Tuesday, April 19, 2011

ĐẠO CAO VÀ ĐẠO THẤP ( tưởng tượng)


 
Khổng tử dạy học trò: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” ( điều gì mà mình không muốn, thì đừng thi hành cho người khác). Học trò đi theo ai  nấy đều tâm đắc, ai cũng cố ghi nhớ lời dạy ấy.Tử Cống  sau nhiều  ngày theo thầy mệt mỏi, ngồi xuống gốc cây  hạnh, nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần, mạnh dạn  kiến nghị với thầy:
-         Thưa thầy, đạo của thầy thật vĩ đại, nhưng cũng chính vì thế mà con e rằng người đời không với tới được, hay là thầy hạ thấp nó xuống một chút! Điều con nói cũng là ý chung của  nhiều anh em thầy ạ.
Khổng tử có ý không vui:
-         Tứ ( tên gọi thân mật của Tử Cống) này! anh theo ta nhiều  năm rồi, sao anh vẫn có ý nghĩ hồ đồ như vậy, đạo của ta chỉ có một, làm gì có đạo cao đạo thấp. Nói như anh hóa ra lại có nhiều loại đạo hay sao?
Mấy nghìn năm sau, vào một ngày đẹp trời, Tử Cống thức dậy đi dạo vòng quanh khu chợ  Cầu Diễn, ngoại ô Long Thành. Tứ nhìn khắp chỗ thấy gì cũng lạ. Nhưng lạ nhất là Tử Cống thấy có một cô bán rau, cô vơ hết mấy mớ rau héo nát  vào rổ rồi đổ ra bãi rác sau chợ. Tứ cố lý giải việc này. Mấy nghìn năm trước, trong trường hợp tương tự, những người đàn bàn nước Lỗ đã đem về cho lợn ăn.
Tứ đánh liều hỏi cô gái:
-         Thưa quý cô nương, cô có thể cho hay tại sao cô không mang số rau kia về cho quý lợn nhà cô  ăn mà lại đổ đi một cách lãng phí như vậy không?
Cô gái nhìn Tứ ái ngại,
-         Cái anh này chả biết cái gì cả. Rau em  đã tưới nhiều thuốc trừ sâu và phân bón lá, chỉ đem bán cho người thiên hạ thôi, cho lợn nhà em ăn vào cho chúng lăn ra chết à?
Tứ sau một hồi cố gắng nghĩ, chợt hiểu ra sự tình, mồ hôi vã ra như tắm. Là người đã từng trải, bôn tẩu bắc nam,  buôn bán vũ khí xuyên quốc gia bị lỗ vốn cũng đã từng nhiều, nhưng chưa bao giờ có việc gì khiến Tứ  hoảng hốt  như vậy.
 Tứ chạy vội về bên mộ Khổng tử, đập thình thịch xuống đất mà gọi:
 Phu tử! Phu tử! dậy mau:
Tứ đập mạnh quá, Khổng tử không thể yên giấc nghìn thu, uể oải ngồi dậy gắt:
-         Hà sự?
-         Dạ thưa, vẫn chuyện đạo cao đạo thấp ngày xưa thầy ạ.
Nói đoạn Tử Cống đem đầu đuôi câu chuyện vừa được sở kiến ngoài chợ thuật lại đầu đuôi cho thầy nghe một lượt. Kể xong, Tứ nằng nặc đòi thầy :
-         Thưa thầy, lần này con thống thiết xin thầy hạ thấp đạo của mình xuống. Thầy từng dạy chúng con: “ điều gì mà bản thân mình không muốn, thì đừng thi hành cho người khác”, giờ con xin hạ thấp xuống là “  cái gì mình không muốn cho lợn nhà mình, thì không áp dụng cho người khác”.
Khổng tử nghe đặng hớn hở:
-Hay lắm! hay lắm! hậu sinh khả úy, đạo của ta không cùng đường nữa rồi, ngô đạo thông hồ, ngô đạo thông hồ!
                                                                  
                                                                   Nguyễn Kim Sơn
Lậu xá Mỹ Đình đêm trở gió 4.2011

Sunday, April 10, 2011

MỘT HỘI THẢO CÓ NHIỀU ĐIỀU ĐÁNG NGẠC NHIÊN




Hiệp hội nghiên cứu châu Á ( Association for Asian Studies ) gọi tắt là AAS từ khi thành lập tới nay(1941-2011) hàng năm đều tổ chức một hội thảo với mục tiêu kết nối và là diễn đàn cho các nhà nghiên cứu châu Á trên khắp thế giới. Hội thảo thường niên năm nay cũng là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hiệp hội và là lần thứ 70 tổ chức các kỳ hội thảo. Chủ đề  của hội thảo năm nay là Joint Conference of the Association for Asian Studies & International Convention of Asian Scholars – Celebrating 70 Years of Asian Studies. Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm hội nghị của thành phố Honolulu ( Hawaii Convention Center), tiểu bang Hawaii, một quần đảo xinh đẹp giữa Thái Bình dương, thuộc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Hội thảo có mấy điểm khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên:
1.     Về quy mô của hội thảo
Có tất cả hơn 3000 học giả nghiên cứu châu Á đến từ khắp nơi trên thế giới. Hội thảo diễn ra trong vòng  4 ngày và được chia làm 765 tiểu ban. Trung bình mỗi ngày có 200 tiểu ban nhóm họp, thời gian làm việc trong ngày tính từ 7 h 30 sáng tới 8h 15 tối. Mỗi tiểu ban có từ 4 đến 6 học giả tham gia trình bày tham luận.
2.     Về cách thức tổ chức hội thảo
Với số lượng người tham gia rất lớn, số tiểu ban rất khổng lồ, nhưng tất cả đều diễn ra rất trận tự, đúng giờ giấc, đúng kế hoạch. Tôi ước chừng chỉ có khoảng 40-50 người phục vụ cho toàn bộ hội thảo, mà chủ yếu rải ra làm nhiệm vụ chỉ dẫn các phòng phân chia theo tiểu ban. Không thấy cảnh từng đoàn  tình nguyện viên hay người giữ trật tự dày đặc. Chỉ với hai người phát tài liệu, làm thủ tục đăng ký cho tất cả các học giả và một người thanh toán các khoản tiền. Hàng người trật tự sắp hàng dài cả trăm mét trong sảnh lớn để làm thủ tục. Tất cả các hướng dẫn cần thiết đã được in trong cuốn sách dầy 271 trang khổ A4. Ở đó có tất cả các thông tin cần thiết, từ thứ tự các thủ tục cần làm, danh sách học giả, các tiểu ban, giờ của các tiểu ban, các hoạt động khác kèm theo, bản đồ các loại…
Mỗi tiểu ban có một người chủ trì, có thể gọi là trưởng nhóm, hoặc trưởng tiểu ban. Tất cả những người trình bày tham luận đều ngồi bàn chủ trì, đối diện với người nghe. Học giả tới tham dự chỉ cần bản tóm tắt hoặc một bản thảo chưa hoàn chỉnh, quan trọng nhất là các ý tưởng được đua ra. Các ý tưởng đó không cần gủi cho Ban tổ chức hội thảo mà là gửi cho các thành viên khác của tiểu ban mà họ biết trước và gửi cho người nhận xét giới thiệu. Phòng hội thảo của các tiểu ban có nơi hết chỗ ngồi ( mỗi phòng khoảng 100 chỗ ngồi), nhưng cũng có tiểu ban số người nghe chỉ bằng, thậm chí ít hơn cả người trình bày. Cá biệt có tiểu ban chỉ có các báo cáo viên thuyết trình cho nhau nghe.
Với khoảng thời gian diễn ra hội thảo 4 ngày, những người tham gia ngoài thời gian  trình bày tại tiểu ban của mình, thời gian còn lại có thể tha hồ tham dự tại các tiểu ban khác, hoặc gặp gỡ trao đổi với người quen cũ, đồng nghiệp mới quen tại không gian mênh mông trong trung tâm hội nghị.
3.     Thái độ của người tham gia hội thảo
Các học giả tới dự hội thảo đều  rất  nghiêm túc. Rất đông người hàng ngày có mặt từ sáng sớm tới tối mịt, chạy hết phòng này sang phòng khác, buổi trưa ăn nhanh mấy thứ  đồ ăn nguội, uống cafe rồi lại tiếp tục tham dự các buổi hội thảo. Buổi cuối cùng số người tới dự hầu như không giảm so với buổi đầu tiên. Đặt câu hỏi, ghi chép, trao đổi, gặp để trao đổi thêm bên ngoài hành lang… là hình ảnh có thể thấy bất kỳ chỗ nào tại khu vực diễn ra hội thảo. Không thấy có cảnh người tham gia buổi đầu thì đông như hội, tới giờ giải lao giữa thì còn một nửa, tới cuối buổi thì còn lèo tèo vài người như nhiều hội thảo hay gặp ở Hà Nội. 
4.     Ngạc nhiên về… sự ngạc nhiên của tôi
Khi tôi bày tỏ  sự ngạc nhiên, thán phục về quy mô cũng như cách thức tổ chức hội thảo, một đồng nghiệp đang làm việc tại một trường đại học Mỹ trố mắt: có thế mà cũng ngạc nhiên?
                                                                   Hawai 3.4.2011