Monday, June 13, 2011

TƯ TƯỞNG QUÝ SINH CỦA NHO GIA- nhân bàn về tâm lý mong chết toàn thây và hoạt động hiến tạng hiện nay



Cách đây ít hôm có người hỏi tôi về vấn đề có liên quan tới quan niệm mong muốn chết toàn thây trong văn hóa và tâm thức người Việt, điều này có liên quan tới  tạo dư luận cho việc hiến tạng cứu người hiện nay. Tôi cũng chưa trả lời được vì thấy vấn đề  khá phức tạp và cũng chưa từng suy  nghĩ thấu đáo về điều này. Nó có liên quan tới nhiều loại tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, đặc biệt có liên quan nhiều nhất là tư tưởng Nho gia mà chúng ta chưa hiểu hết. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy rất dễ có sự hiểu nhầm việc đề cao chết toàn thây của Nho gia và rất dễ có  chuyện người ta chỉ nhìn nó với chiều tiêu cực, cổ hủ, cản trở, vì vậy tôi thấy cần thiết viết mấy dòng sơ lược bày tỏ sự hiểu biết còn ít ỏi của mình về vấn đề lớn và phức tạp này.
Rõ ràng trong phong tục tập quán và  trong tâm thức của người Việt, chết không toàn thây là điều đau khổ, là sự không thỏa mãn hay bất hạnh đối với người sắp qua đời nếu còn có ý thức về điều đó và gây thương xót cho người sống là thân nhân. Việc hiến tạng vì thế không được nhiều người hưởng ứng, nó có rào cản về tâm lý và phong tục. Suy nghĩ về nguồn gốc của tập tục này, tôi nghĩ phần nhiều nó có gốc từ quan niệm của Nho gia.
Với những gì tôi hiểu thì Đạo gia không  thực sự quan tâm và đặt thành vấn đề lới đối với việc chết có toàn thây hay không. Đạo gia chỉ quan tâm tới chuyện sống hay là chết. Điều Đạo gia quan tâm là làm thế nào đừng chết, chết càng chậm càng tốt, sống càng lâu càng hay, làm thế nào để tránh được cái chết trong trường hợp không đáng chết. Đạo gia phê phán cái chết làm uổng phí sinh mệnh, cho rằng người anh hùng chết vì nghĩa và kẻ trộm cướp bị người ta đánh chết giống nhau ở một điểm là đều chết. Vấn đề là làm sao đừng chết. Đạo gia đề cao sự sống, sinh mệnh, nhưng lại có quan điểm rất phóng khoáng về  vấn đề thi thể sau khi chết.
Một câu chuyện trong sách Trang tử có thể kể lại tương đối theo trí nhớ rằng: 
“ Khi Trang tử sắp chết, học trò nói với ông: Thưa thầy, sau khi thầy chết chúng con xin hậu táng cho thầy ( tức tùy táng theo nhiều thứ và quan quách phức tạp).
Trang tử bày tỏ: “ sau khi ta chết, các con cứ đem quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong.”
Học trò nói một cách đau khổ: “ Không được thưa thầy, như vậy diều quạ sẽ rỉa xác thầy mất”
Trang tử cười mà rằng: “ Nếu các con đem chôn ta dưới đất, thân xác ta sẽ là mồi ăn cho  sâu kiến giun dế  ở dưới đất, và như vậy các con đã cướp miếng ăn của diều quạ đem ban cho sâu kiến giun dế, sao các con lại thiên vị như vậy. Các con cứ quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong, các con có thể cho thêm gì vào cỗ quan tài vũ trụ của ta không?  ta có mặt trăng mặt trời và các vì tinh tú là những vật chôn theo trong cỗ quan tài rộng lớn của ta, ta có mặt đất rộng lớn làm quan quách của ta, các con có thể bỏ thêm vào quan tài của ta những gì hơn thế  được không? Thôi, hãy quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong”( Nam Hoa kinh).
Câu chuyện này có nhiều tầng ý nghĩa, nó cho thấy tinh thần cực phóng khoáng, rộng lớn tiêu dao của nhân sinh trong khoảng vũ trụ bao la không để cho bất kỳ một thứ lễ nghi vụn vặt nào trói buộc. Nó cho thấy việc người ta quá băn khoăn với việc ta ma thương khóc, chôn cất tốn kém linh đình khuynh gia bại sản là việc làm vô nghĩa, là tổn hại cuộc sống của người tại thế. Nó cũng cho thấy Đạo gia không quan tâm nhiều tới việc toàn thây hay không để đi về thế giới bên kia. Phật giáo trong quan niệm về luân hồi, về kiếp sau cũng có liên quan tới sự ảnh hưởng của hình xác không toàn vẹn tới đầu thai kiếp sau. Ở đây tôi chỉ đề cập tới một loại quan niệm khá phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng tới quan niệm mong muốn chết toàn thây, đó là quan niệm của Nho gia.
 Nho gia cho đây là vấn đề liên quan tới đạo hiếu, tới danh dự, phạm trù phúc đức. Có thể quan niệm về chết toàn thây hay không có nguồn từ tôn giáo cổ đại của Trung Quốc- Vu giáo. Điều này tôi chưa có điều kiện tra cứu, nhưng khả năng rất có thể có liên hệ. Nhưng từ thời Khổng tử trở về sau, các văn bản còn lưu truyền thì cho thấy nó liên quan trược tiếp tới quan niệm về Hiếu. Đạo hiếu cho rằng cha mẹ ban cho cái gì thì phải cố mà giữ cho được cái đó, không được làm tổn thất mất mát điều gì.  ( kèm theo là không có con  trai nối dõi là đại bất hiếu). Tăng tử trước khi chết còn nói với học trò: “启予足!启予手!诗云战战兢兢,如临深渊,如履薄冰。而今而后,吾知免夫!小子!”(论语-泰伯第八)“ khải dư túc! khải dư thủ ! Thi vân “chiến chiến căng căng[1], như lâm thâm uyên, như lý bạc băng.”nhi kim nhi hậu, ngô tri miễn phù! Tiểu tử”(Luận ngữ- Thái Bá thiên thứ 8)… Câu trên có nghĩa là: này học trò, hãy mở xem chân của ta, hãy mở xem tay của ta! Kinh Thi có nói:  cẩn thận, thật cẩn thận, như tới gần vực sâu, như đi trên băng mỏng.” Từ nay về sau ta mới biết được rằng ta đã tránh được tội bất hiếu đấy hỡi các học trò. Đối với  Tăng Tử, giữ gìn chân tay thân thể, những thứ mà cha mẹ ban cho cũng phải thường xuyên, phải cẩn thận đặc biệt như là đi tới gần vực sâu, như đi trên băng mỏng. Đó là việc khó khăn, là việc không thể xem nhẹ, không thể lơ là. Tới  tận khi sắp chết ông ta mới thực sự an tâm rằng mình sẽ còn một thân thể vẹn nguyên để đi gặp cha mẹ nơi suối vàng. Chân tay của ông ta còn đủ  cả không mất mát phần nào để đi gặp cha mẹ thì người đó cảm thấy sung sướng thanh thản mà chết. Mối quan tâm của nhà nho trước khi chết không phải là chỗ chết rồi sẽ đi về đâu, cuộc sống sau khi chêt sẽ ra sao, mà là đời ta đã trải qua có tỳ vết gì không, có tội lỗi gì không, có toàn vẹn để gặp cha mẹ tổ tiên hay không? Vì thế một việc hết sức quan trọng của nhà nho là làm thế nào bảo toàn được thân thể, không vướng vào hình phạt làm tổn hại thể xác thanh danh.
Nó là tinh thần của đạo hiếu, nhưng suy xét một cách sâu sắc thì thấy nó xuất phát từ quan niệm trọng sinh, quý sinh, thượng sinh của Nho gia. Đây là điểm giống nhau, điểm tương đồng giữa Nho gia và Đạo gia. Nó chỉ khác Đạo gia ở chỗ quý sinh gắn liền với đạo đức. Triết lý quan trọng nhất của kinh Dịch, một kinh điển cực quan trọng của Nho gia là  “ sinh sinh chi vị Dịch”,  hay quan niệm về cái Đức lớn nhất  của trời đất là Sinh thành:Thiên địa chi đại đức viết sinh”. Trong thời đại loạn Xuân thu- Chiến quốc, mạng người bị coi như cỏ rác, sự sống và cái chết của dân chúng nằm trong tay một người, thậm chí phụ thuộc vào cảm xúc, tình trạng tâm lý của một người. Trong trường hợp như vậy, Nho gia phải chủ trương một loại triết lý, gọi là  triết lý bảo thân, triết lý này khuyên người ta phải minh triết, để làm thế nào vừa giúp đời được, vừa cứu người được nhưng cũng phải giữ được cái mạng của mình, không hành động cẩu thả bừa bãi. Bạo hổ bằng hà, hữu dũng vô mưu là cái mà nhà nho không tán thành. Triết lý bảo sinh này  khuyên người ta phải biết tiến thoái, xuất xử, hành tàng, “nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư”,” thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn” để sao cho vừa giúp đời vừa giữ mạng mình. Việc xem toàn thây để trở về với cha mẹ là hiếu có ý nghĩa nhấn mạnh việc coi trọng sự sống, giá trị của sự sống, cần phải biết tự bảo vệ mình trong bối cảnh thiên hạ loạn lạc.  Việc nhắc nhở việc có con trai nối dõi thực chất cũng nằm trong  hệ thống việc trọng sinh, trọng sự nối tiếp của sinh mệnh và duy trì sinh mệnh, một điều tưởng giản dị nhưng vô cùng quan trọng của thời kỳ cuộc sống của con người còn quá nhiều điều đe dọa. Nhấn mạnh thận trọng bảo thân, không cẩu thả và coi thường sinh mệnh, nhưng Nho gia vẫn cổ vũ con người trong những trường hợp nhất định vẫn có thể vị đạo tuẫn thân,  sát thân thành nhân, xả thân thủ nghĩa.
 Quan niệm đề cao chết toàn thây  này của Nho gia trong thực tế đã bị người cầm quyền trong quá khứ lợi dụng theo hướng có lợi cho việc cai trị, ngăn chặn phạm tội, nhất là làm loạn và chống lại triều đình. Chết không toàn thây được xem là sự trừng phạt nặng nề có sức răn đe. Phanh thây xé xác được nhắc tới với những gì ghê sợ nhất, ngoài sự đau đớn thể xác, nó còn đánh vào tinh thần của kẻ bị chết lẫn cộng đồng chứng kiến. Gây ra đau đớn tinh thần cho người sống. Chết không toàn thây được xem là  số phận bất hạnh, không ra gì, người ta coi đó là một sự thể hiện  trừng phạt của số mệnh.
Trong các hình phạt xưa, chết toàn thây được xem là ban ơn cho kẻ phạm tội chết, là hình thức gia ân của vua nếu cuộc sống anh ta  có nhiều công trạng, hoặc được xem là đáng chết nhưng tội không quá nặng, hoặc địa vị xã hội đáng được nhận ưu ái…
Quan niệm về sống cẩn trọng, coi trọng sinh mệnh của mình, sinh mệnh của mình không chỉ của mình, không chỉ chỉ liên quan tới cá nhân mình, (mặc dù  pháp luật thừa nhận các quyền đó) là quan niệm tốt có giá trị bền vững của Nho gia để lại. Nó khuyên người ta sống có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. Chuyện sống chết của cá nhân mình không chỉ  là chuyện của mình, nó có thể gây bất hạnh cho người thân và cộng đồng. Nếu ai cũng nghĩ được điều này một cách sâu sắc và cẩn trọng trong hành vi của mình, giảm thiểu dục vọng thì có lẽ sẽ giảm bớt được những cái chết do nghiện hút, và căn bệnh thế kỷ AIDS hiện nay.
 Quan niệm đề cao chết toàn thây trong truyền thống đối với việc hiến tạng ngày nay của người sắp chết quả là một rào cản to lớn. Có những người già tình nguyện hiến tạng, nhưng con cháu lại không muốn vì thương xót. Theo tôi nghĩ ảnh hưởng của quan niệm truyền thống còn rất nặng nề, cần có những điều chỉnh để mở đường cho tư tưởng nhân đạo mới. Cần cổ vũ cho tinh thần cứu một người phúc đẳng hà sa. Coi hiến tạng cứu người là việc lớn tạo nên phúc quả cho thế hệ sau. Điều này không mâu thuẫn với triết lý  bảo sinh quý sinh, sống cẩn trọng, chống tàn hại sinh mệnh, sống cẩu thả, vô trách nhiệm của Nho gia. Hiến tạng là sự lựa chọn chủ động, và vì vậy, nó khác với chết không toàn thây do tai nạn, hình phạt hay những lý do không chủ động khác. Để mở đường cho cũng một loại quan niệm vị sinh trọng sinh- hiến tạng, người ta cần có những chiến dịch truyền thông để điều chỉnh dư luận. Các nhà hoạt động tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo cùng các lực lượng xã hội khác nên cổ vũ cho tinh thần này. 
Nguyễn Kim Sơn
ngày giữa hè 12.6.2011




[1]  Kinh Thi- Tiểu nhã- Tiểu mân

4 comments:

  1. Cháu chào bác Sơn,

    Cháu đọc bài phân tích của bác thấy thật nhẹ nhàng mà logic đúng đắn. Bài viết này thực là đáng quý lắm lắm.

    Đoạn tiếp sau vẫn là bản thân mỗi người, sau khi biết rồi, sống như thế nào cho đáng sống và chuẩn bị tâm lý bình thản đón nhận cái chết mà không giữ lại gì cho mình.

    ReplyDelete
  2. Chào bác Sơn và các anh chị em

    Cháu có tìm được tài liệu về thủ tục hiến tạng sau khi chết. Tài liệu này rất rõ ràng:

    http://tuvien.com/chet_va_tai_sinh/show.php?get=1&id=17bodydonation

    Của Việt Nam thì cháu tìm cũng thấy nhưng chủ yếu là luật chung chung, chứ không phải là địa chỉ hay thủ tục

    Nếu có ai có rồi thì nhờ gửi lại giúp với ạ
    Em cảm ơn
    Em Chưởng

    ReplyDelete