ngành còn tăng hơn cả năm trước. Số ngành bị giảm mạnh số thí sinh thi lại là những ngành khoa học cơ bản, những ngành mà vai trò của chúng có tác động rất lớn tới  đời sống tinh thần xã hội, chẳng hạn các ngành triết học, nhân học, ngôn ngữ, thông tin thư viện, lịch sử, văn học… Như vậy cũng có nghĩa là  sự sụt giảm của khối xã hội và nhân văn cần nhìn nhận đối với từng ngành cụ thể và khi tìm giải pháp cũng cần đề ra những giải pháp khác nhau cho từng ngành, hay nhóm các ngành.
Một số ý kiến đã bày tỏ chú ý nhiều tới  việc hãy có chính sách ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi, chăm lo cho các lĩnh vực này, tới người học, người nghiên cứu, tới đãi ngộ trong lao động, nghề nghiệp… Tôi nghĩ hướng giải pháp như vậy cần thiết, nhưng mới chỉ đúng một phần. Hướng này chủ yếu cho các ngành cơ bản, có liên quan tới chiến lược và lợi ích quốc gia ( vấn đề này  không chỉ thuộc khối xã hội nhân văn mà ở khối khoa học tự nhiên cũng gặp) thì cần có đầu tư lớn. Những ngành này không những không thu học phí mà còn cần cấp học bổng, cần đầu tư mạnh. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là một phần của giải pháp, nó không căn bản  và lâu dài. Người ta dẫu được miễn học phí, được ưu tiên, nhưng nghề nghiệp sau này không đem lại thu nhập tốt và cơ hội phát triển tốt thì người ta vẫn không theo học và làm việc tại các ngành đó.
Để có được sự thay đổi mang tính gốc rễ, cần có một giải pháp tổng thể, có hệ thống. Cần phải có điều tiết vĩ mô trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Cần phải có những chính sách, những biện pháp để đối phó uốn nắn sự thay đổi trong định hướng giá trị của xã hội theo hướng lệch lạc.
Tôi cũng đã tham gia nhiều cuộc tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông chuẩn bị  chọn trường để thi đại học, câu hỏi mà các em thường dùng nhất là nghề này nghề khác có dễ tìm việc không, thu nhập có cao không, thi có dễ đỗ không, mà hầu như không có ai hỏi rằng, em như vậy như vậy có phù hợp với nghề ấy không,  nghề nào thì phát huy năng lực của em tốt nhất. Lại càng vắng bóng loại câu hỏi rằng nghề nào sẽ giúp em sống tốt nhất, có thể giúp đời nhiều nhất. Cái từ cửa miệng “  cống hiến” đã bị người ta dùng quá nhiều trong các thập kỷ về trước tới mức mòn hết cả nghĩa đi, thậm chí còn đang chuyển sang nghĩa trào phúng. Điều chỉnh hệ thống quan niệm giá trị,  cho thế hệ trẻ là một giải pháp vĩ mô, giải pháp căn bản.
Về phía những người hoạt động trong  nền kinh tế, quản trị kinh doanh một cách khôn ngoan cần tìm lấy sức mạnh và sự góp mặt của các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Mặt khác, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng cần phải điều chỉnh chính mình để thích nghi với sự thay đổi của đời sống xã hội, của kinh tế và văn hóa. Nhiều lĩnh vực đã hàn lâm thì vẫn phải hàn lâm cho đến nơi đến chốn, nhưng vẫn phải chú ý tới nhu cầu xã hội, giai quyết các vấn đề xã hội. Những ngành ứng dụng thì lại càng phải tăng tính thực hành, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn bó mật thiết lĩnh vực của mình với đời sống kinh tế của đất nước. Một đất nước phát triển thực sự, sẽ không có sự phân biệt rạch ròi đâu là các lĩnh vực kinh tế, đâu là văn hóa. Về bản chất chúng là một.
Một số yếu tố có tính kỹ thuật cũng cần chú ý, chủ yếu là công việc của hệ thống giáo dục. Nên bỏ phân ban ở bậc học phổ thông  càng sớm càng tốt. Việc phân ban ở phổ thông không giải quyết được  gì về mặt định hướng nghề nghiệp. Phổ thông cần phân luồng mà không nên phân ban. Phân luồng xem số nào nên theo học nghề, trung cấp, nhóm nào có thể học lên đại học. Không nên phân ban A,B,C,D…. vì ngay cả các ban này cũng chưa  phải là những tri thức thực sự cần thiết cho nghề nghiệp sẽ chọn. Học sinh chưa hiểu nghề mà đăng ký học theo ban, sau khi học rồi mới tìm hiểu nghề thì việc chọn nghề đã bị hạn định từ lúc chưa hiểu về nó mất rồi. Việc phân ban sẽ tạo ra sự học lệch lạc, phát triển không cân đối, nó đi ngược lại với tinh thần giáo dục con người phát triển toàn diện. Mặt khác, phân ban và thi theo khối là không phù hợp với việc chọn người của các trường đại học và các ngành nghề vốn dĩ hết sức phong phú, đa dạng. Nó vừa không đúng nhu cầu tuyển sinh, vừa thiếu vừa thừa. Theo tôi, nên bỏ phân ban ở bậc phổ thông và thay đổi toàn diện cách tuyển sinh đại học. Tất cả thí sinh muốn vào học bậc đại học đều cần phải qua kỳ thi tiếng Việt ( tiếng Việt chứ không phải văn học) và một môn khoa học tổng hợp. Những môn thi loại này nhằm kiểm tra tri thức, khả năng, của một người cần có để vào học ở bậc đại học. Việc thi các môn này giao cho các cơ cơ quan đánh giá độc lập và học sinh phổ thông có thể tích lũy các chứng chỉ  đó dần dần trong quá trình học phổ thông. Ngoài ra các trường tùy theo tình hình đặc điểm nghề nghiệp của mình mà có một vài môn thi riêng, tự quyết định lấy.
Một việc đương nhiên cần điều chỉnh ngay nữa chính là việc dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở bậc phổ thông như văn học, lịch sử, giáo dục công dân…Sách giáo khoa thì chi li, xơ cứng, nó cổ vũ cho học thuộc và công  nghệ học hơn là cảm nhận, thưởng thức, khích lệ tưởng tượng và sáng tạo.
Đối với các trường đại học, việc tư vấn tuyển sinh, thông tin hướng nghiệp cũng cần làm thường xuyên, làm sớm, không nên để dồn vào một vài kỳ cuộc có tính phong trào trước các đợt đăng ký tuyển sinh….
Tóm lại đây là một vấn đề xã hội lớn, cần một giải pháp tổng thể, trong đó có vai trò điều tiết vĩ mô của Chính phủ, vai trò chủ chốt của Bộ giáo dục và Đào tạo của các cơ quan truyền thông đại chúng và  của cả các bậc cha mẹ học sinh và chính các em học sinh.
Và lời cuối cùng mà tôi muốn bày tỏ với các bạn học sinh phổ thông  chính là, dù bất kỳ là ngành nào, khối nào,  chỉ  có thể là người nắm vững tri thức nghề, tốt hơn nữa là thật giỏi, những cơ hội rộng lớn sẽ mở ra trước mắt, còn dù là học nghề nào, mọi cơ hội đều đóng cửa trước những người thụ động,  lười biếng.

Sunday, June 26, 2011

BẢN LĨNH VĂN HÓA


Về một số  sự kiện có liên quan tới Nho giáo trong thập kỷ 70 thế kỷ XI ở Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:
Canh Tuất, Thần Vũ nhị niên…Thu, bát nguyệt, tu Văn miếu, tố Khổng tử, Chu Công cập Tứ phối tượng, họa Thất thập  nhị hiền tượng, tứ thời hưởng tự. Hoàng thái tử lâm  học yên[1](Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070], (Tống Hy Ninh, năm thứ 3).  Mùa thu, tháng 8, sửa Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ hình Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.)
  5 năm sau, lại có một  sự kiện khác được ghi:
Ất Mão tứ niên, xuân nhị nguyệt,  chiếu tuyển Minh kinh bác học cập thí Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, tiến thị đế học[2]( Ất Mão, [Thái Ninh] năm thứ 4 [1075], (Tống Hy Ninh năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.)
  Đây là các sự kiện diễn ra vào cuối đời vua Lý Thánh Tông, đầu đời Lý Nhân Tông, chỉ cách nhau 5 năm. Có thể xem đây là chuỗi các sự kiện liên tục thể hiện sự triển khai có hệ thống, chủ trương tiếp nhận Nho học và sử dụng chữ Hán phục vụ cho việc chuẩn bị và nâng cao năng lực cai trị cho các ông vua đương nhiệm cũng như vua tương lai cùng toàn thể bộ máy quan lại.
Những sự kiện này có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử tư tưởng, trong lịch sử giáo dục khoa cử Nho học, nó cũng là điểm mốc của sự lựa chọn hệ tư tưởng. Người ta thường nói hệ tư tưởng chính thống thời  Lý - Trần là Phật giáo, điều đó không sai, nhưng  phần ý thức hệ chi phối thực chất các hoạt động chính trị  là một phức thể Phật giáo- Nho giáo,  thậm chí cốt lõi bên trong của chính trị  lại chính là Nho giáo.
Ông Alexey B. Polyakov, một học giả người Nga cho rằng, Văn miếu là tên gọi chỉ xuất hiện ở Trung Quốc đời Minh và ông chứng minh rằng chưa thể có chuyện xây văn miếu năm 1070 tại Việt Nam. Ông cũng đưa  ra chứng cứ rằng,  Việt sử lược một tác phẩm sử quan trọng trước thế kỷ XV đã không ghi gì một sự kiện mà theo ông là rất quan trọng như việc xây Văn miếu[3].
Tôi nghĩ rằng, có thể năm 1070  chưa có một nơi thờ tự và học tập chính thức gọi là Văn miếu, nhưng rất có thể đã có một nơi thờ tự Khổng tử và tiên hiền và một  tên gọi của nó có thể khác. Thậm chí một nơi thờ tự Khổng tử còn có thể có từ trước cả thế kỷ XI. Chúng ta chú ý tới chữ  “ tu”, tu  là sửa chữa, cũng có khi dựng mới người ta cũng có thể gọi là tu, nhưng nghĩa chính của nó phải là sửa chứ không phải là xây dựng mới. Xây dựng mới thường người ta dùng kiến  hoặc lập, hoặc tạo,  tạo lập, như vậy có khả năng trước đó đã có nơi thờ tự Khổng tử, nhưng tên gọi có thể khác và thời điểm 1070 về trước chưa có tượng Khổng tử, tượng  tứ phối và tranh vẽ  Thất thập nhị hiền. Thời điểm 1070 nơi thờ tự cũ được tu sửa và đợt tu sửa này người ta đã đặt thêm tượng và điều chỉnh nghi thức thờ tự. Dĩ nhiên đây cũng mới dừng ở một phán đoán. Điều đáng chú ý nữa là, Văn Miếu được tu, nhưng không chỉ là nơi thờ tự không, nó còn kiêm làm nơi giảng học. Ông thái tử đã tới đó để học. Và như vậy ngay từ thời cuối thế kỷ XI, Văn Miếu đã là nơi thờ tự kiêm nhà học. Chỉ có điều lúc đó nó chưa có tên gọi Thái học hay Quốc tử viện như các tên gọi và trường sở  thời kỳ sau. Thái tử tới học Nho giáo là một định hướng tư tưởng cho ông vua và cả triều đình trong tương lai.
 Chúng ta đều biết, nền giáo dục Nho học đã được truyền bá tới Việt Nam từ trước thế kỷ X. Khi  nền Nho học đã  được chú ý hơn vào thế kỷ XI, việc cho tu bổ ( hoặc xây dựng mới) một nơi thờ tự kiêm nhà học cho quý tộc là việc hoàn toàn có thể có. Các tác giả  Việt sử lược với tính chất là những sử gia chịu ảnh hưởng rất đậm của Phật giáo, như ông Tạ Chí Đại Trường gọi là các sử gia Tăng Đạo[4], thì đương nhiên các sự kiện về Nho giáo  sẽ ít được chú ý, nó  không quan trọng như cách nhìn của Ngô Sĩ Liên và các sử gia Nho giáo đời sau. Những tư liệu đó khiến người ta dễ có ấn tượng về Nho giáo các giai đoạn Lý -Trần mờ nhạt hơn  thực tế mà nó có thể có. Tương tự như vậy, dưới ngòi bút sử học của Ngô Sĩ Liên trong  Đại Việt sử ký toàn thư, Phật giáo vắng vẻ tàn tạ hơn là đã từng  có trong thực tế. Sử bút của họ đã chọn lọc. 
Năm 1075, có hai sự kiện  cùng diễn ra vào   tháng 2. Một kỳ tuyển Minh kinh bác học và một kỳ thi Nho học tam trường. Hai sự kiện này được ghi liền nhau khiến người ta dễ cho chúng chỉ là một, nhưng xét kỹ ta thấy nó thực sự là hai việc khác nhau: Một kỳ xét tuyển, có tính chất sát cử, tuyển cử những người am hiểu kinh điển. Minh kinh bác học từng là tên của một trong số các  kỳ sát cử thời Hán và sau được dùng lại cho một số khoa thi tiến sĩ thời kỳ Tùy-  Đường. Như vậy dẫu là tên khoa thi, hay kỳ tuyển cử chọn người thông hiểu kinh điển, thì nó cũng có tính chất một kỳ tuyển những người có trình độ Nho học cao. Kỳ tuyển cử này có thể là cung cấp thầy dạy cho Văn Miếu. Lê Văn Thịnh đã trúng tuyển trong kỳ  tuyển cử này. Còn tiếp sau đó có một kỳ thi “ thí” nho học tam trường, một kỳ thi Nho học ở cấp độ cao nhưng chưa hoàn chỉnh. Ông Lê Văn Thịnh, một người có trình độ Nho học được làm Thái sư ( tức người dạy vua và đảm nhiệm một trong Tam Thái, ba chức vụ quan trọng nhất triều đình). Sự kiện 1070 cho thấy thái tử phải tới học Nho học ở Văn Miếu và sự kiện 1075  cho thấy vua được học một người Nho học. Nho giáo đã là tri thức các vua cần học.
 Như vậy, thời điểm cuối thế kỷ XI đã có một nơi thờ tự và giảng học Nho học bậc cao, mang tính chất cung đình. Triều đình đã có một trường học thực sự, ở trường đó dạy Nho học. Đã có chế độ tuyển cử Nho học và khoa cử thi Nho học tam trường. Việc dạy  Nho giáo đã tách ra khỏi trường học chùa chiền và việc dạy tri thức Nho học đã không còn hoàn toàn trong vòng bao quát của các vị cao tăng.
Tôi đặc biệt chú ý tới thời điểm diễn ra các hoạt động có tính định hướng và kiến tạo cho Nho giáo này tại Việt Nam phần quan trọng vì chúng diễn ra cùng lúc với việc chuẩn bị  cho cuộc đương đầu Lý – Tống. Cuộc đối đầu giữa Lý Thường Kiệt và quân Tống nổ ra vào năm 1076, nhưng để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn, người ta cần tiến hành từ nhiều năm trước, tức các hoạt động chuẩn bị cho cuộc đương đầu quân sự này với các hoạt động tư tưởng, học thuật nói trên đã được diễn ra song song, đồng thời.  Các vua Lý vừa chuẩn bị chống Tống  vừa triển khai những bước đi đầu  tiên của quá trình thể chế hóa, chính thức hóa địa vị của Nho giáo, lựa chọn và đưa Nho giáo vào thành phần của  hệ tư tưởng chính thống.
Vào thời kỳ nền văn hiến dân tộc vẫn còn ở buổi ban đầu, bản lĩnh quốc gia và những truyền thống lớn của dân tộc còn đang trên đường tạo lập mà sao tiền nhân lại bản lĩnh đến vậy, một loại bản lĩnh văn hóa. Chỉ với bản lĩnh văn hóa thực sự, các vua Lý mới vừa chuẩn bị cuộc chiến với nhà Tống, cả chủ động và bị động, khẳng định độc lập cùng với việc tiếp nhận văn hóa, học tập những yếu tố văn hóa mà tự mình thấy cần thiết, mình còn thiếu. Khí thế dân tộc đang lên, dân tộc đang trưởng thành thời đó đã tạo ra một loại khí chất và năng lượng mạnh mẽ.
 Tiếp nhận những giá trị văn hóa, tri thức, học thuật tốt đẹp của người để làm giàu cho mình  luôn là việc làm khôn ngoan của mọi dân tộc. Không để loại cảm xúc này lấn án lý tính kia, đó chính là bản lĩnh.
Bất dĩ nhân phế ngôn, bất dĩ ngôn phế nhân




[1] Đại Việt sử ký toàn thư. 1998. Khoa học xã hội. Hà Nội. Dịch theo bản khắc in 1697. Tr131.
[2] Đã dẫn. Tr 132.
[3] Xem Alexey B. Polyakov . Vai trò của Nho giáo ở Đại Việt thời kỳ hậu Lý sơ ( 1010-1127). Bài trình bày tại hội thảo khoa học 1000 năm Vương triều Lý, Hà Nội 2009.
[4] Tạ Chí Đại Trường. 2004.Văn mới, California. Dòng sử ký tăng đạo.

Monday, June 13, 2011

TƯ TƯỞNG QUÝ SINH CỦA NHO GIA- nhân bàn về tâm lý mong chết toàn thây và hoạt động hiến tạng hiện nay



Cách đây ít hôm có người hỏi tôi về vấn đề có liên quan tới quan niệm mong muốn chết toàn thây trong văn hóa và tâm thức người Việt, điều này có liên quan tới  tạo dư luận cho việc hiến tạng cứu người hiện nay. Tôi cũng chưa trả lời được vì thấy vấn đề  khá phức tạp và cũng chưa từng suy  nghĩ thấu đáo về điều này. Nó có liên quan tới nhiều loại tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, đặc biệt có liên quan nhiều nhất là tư tưởng Nho gia mà chúng ta chưa hiểu hết. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy rất dễ có sự hiểu nhầm việc đề cao chết toàn thây của Nho gia và rất dễ có  chuyện người ta chỉ nhìn nó với chiều tiêu cực, cổ hủ, cản trở, vì vậy tôi thấy cần thiết viết mấy dòng sơ lược bày tỏ sự hiểu biết còn ít ỏi của mình về vấn đề lớn và phức tạp này.
Rõ ràng trong phong tục tập quán và  trong tâm thức của người Việt, chết không toàn thây là điều đau khổ, là sự không thỏa mãn hay bất hạnh đối với người sắp qua đời nếu còn có ý thức về điều đó và gây thương xót cho người sống là thân nhân. Việc hiến tạng vì thế không được nhiều người hưởng ứng, nó có rào cản về tâm lý và phong tục. Suy nghĩ về nguồn gốc của tập tục này, tôi nghĩ phần nhiều nó có gốc từ quan niệm của Nho gia.
Với những gì tôi hiểu thì Đạo gia không  thực sự quan tâm và đặt thành vấn đề lới đối với việc chết có toàn thây hay không. Đạo gia chỉ quan tâm tới chuyện sống hay là chết. Điều Đạo gia quan tâm là làm thế nào đừng chết, chết càng chậm càng tốt, sống càng lâu càng hay, làm thế nào để tránh được cái chết trong trường hợp không đáng chết. Đạo gia phê phán cái chết làm uổng phí sinh mệnh, cho rằng người anh hùng chết vì nghĩa và kẻ trộm cướp bị người ta đánh chết giống nhau ở một điểm là đều chết. Vấn đề là làm sao đừng chết. Đạo gia đề cao sự sống, sinh mệnh, nhưng lại có quan điểm rất phóng khoáng về  vấn đề thi thể sau khi chết.
Một câu chuyện trong sách Trang tử có thể kể lại tương đối theo trí nhớ rằng: 
“ Khi Trang tử sắp chết, học trò nói với ông: Thưa thầy, sau khi thầy chết chúng con xin hậu táng cho thầy ( tức tùy táng theo nhiều thứ và quan quách phức tạp).
Trang tử bày tỏ: “ sau khi ta chết, các con cứ đem quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong.”
Học trò nói một cách đau khổ: “ Không được thưa thầy, như vậy diều quạ sẽ rỉa xác thầy mất”
Trang tử cười mà rằng: “ Nếu các con đem chôn ta dưới đất, thân xác ta sẽ là mồi ăn cho  sâu kiến giun dế  ở dưới đất, và như vậy các con đã cướp miếng ăn của diều quạ đem ban cho sâu kiến giun dế, sao các con lại thiên vị như vậy. Các con cứ quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong, các con có thể cho thêm gì vào cỗ quan tài vũ trụ của ta không?  ta có mặt trăng mặt trời và các vì tinh tú là những vật chôn theo trong cỗ quan tài rộng lớn của ta, ta có mặt đất rộng lớn làm quan quách của ta, các con có thể bỏ thêm vào quan tài của ta những gì hơn thế  được không? Thôi, hãy quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong”( Nam Hoa kinh).
Câu chuyện này có nhiều tầng ý nghĩa, nó cho thấy tinh thần cực phóng khoáng, rộng lớn tiêu dao của nhân sinh trong khoảng vũ trụ bao la không để cho bất kỳ một thứ lễ nghi vụn vặt nào trói buộc. Nó cho thấy việc người ta quá băn khoăn với việc ta ma thương khóc, chôn cất tốn kém linh đình khuynh gia bại sản là việc làm vô nghĩa, là tổn hại cuộc sống của người tại thế. Nó cũng cho thấy Đạo gia không quan tâm nhiều tới việc toàn thây hay không để đi về thế giới bên kia. Phật giáo trong quan niệm về luân hồi, về kiếp sau cũng có liên quan tới sự ảnh hưởng của hình xác không toàn vẹn tới đầu thai kiếp sau. Ở đây tôi chỉ đề cập tới một loại quan niệm khá phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng tới quan niệm mong muốn chết toàn thây, đó là quan niệm của Nho gia.
 Nho gia cho đây là vấn đề liên quan tới đạo hiếu, tới danh dự, phạm trù phúc đức. Có thể quan niệm về chết toàn thây hay không có nguồn từ tôn giáo cổ đại của Trung Quốc- Vu giáo. Điều này tôi chưa có điều kiện tra cứu, nhưng khả năng rất có thể có liên hệ. Nhưng từ thời Khổng tử trở về sau, các văn bản còn lưu truyền thì cho thấy nó liên quan trược tiếp tới quan niệm về Hiếu. Đạo hiếu cho rằng cha mẹ ban cho cái gì thì phải cố mà giữ cho được cái đó, không được làm tổn thất mất mát điều gì.  ( kèm theo là không có con  trai nối dõi là đại bất hiếu). Tăng tử trước khi chết còn nói với học trò: “启予足!启予手!诗云战战兢兢,如临深渊,如履薄冰。而今而后,吾知免夫!小子!”(论语-泰伯第八)“ khải dư túc! khải dư thủ ! Thi vân “chiến chiến căng căng[1], như lâm thâm uyên, như lý bạc băng.”nhi kim nhi hậu, ngô tri miễn phù! Tiểu tử”(Luận ngữ- Thái Bá thiên thứ 8)… Câu trên có nghĩa là: này học trò, hãy mở xem chân của ta, hãy mở xem tay của ta! Kinh Thi có nói:  cẩn thận, thật cẩn thận, như tới gần vực sâu, như đi trên băng mỏng.” Từ nay về sau ta mới biết được rằng ta đã tránh được tội bất hiếu đấy hỡi các học trò. Đối với  Tăng Tử, giữ gìn chân tay thân thể, những thứ mà cha mẹ ban cho cũng phải thường xuyên, phải cẩn thận đặc biệt như là đi tới gần vực sâu, như đi trên băng mỏng. Đó là việc khó khăn, là việc không thể xem nhẹ, không thể lơ là. Tới  tận khi sắp chết ông ta mới thực sự an tâm rằng mình sẽ còn một thân thể vẹn nguyên để đi gặp cha mẹ nơi suối vàng. Chân tay của ông ta còn đủ  cả không mất mát phần nào để đi gặp cha mẹ thì người đó cảm thấy sung sướng thanh thản mà chết. Mối quan tâm của nhà nho trước khi chết không phải là chỗ chết rồi sẽ đi về đâu, cuộc sống sau khi chêt sẽ ra sao, mà là đời ta đã trải qua có tỳ vết gì không, có tội lỗi gì không, có toàn vẹn để gặp cha mẹ tổ tiên hay không? Vì thế một việc hết sức quan trọng của nhà nho là làm thế nào bảo toàn được thân thể, không vướng vào hình phạt làm tổn hại thể xác thanh danh.
Nó là tinh thần của đạo hiếu, nhưng suy xét một cách sâu sắc thì thấy nó xuất phát từ quan niệm trọng sinh, quý sinh, thượng sinh của Nho gia. Đây là điểm giống nhau, điểm tương đồng giữa Nho gia và Đạo gia. Nó chỉ khác Đạo gia ở chỗ quý sinh gắn liền với đạo đức. Triết lý quan trọng nhất của kinh Dịch, một kinh điển cực quan trọng của Nho gia là  “ sinh sinh chi vị Dịch”,  hay quan niệm về cái Đức lớn nhất  của trời đất là Sinh thành:Thiên địa chi đại đức viết sinh”. Trong thời đại loạn Xuân thu- Chiến quốc, mạng người bị coi như cỏ rác, sự sống và cái chết của dân chúng nằm trong tay một người, thậm chí phụ thuộc vào cảm xúc, tình trạng tâm lý của một người. Trong trường hợp như vậy, Nho gia phải chủ trương một loại triết lý, gọi là  triết lý bảo thân, triết lý này khuyên người ta phải minh triết, để làm thế nào vừa giúp đời được, vừa cứu người được nhưng cũng phải giữ được cái mạng của mình, không hành động cẩu thả bừa bãi. Bạo hổ bằng hà, hữu dũng vô mưu là cái mà nhà nho không tán thành. Triết lý bảo sinh này  khuyên người ta phải biết tiến thoái, xuất xử, hành tàng, “nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư”,” thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn” để sao cho vừa giúp đời vừa giữ mạng mình. Việc xem toàn thây để trở về với cha mẹ là hiếu có ý nghĩa nhấn mạnh việc coi trọng sự sống, giá trị của sự sống, cần phải biết tự bảo vệ mình trong bối cảnh thiên hạ loạn lạc.  Việc nhắc nhở việc có con trai nối dõi thực chất cũng nằm trong  hệ thống việc trọng sinh, trọng sự nối tiếp của sinh mệnh và duy trì sinh mệnh, một điều tưởng giản dị nhưng vô cùng quan trọng của thời kỳ cuộc sống của con người còn quá nhiều điều đe dọa. Nhấn mạnh thận trọng bảo thân, không cẩu thả và coi thường sinh mệnh, nhưng Nho gia vẫn cổ vũ con người trong những trường hợp nhất định vẫn có thể vị đạo tuẫn thân,  sát thân thành nhân, xả thân thủ nghĩa.
 Quan niệm đề cao chết toàn thây  này của Nho gia trong thực tế đã bị người cầm quyền trong quá khứ lợi dụng theo hướng có lợi cho việc cai trị, ngăn chặn phạm tội, nhất là làm loạn và chống lại triều đình. Chết không toàn thây được xem là sự trừng phạt nặng nề có sức răn đe. Phanh thây xé xác được nhắc tới với những gì ghê sợ nhất, ngoài sự đau đớn thể xác, nó còn đánh vào tinh thần của kẻ bị chết lẫn cộng đồng chứng kiến. Gây ra đau đớn tinh thần cho người sống. Chết không toàn thây được xem là  số phận bất hạnh, không ra gì, người ta coi đó là một sự thể hiện  trừng phạt của số mệnh.
Trong các hình phạt xưa, chết toàn thây được xem là ban ơn cho kẻ phạm tội chết, là hình thức gia ân của vua nếu cuộc sống anh ta  có nhiều công trạng, hoặc được xem là đáng chết nhưng tội không quá nặng, hoặc địa vị xã hội đáng được nhận ưu ái…
Quan niệm về sống cẩn trọng, coi trọng sinh mệnh của mình, sinh mệnh của mình không chỉ của mình, không chỉ chỉ liên quan tới cá nhân mình, (mặc dù  pháp luật thừa nhận các quyền đó) là quan niệm tốt có giá trị bền vững của Nho gia để lại. Nó khuyên người ta sống có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. Chuyện sống chết của cá nhân mình không chỉ  là chuyện của mình, nó có thể gây bất hạnh cho người thân và cộng đồng. Nếu ai cũng nghĩ được điều này một cách sâu sắc và cẩn trọng trong hành vi của mình, giảm thiểu dục vọng thì có lẽ sẽ giảm bớt được những cái chết do nghiện hút, và căn bệnh thế kỷ AIDS hiện nay.
 Quan niệm đề cao chết toàn thây trong truyền thống đối với việc hiến tạng ngày nay của người sắp chết quả là một rào cản to lớn. Có những người già tình nguyện hiến tạng, nhưng con cháu lại không muốn vì thương xót. Theo tôi nghĩ ảnh hưởng của quan niệm truyền thống còn rất nặng nề, cần có những điều chỉnh để mở đường cho tư tưởng nhân đạo mới. Cần cổ vũ cho tinh thần cứu một người phúc đẳng hà sa. Coi hiến tạng cứu người là việc lớn tạo nên phúc quả cho thế hệ sau. Điều này không mâu thuẫn với triết lý  bảo sinh quý sinh, sống cẩn trọng, chống tàn hại sinh mệnh, sống cẩu thả, vô trách nhiệm của Nho gia. Hiến tạng là sự lựa chọn chủ động, và vì vậy, nó khác với chết không toàn thây do tai nạn, hình phạt hay những lý do không chủ động khác. Để mở đường cho cũng một loại quan niệm vị sinh trọng sinh- hiến tạng, người ta cần có những chiến dịch truyền thông để điều chỉnh dư luận. Các nhà hoạt động tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo cùng các lực lượng xã hội khác nên cổ vũ cho tinh thần này. 
Nguyễn Kim Sơn
ngày giữa hè 12.6.2011




[1]  Kinh Thi- Tiểu nhã- Tiểu mân

Sunday, June 05, 2011

MẤT NGƯỜI VÀ PHÍ LỜI

Sách  Luận ngữ  có ghi lời Khổng tử như sau:

子曰:「可與言而不與之言,失人;不可與言而與言,失言。知者不失人,亦不失言」 (《論語·衛靈公第十五》) ( Tử viết: “ khả dữ ngôn nhi bất dự chi ngôn, thất nhân; Bất khả dữ ngôn nhi dữ ngôn, thất ngôn. Trí giả bất thất nhân, diệc bất thất ngôn). Có thể dịch nghĩa là: Với người có thể cùng nói chuyện mà không nói chuyện cùng họ, như vậy là bỏ qua mất người đáng nói; Với người không thể nói chuyện cùng mà mình vẫn cứ nói, như vậy là uổng phí mất lời của mình. Bậc trí giả không để mất người , cũng không để phí mất lời. 

Lời Khổng tử ở trên với ý khuyên mọi người trong việc giao tiếp nói chung cần phải minh triết, lúc nào đáng nói, lúc nào không đáng nói, nhưng đồng thời cũng có ý cụ thể nói về việc dùng lời để truyền dạy. Với người nào muốn nghe, người nào đang cần trợ giúp, đang cần truyền dạy, đang cần tư vấn mà mình không mở lòng mà truyền giảng, mà trao đổi, đối thoại hướng dẫn, thì như vậy là đã để mất người.  Thất nhân (mất người) với ý nghĩa là  đáng dạy dỗ truyền thụ, tác thành cho họ để có thêm người tốt cho đời mà đã bỏ lỡ không làm. Điều này rất quan trọng đối với bậc làm thầy. Xét riêng về ảnh hưởng của thầy đối với trò, thầy giỏi chuyên môn chưa đủ, thầy còn phải sẵn sàng truyền thụ, sẵn sàng trợ giúp học trò. Kinh nghiệm của người đi trước có thể rút ngắn và tiết kiệm thời gian cho người đi sau.

Trong giao tiếp với người, và cả trong việc dạy người, phải làm sao cho đừng  để mất người, nhưng cũng đừng để phí mất lời của mình. Người nghe lời ta mà không thể hiểu được, hoặc người không đáng nói mà mình nói, người không muốn nghe mà mình nói, nói với những đối tượng đó là phí lời. Với loại đối tượng này, nói với họ, giảng giải cho họ không những là lãng phí công sức thời giờ, mà đôi khi còn gánh thêm sự bực bội, thất vọng, thậm chí là tai vạ. Vì vậy thánh nhân dạy đừng để phí lời mình, chỗ đáng nói thì nói, chỗ không đáng nói thì thôi.

Có những người tri thức đầy mình, trí tuệ uyên bác, nhưng ít khi cởi mở, quá kiệm lời, chỉ sợ người khác lấy mất ý tưởng của mình, sợ học trò hơn mình, hoặc cố làm cho lời nói của mình trở nên quý giá tới mức ít bày tỏ và truyền giảng cho người khác. Loại này có thể mang theo tri thức của mình xuống mồ một cách lãng phí, hoặc thực sự là họ không có mấy thứ để nói. 

Không để phí lời và không để mất người là loại minh triết ứng xử dành cho người trí thức, đặc biệt là  bậc trí thức đang đảm nhiệm việc giảng dạy truyền thụ tri thức, nghề nhà giáo nói chung. Nó là một thứ triết lý giáo dục, triết lý ứng xử thầy trò và  giao tiếp xã hội. Sự tổng kết này hay, sâu sắc nhưng nó  cũng không dễ thực hiện. Cái khó của nó chính là ở chỗ cứ phải phung phí khá nhiều lời lẽ công sức rồi thì may ra mới biết được rằng ai là người thực sự  muốn nghe ? Thường thì nói xong rồi mới rút ra được rằng mình đã phí lời.  Đó là chưa kể  tới trường hợp biết là nói thì phí mà vẫn cứ phải nói. Đây là trường hợp giảng dạy cho đối tượng  không thích nghe nhưng do hoàn cảnh bắt buộc vẫn cứ phải nói. Nói kiểu này quả là cực hình. Lại có trường hợp biết rằng mất người mà vẫn không thể nói. Đó lại là trường hợp do những hoàn cảnh thật đặc biệt, có những điều đúc rút cho bản thân nhưng không thể, hoặc không tiện nói cho  người khác.

Quan sát cách mà các nhà khoa học, các bậc thầy ngày nay nhận xét học trò, nhận xét nghiên cứu sinh, nhận xét công trình người khác thì ta thấy đạo dùng lời có lẽ phức tạp hơn ngày xưa nhiều. Có những bài nhận xét nghe rồi không rõ thế là khen hay chê, ai hiểu thế nào cũng được. Lại có loại nhận xét  nói vòng nói vo, nói đủ các thứ, nhưng chẳng có gì là thực sự gọi là đánh giá nhận xét cả. Người khen quá lên một chút thì sợ người khác cho rằng chắc cảm tình cá nhân hoặc lý do đặc biệt thì mới khen thế. Chê trách chất vấn nhiều thì người khác lại nghĩ chắc là thầy trò có chuyện, hoặc quan hệ có chiều không ổn, hoặc nhằm hạ uy tín thầy nó…Thường thì nhận xét công trình khoa học của ai đó nhìn vào công trình thì ít, nhìn vào người viết nó, thầy của người viết, nhìn vào cả những người xung quanh để nhận xét.  Có những bản nhận xét có tới ½ nội dung nhằm vào thư mục tài liệu tham khảo và cách chia chương mục, còn các luận điểm, phương pháp thì không động tới bao giờ. Việc chọn từ ngữ cho một lời nhận xét thì  toàn những từ chừng mực tròn vo:  có lẽ, phải chăng, nên chăng, viết thế này thì tốt hơn, góp ý đây chỉ là cho tốt hơn còn không ảnh hưởng gì tới việc đánh giá công trình khoa học này… Với loại nhận xét như vậy thì người viết dễ đẹp lòng, yên tâm, thậm chí sung sướng, nhưng không thấy được chỗ nào là thực sự khiếm khuyết, chỗ nào cần sửa chữa.  Nhận xét thế hình như là vừa phí lời vừa mất người.

Để cho con cháu vài ba thế kỷ sau có tư liệu nghiên cứu về văn phong nhận xét công trình khoa học, cho quốc dân đồng bào hậu thế chiêm ngưỡng, chắc phải tìm cách giải quyết vấn đề bản quyền mà đưa lên blog này vài văn bản nhận xét  tiêu biểu, có như vậy loại văn bản đó mới không thành  thất ngôn  và chúng ta cũng không sợ lỗi thất nhân  với người đời sau.

Đạo dùng lời mới thực khó thay.

Tuesday, May 24, 2011

KÍNH CÁO

Nguyễn Kim Sơn tôi bắt đầu sử dụng blog này từ cuối năm 2010. Sau một thời gian sử dụng, tôi thấy blog rất hữu ích, thông qua blog tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi trực diện quý báu. Tôi rất cảm ơn những bạn đã có ý kiến thảo luận, cảm ơn nhiều bạn đã đặt liên kết thường xuyên để theo dõi. Tôi cũng rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý, thảo luận nhiều hơn nữa của các bạn. Blog thực sự đã đem lại cho tôi nhiều hứng thú và nhiều quan hệ rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, sau một thời gian tôi cũng nhận thấy blog có những hạn chế nhất định. Tôi mong muốn có một địa chỉ mạng vừa có thể trao đổi thông tin học thuật hỗ trợ cho công tác giảng dạy (vốn là nghề của tôi) vừa có thể đưa lên đó các tư liệu nghiên cứu để chia sẻ với các bạn và các đồng nghiệp.

Do vậy, được sự cổ vũ của bè bạn, tôi quyết định mở một website cá nhân với tên truy cập là www.nguyenkimson.net. Tất cả các bài có trong blog này cũng đều có mặt trong lưu trữ của website. Tuy nhiên blog và web mỗi loại có ưu thế riêng và không thể hoàn toàn thay thế cho nhau, tôi chủ trương duy trì hoạt động của cả hai. Vậy xin kính cáo với toàn thể các bạn, mời các bạn ghé thăm web mới đồng thời liên kết theo dõi nếu các bạn có hứng thú quan tâm.

Nguyễn Kim Sơn kính thư

Friday, May 20, 2011

VẤN ĐỀ "GIỚI HẠN" TRONG TAM GIÁO

Nho giáo đặt ra các khuôn phép, các mốc vạch, các chuẩn mực và chủ trương con người tu dưỡng khiến cho tâm tính của mình phù hợp, từ chỗ chế ước ép buộc tới thoải mái với những chuẩn mực đó. Lễ chính là các khuôn mẫu, là phép tắc, là giới hạn. Về bản chất, Nho gia đặt ra và tôn trọng các giới hạn. Người mới tu đạo thấy choáng ngợp và hoang mang phân vân với các giới hạn, thấy gò bó trong các giới hạn. Người đã tu dưỡng  tới độ nào đó dần dần sẽ thấy các giới hạn mờ dần đi và cuối cùng cũng không còn thấy giới hạn nữa. Khổng tử nói 70 tuổi tòng tâm sở dục bất dũ củ chính là mô tả trạng thái khi đã siêu việt khỏi các giới hạn, trong giới hạn mà thấy thung dung, tự do. Cái tự do mà Nho giáo đạt được là kết quả của quá trình khổ luyện tâm tính,  là quá trình đi tới đồng nhất nhân dục và các khuôn phép để không còn thấy khuôn phép và giới hạn. Đó là siêu việt nội tại.

Đạo gia với mục tiêu đem đến tự do và sự giải phóng cho tinh thần con người nên chủ trương mở rộng các giới hạn. Những hình tượng kỳ vỹ phi phàm, những chuyện hoang đường kỳ quái, những thần nhân đi trong lửa nóng tuyết lạnh, cưỡi gió cưỡi mây, những hình tượng chim bằng biển bắc, người sống lâu khác thường… được tạo ra cốt để người ta thấy không phải chỉ có những cái thực mục sở thị, nó mở rộng tầm mắt, tầm tưởng tượng, tầm tư duy cho con người. Việc chỉ ra tính tương đối và chủ quan của sự nhận thức về thế giới và chủ trương vô đãi, vô biệt cũng nhằm tạo ra những khoảng rộng lớn để tư duy và trí tưởng tượng con người có thể vùng vẫy.  Đạo gia đã nới ra, mở rộng tầm cho nhân sinh và tinh thần con người. Trong khoảng rộng ấy, con người sẽ tự do hơn, phóng khoáng hơn, nó đối lập làm cho  nhiều khoảng cách và chiều kích khác trở nên vô nghĩa, bé nhỏ, vụn vặt. Nhưng dẫu lớn lao tới đâu, tầm kiểm soát của Đạo gia  vẫn là những khoảng cách và giới hạn có thực được nới rộng ra thêm.

Còn Phật giáo, Phật giáo đập nát mọi khái niệm, mọi quy ước, cho tất thảy không có gì thường trụ, không có gì tự thể tự tính, chủ trương con người cần vô niệm, vô trụ, vô ngã, phá bỏ hoàn toàn mọi giới hạn. Tất thảy những gì thuộc về thế giới mà ta tri giác được, mà tâm ta soi rọi được thảy đều là giả tướng.  Bản lai vô nhất vật, tâm sinh vạn phát sinh, khuyên người sinh tâm nơi vô sở trụ, Phật giáo không những không đặt thêm ra các hạn định, cũng không chỉ nới rộng các chiều khoảng,  mà Phật giáo đã đập nát mọi giới hạn, đem tới sự tự do chân thực tuyệt đối cho tư duy, cho tinh thần con người. Thế giới tinh thần nhân sinh do Phật giáo tạo lập vì thế mà rộng lớn nhất, tuyệt đối nhất, mạnh mẽ và giàu sinh lực nhất. Nó rất tuyệt vời cho tinh thần cá thể con người. Nhưng vì nó vượt bỏ mọi giới hạn ngay từ đầu mà dễ trở nên nguy hiểm cho những người  chưa thấu lẽ hoặc chỉ nhìn Phật giáo ở hình thức, ở phương tiện. Phật giáo đập nát mọi giới hạn, nhưng công cụ để phá hủy và gạt bỏ mọi giới hạn đó tự nó lại là một giới hạn đối với những ai không thể làm công việc đập phá.

Giới hạn, giới hạn…

Hà Nội mùa Phật Đản 2011
Nguyễn Kim Sơn