Thursday, August 23, 2012

TÍNH HỮU ÍCH CỦA CÁI VÔ DỤNG

Phật giáo luận giải về sự khổ rất đa dạng, có tứ khổ, thập khổ, bát khổ, nội khổ, ngoại khổ cho tới bát bách khổ, vạn khổ... Tức là rất khổ tâm luận về khổ. Nhưng trong các luận giải về khổ vô cùng phong phú đó không thấy cái khổ vì hữu dụng, hay hữu ích. Cũng có thể nó nằm trong " ngũ uẩn thịnh khổ".

Lão tử và Trang tử thì lại đặc biệt chú ý tới cái khổ mà nguyên nhân của nó chính từ sự hữu dụng. Các vị đó nhìn sự hữu dụng như là một thứ nguy cơ, một mối nguy hiểm tiềm năng đe dọa kẻ có nó. Con vật nào thịt ngon thì bị người ta lùng bắt và giết. Cao xương hổ tốt cho gân cốt người dùng nên chúng bị săn bắt ráo riết. Sừng tê giác hữu dụng hơn nữa khiến chúng cũng bên bờ vực tuyệt chủng. Hoa dại thơm và đẹp dễ bị người ngắt hái. Tiếng hót hay của chim là nguyên nhân khiến chúng vào lồng, và mật của gấu,  lông của nhím, ngà của voi...đã làm hại chủ nhân của chúng. Kẻ nào chẳng may bị người khác khen là thông minh, giỏi giang có thể lời khen ấy khiến hắn có thêm vô số kẻ thù. Và kẻ lỗi lạc không thể có số phận bình thường. Ai biết cái gì khổ với cái đó. Không biết làm gì, đầu óc ngu si, hưởng trọn thái bình. Cái Vô dụng mới là điều mà Đạo gia sùng thượng, đề cao, coi đó như một thứ đạo. Đạo để biến mình thành vô dụng, biết cách vô dụng.

Cái vô dụng có từ thuyết của Lão tử, Lão tử trọng ngu, trọng vô ích,   phản đối trí tuệ, càng ngu càng tốt. Lão tử cho cái khôn ngoan là biết đặt mình dưới người, đặt mình sau người. Đang ở cao thì mau xuống thấp, đang ở trước biết ẩn ra sau. Không tiến, không lên, không cao, không đại mà thoái, xuống, ẩn, tàng. Nó đều chỉ cái vô dụng. Triết lý vô dụng của Lão tử có gốc từ triết học tự nhiên của ông. Đạo tạo ra mà không dấu vết, cho không kể công, mẫu mực hơn hết mà không tuyên bố về sự mẫu mực đó.

Vô dụng trong thuyết Lão tử là chỉ cái tự nhiên, thuận tự nhiên, hữu dụng được đưa về phạm trù cái nhân vi. Hữu dụng, tranh, cạnh, xảo,... thuộc về nhân vi. Thực ra cái ngu chân chính mà Lão tử đề cao nhất là loại cái ngu là đỉnh cao của trí tuệ, tức bậc trí giả biết cách làm cho mình như ngu " đại trí nhược ngu". Tức cái ngu chủ động, ngu siêu việt trí chứ không phải ngu thuần túy là ngu. Lão tử bằng vô dụng để mong đạt tới cái đại dụng, đó là bảo thân, duy trì sinh mệnh, hài hòa, xã hội không cạnh tranh, ai ai cũng nhường nhịn, không có chiến tranh... từ đó mà thủ tiêu những tai họa đe dọa con người.  

Trang tử đẩy mạnh quan niệm về cái vô dụng trong phương diện triết lý nhân sinh. Con rùa lết cái đuôi nơi ngòi rãnh để hưởng hết tuổi trời là  tượng trưng cho cái vô dụng. Con rùa được người ta mang về để chết khô nơi chốn miếu đường,   trên bàn thờ thần thỉnh thoảng bị người ta lấy một mảnh mai để cúng, bói là biểu tượng cho sự hữu dụng. Cái cây Vu cây Lịch, nhờ phẩm chất vô dụng, gỗ không dùng được vào việc gì, mùi vị thì hôi thối... nên nó được yên và cao mãi tới nghìn dặm. Vô dụng, theo Lão - Trang có cái  đặc biệt hữu ích của nó.

Từ góc nhìn hiện đại, đề cao vô dụng có cái quái gở của nó. Nó là phản tiến bộ, phản giáo dục, phản nhiều thứ.  Nhưng không phải mọi sự quái gở đều vô lý cả. Thực hư thế nào, tùy nghi chiêm nghiệm.
           22.8.2012

Thursday, August 09, 2012

VÀI CHUYỆN TẢN MẠN CÓ LIÊN QUAN TỚI NGƯỜI NHẬT BẢN

Có mấy mẩu chuyện vụn vặt nghe được chỗ này chỗ kia, kể lại để ... mà kể.

1. Tôi có một anh bạn người Nhật, anh ấy là giáo sư của Đại học Tokyo. Chúng tôi có một thời gian cùng làm việc tại một viện nghiên cứu, buổi trưa chúng tôi thường cùng ăn trong nhà bếp. Ai cũng có phần thức ăn mang theo. Ngày nào cũng giống như ngày nào, tôi thấy anh bạn Nhật lấy bọc thức ăn ra từ trong balo. Đó là chiếc khăn trắng buộc chéo hai góc rất cân đối. Anh ấy thường rất thong thả mở chiếc khăn, lấy chiếc hộp gỗ rất vuông, gỗ rất đẹp, trong có nhiều ngăn. Một ngăn đựng cơm và mấy ngăn còn lại đựng thức ăn. Cơm của anh ấy luôn đóng từng miếng vuông như cơm nắm của dân đi cày. Anh ấy có một đôi đũa bằng kim loại, có khớp nối ở giữa có thể gập mở như con dao nhíp. Sau mỗi bữa ăn, anh ấy rửa đồ đạc ngay, rồi lấy giấy lau chúng rất lâu, rất tỉ mỉ gấp chúng lại, sau cho vào hộp, lại gói lại, buộc hai góc cân đối và đẹp như ban đầu. Anh ấy  tập trung vào công việc của bữa ăn như đang tọa thiền. Bữa ăn, các dụng cụ, từng động tác như biểu thị của một loại công nghệ cao.

 2. Một người khác kể lại cho tôi nghe như sau:  Tôi (người kể cho tôi) từng xem một anh bạn người Mỹ đứng in mấy tờ handout cho một lớp sinh viên  do anh ấy dạy học, tôi thấy anh ấy cứ in đi in lại vì phát hiện ra sai chỗ này sai chỗ kia, dù chỉ là một dấu câu bé tí. Tôi bảo, sao không dùng bút chì thêm vào cho nhanh. Anh bạn ấy đáp: "Sinh viên tớ dạy là người Nhật. Tớ phải làm việc với người Nhật."

3. Xe Mercedes của nước Đức lắp ráp tại Nhật Bản giá thành bán cao hơn nhập nguyên chiếc từ chính hãng. Lý do vì người nhật tin vào công nhân Nhật trong quá trình lắp ráp hơn bất kỳ ai.

4. Có một món bánh truyền thống của người Nhật ( không thể nhớ được tên bánh). Món này trước khi ăn nhất định phải tưới nước sốt. Đó là một thứ vừa ngọt vừa chua, có người ăn bánh đó thì thích nhưng riêng cái vị nước sốt thêm vào kia thì không. Người đó yêu cầu đừng cho nước sốt vào, nhưng người bán hàng không bao giờ nghe. Lý do vì phải có nước sốt đó thì mới thành bánh đó, thế mới đúng với thông báo bán hàng. Người mua ( một giáo sư Việt Nam) đành bó tay, vẫn luôn phải mua với cả nước sốt rồi mang ra một chỗ, tìm cách gạt chúng đi trước khi ăn. Cũng có đôi lần rỗi rãi và cộng với nhiệt tình, người bán hàng có giúp đỡ vị giáo sư kia gạt bỏ nước sốt. Nhưng đừng hy vọng lần sau anh ta không cho vào.

Ngày 7.8.2012 trong lúc ngồi rỗi ở sân bay Narita/ Tokyo