Sunday, July 10, 2011

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN: TỪ THỰC TIỄN XÃ HỘI TỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC


Sau khi con số thống kê từ đợt thu hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học cao đẳng trong cả nước được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, tháng 5 vừa qua, người ta bắt đầu chú ý và thảo luận nhiều về vấn đề suy giảm số lượng thí sinh thi vào các khối C và D nói riêng và thi vào khối ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Có những trường phổ thông ở Hà Nội, trong số trên 2000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học chỉ có 02 hồ sơ thi khối C. Những con số này đã thực sự gây sốc cho dư luận.
Sự suy giảm này thực ra đã băt đầu từ nhiều năm nay. Trường hợp của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫu đứng trong số các trường khá dễ dàng trong tuyển sinh và điểm tuyển đầu vào thuộc loại nhóm cao, nhưng bình quân mỗi năm số thí sinh thi khối C cũng giảm khoảng 10%, tính trong vòng 5 năm trở lại đây. Sự sụt giảm này là có hệ thống, là một xu hướng trong thực tế chứ không phải hiện tượng bất thường, nhất thời. Theo tôi vấn đề này có tính tất yếu do rất nhiều nguyên nhân. 
Như trên đã nói, việc học sinh phổ thông ít chọn thi khối C, D cũng có nghĩa là số người lựa chọn nghành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội  nhân văn giảm. Người ta dễ nhìn nó là vấn đề de dọa nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực thuộc khối ngành nghề này. Đó là sự thực, nhưng vấn đề cần nhìn nhận  một cách sâu xa hơn và theo hướng đó chúng ta thấy vấn đề có phần nghiêm trọng hơn những gì mà người ta thảo luận sôi nổi trong mấy tuần nay. 
Sau mấy chục năm đổi mới, sự triển khai chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường đã đạt được những thành tựu lớn, bộ mặt xã hội đã có rất nhiều sự thay đổi. Nhưng đồng thời một sự thay đổi sâu sắc hơn, to lớn hơn đối với con người và xã hội cũng đã diễn ra theo, đó là sự thay đổi hệ giá trị, các quan niệm giá trị với ý nghĩa là cái lõi của nền văn hóa. Giá trị tinh thần mà các lĩnh vực thẩm mỹ, nghệ thuật, văn chương, lịch sử, triết học mang tới cho con người, tạo ra sự thỏa mãn tinh thần  con người, gắn kết và điều hòa xã hội bị suy giảm. Tâm lý xã hội đề cao vấn đề lợi ích, sống thực tế, thiết thực thậm chí là thực dụng hơn.  Đây là kết quả tất yếu của chuyển đổi nền kinh tế, đổi mới, phát triển kinh tế, nhưng những vấn đề xã hội, vấn đề con người chưa được chú ý đúng mức. Chưa chú ý đứng mức thì chưa có chính sách phù hợp và những  giải pháp để điều chỉnh cho phù hợp.  Nó là một nguy cơ nhân văn, nguy cơ văn hóa nguy cơ đối với  con người và xã hội nói chung.
Học sinh ngày nay chú ý và theo đuổi các ngành như công nghệ, kỹ thuật,  kinh tế, tài chính, ngân hàng… nhiều hơn bởi cơ hội việc làm lớn hơn, thu nhập cao hơn. Cũng có nghĩa là người Việt bây giờ, đặc biệt là giới trẻ đặt vấn đề lợi ích lên cao hơn, thực dụng hơn. Có nhiều người cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế trong những năm qua diễn ra quá mạnh mẽ, nó cần nguồn nhân lực lớn, tạo thành cơn lốc xoáy cuốn nguồn nhân lực vào đó, làm lu mờ các lĩnh vực xã hội và nhân văn khác. Theo tôi điều này cũng có một phần đúng, nhưng nó không phải là quy luật thông thường của các quốc gia trong quá trình phát triển. Kinh tế phát triển, đời sống con người nâng cao thì các lĩnh vực xã hội, nhân văn, nghệ thuật cũng đương nhiên phải có thêm sức mạnh để phát triển  chứ không thể vì thế mà lụi tàn. Sự phát triển nền kinh tế mà tạo ra sự khủng hoảng về xã hội và nhân văn như vậy là sự phát triển không bình thường. Phải chăng những người  làm kinh tế chưa thực nhận thức đúng về phương pháp phát triển kinh tế một cách toàn diện? Phải chăng các nhà  quản trị kinh doanh chưa nhìn thấy sức mạnh kinh tế từ chính các hoạt động xã hội nhân văn? Trong nền kinh tế tri thức như hiện nay,  các sản phẩm bán ra trên thị trường, hàm lượng trí tuệ xã hội nhân văn ngày càng lớn. Từ  thẩm mỹ, mẫu mã, tâm lý tiêu dùng, các lĩnh vực truyền thông khác  đều hết sức quan trọng. Đó là chưa kể tới  khoa học quản lý điều hành sản xuất, quan hệ doanh nghiệp, phát triển nhân lực, quan hệ khách hàng, tinh thần người sản xuất, hoạt động quảng bá doanh nghiệp… đều thuộc lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn. Các lĩnh vực dịch vụ xã hội, các ngành công nghiệp giải trí thực sự là ngành kinh tế mũi nhọm đem lại nhiều tiền bạc chẳng kém các lĩnh vực công nghệ cao khác tại nhiều quốc gia trên thế giới. Như vậy  sự suy giảm sức thu hút của các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn vừa là dấu hiệu của sự khủng hoảng hệ giá trị, khủng hoảng nhân văn, đồng thời cũng cho thấy chính sự phát triển kinh tế có vấn đề chưa hợp lý.
Vấn đề số thí sinh thi vào các ngành xã hội nhân văn giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn nhân lực trong xã hội, đó là rõ ràng, nhưng  đó mới chỉ là một phần của nguy cơ. Vấn đề nghiêm trọng hơn  lại ở chỗ, trong số ngày càng ít đi  số thí sinh thi các ngành khoa học xã hội và nhân văn đó, số thực sự có tư chất tốt, học lực xuất sắc lại rất ít coi các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là đối tượng đam mê.  Các lĩnh vực xã hội nhân văn có thể không cần số lượng nhiều như nhân lực kỹ thuật, công nghệ, tài chính ngân hàng… nhưng lại cần những người rất giỏi, chẳng hạn như triêt học, khảo cổ, tâm lý, nghệ thuật học, chính trị học….Không có người giỏi thi vào chúng ta sẽ thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực này. Sự điều chỉnh và định hướng cho xã hội lệ thuộc rất nhiều vào lực lượng trí thức này. Tôi thấy dư luận mới chỉ quan tâm tới ít người thi mà còn chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề  ít người giỏi thi.
Điều hệ trọng nữa cũng cần phân tích thêm là, trong sự suy giảm thí sinh thi khối C, D, tình hình có khác nhau giữa các ngành. Nhiều ngành xã hội như luật học, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, báo chí, truyền thông… vẫn thu hút khá nhiều thí sinh thi, nhiều ngành còn tăng hơn cả năm trước. Số ngành bị giảm mạnh số thí sinh thi lại là những ngành khoa học cơ bản, những ngành mà vai trò của chúng có tác động rất lớn tới  đời sống tinh thần xã hội, chẳng hạn các ngành triết học, nhân học, ngôn ngữ, thông tin thư viện, lịch sử, văn học… Như vậy cũng có nghĩa là  sự sụt giảm của khối xã hội và nhân văn cần nhìn nhận đối với từng ngành cụ thể và khi tìm giải pháp cũng cần đề ra những giải pháp khác nhau cho từng ngành, hay nhóm các ngành.
Một số ý kiến đã bày tỏ chú ý nhiều tới  việc hãy có chính sách ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi, chăm lo cho các lĩnh vực này, tới người học, người nghiên cứu, tới đãi ngộ trong lao động, nghề nghiệp… Tôi nghĩ hướng giải pháp như vậy cần thiết, nhưng mới chỉ đúng một phần. Hướng này chủ yếu cho các ngành cơ bản, có liên quan tới chiến lược và lợi ích quốc gia ( vấn đề này  không chỉ thuộc khối xã hội nhân văn mà ở khối khoa học tự nhiên cũng gặp) thì cần có đầu tư lớn. Những ngành này không những không thu học phí mà còn cần cấp học bổng, cần đầu tư mạnh. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là một phần của giải pháp, nó không căn bản  và lâu dài. Người ta dẫu được miễn học phí, được ưu tiên, nhưng nghề nghiệp sau này không đem lại thu nhập tốt và cơ hội phát triển tốt thì người ta vẫn không theo học và làm việc tại các ngành đó.
Để có được sự thay đổi mang tính gốc rễ, cần có một giải pháp tổng thể, có hệ thống. Cần phải có điều tiết vĩ mô trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Cần phải có những chính sách, những biện pháp để đối phó uốn nắn sự thay đổi trong định hướng giá trị của xã hội theo hướng lệch lạc.
Tôi cũng đã tham gia nhiều cuộc tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông chuẩn bị  chọn trường để thi đại học, câu hỏi mà các em thường dùng nhất là nghề này nghề khác có dễ tìm việc không, thu nhập có cao không, thi có dễ đỗ không, mà hầu như không có ai hỏi rằng, em như vậy như vậy có phù hợp với nghề ấy không,  nghề nào thì phát huy năng lực của em tốt nhất. Lại càng vắng bóng loại câu hỏi rằng nghề nào sẽ giúp em sống tốt nhất, có thể giúp đời nhiều nhất. Cái từ cửa miệng “  cống hiến” đã bị người ta dùng quá nhiều trong các thập kỷ về trước tới mức mòn hết cả nghĩa đi, thậm chí còn đang chuyển sang nghĩa trào phúng. Điều chỉnh hệ thống quan niệm giá trị,  cho thế hệ trẻ là một giải pháp vĩ mô, giải pháp căn bản.
Về phía những người hoạt động trong  nền kinh tế, quản trị kinh doanh một cách khôn ngoan cần tìm lấy sức mạnh và sự góp mặt của các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Mặt khác, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng cần phải điều chỉnh chính mình để thích nghi với sự thay đổi của đời sống xã hội, của kinh tế và văn hóa. Nhiều lĩnh vực đã hàn lâm thì vẫn phải hàn lâm cho đến nơi đến chốn, nhưng vẫn phải chú ý tới nhu cầu xã hội, giai quyết các vấn đề xã hội. Những ngành ứng dụng thì lại càng phải tăng tính thực hành, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn bó mật thiết lĩnh vực của mình với đời sống kinh tế của đất nước. Một đất nước phát triển thực sự, sẽ không có sự phân biệt rạch ròi đâu là các lĩnh vực kinh tế, đâu là văn hóa. Về bản chất chúng là một.
Một số yếu tố có tính kỹ thuật cũng cần chú ý, chủ yếu là công việc của hệ thống giáo dục. Nên bỏ phân ban ở bậc học phổ thông  càng sớm càng tốt. Việc phân ban ở phổ thông không giải quyết được  gì về mặt định hướng nghề nghiệp. Phổ thông cần phân luồng mà không nên phân ban. Phân luồng xem số nào nên theo học nghề, trung cấp, nhóm nào có thể học lên đại học. Không nên phân ban A,B,C,D…. vì ngay cả các ban này cũng chưa  phải là những tri thức thực sự cần thiết cho nghề nghiệp sẽ chọn. Học sinh chưa hiểu nghề mà đăng ký học theo ban, sau khi học rồi mới tìm hiểu nghề thì việc chọn nghề đã bị hạn định từ lúc chưa hiểu về nó mất rồi. Việc phân ban sẽ tạo ra sự học lệch lạc, phát triển không cân đối, nó đi ngược lại với tinh thần giáo dục con người phát triển toàn diện. Mặt khác, phân ban và thi theo khối là không phù hợp với việc chọn người của các trường đại học và các ngành nghề vốn dĩ hết sức phong phú, đa dạng. Nó vừa không đúng nhu cầu tuyển sinh, vừa thiếu vừa thừa. Theo tôi, nên bỏ phân ban ở bậc phổ thông và thay đổi toàn diện cách tuyển sinh đại học. Tất cả thí sinh muốn vào học bậc đại học đều cần phải qua kỳ thi tiếng Việt ( tiếng Việt chứ không phải văn học) và một môn khoa học tổng hợp. Những môn thi loại này nhằm kiểm tra tri thức, khả năng, của một người cần có để vào học ở bậc đại học. Việc thi các môn này giao cho các cơ cơ quan đánh giá độc lập và học sinh phổ thông có thể tích lũy các chứng chỉ  đó dần dần trong quá trình học phổ thông. Ngoài ra các trường tùy theo tình hình đặc điểm nghề nghiệp của mình mà có một vài môn thi riêng, tự quyết định lấy.
Một việc đương nhiên cần điều chỉnh ngay nữa chính là việc dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở bậc phổ thông như văn học, lịch sử, giáo dục công dân…Sách giáo khoa thì chi li, xơ cứng, nó cổ vũ cho học thuộc và công  nghệ học hơn là cảm nhận, thưởng thức, khích lệ tưởng tượng và sáng tạo.
Đối với các trường đại học, việc tư vấn tuyển sinh, thông tin hướng nghiệp cũng cần làm thường xuyên, làm sớm, không nên để dồn vào một vài kỳ cuộc có tính phong trào trước các đợt đăng ký tuyển sinh….
Tóm lại đây là một vấn đề xã hội lớn, cần một giải pháp tổng thể, trong đó có vai trò điều tiết vĩ mô của Chính phủ, vai trò chủ chốt của Bộ giáo dục và Đào tạo của các cơ quan truyền thông đại chúng và  của cả các bậc cha mẹ học sinh và chính các em học sinh.
Và lời cuối cùng mà tôi muốn bày tỏ với các bạn học sinh phổ thông  chính là, dù bất kỳ là ngành nào, khối nào,  chỉ  có thể là người nắm vững tri thức nghề, tốt hơn nữa là thật giỏi, những cơ hội rộng lớn sẽ mở ra trước mắt, còn dù là học nghề nào, mọi cơ hội đều đóng cửa trước những người thụ động,  lười biếng.