Sunday, August 28, 2011

GIẶC BẨN



 Người ta thường gọi những mối nguy cơ to lớn đối với dân tộc là GIẶC. Trong lịch sử Việt Nam, khái niệm giặc thường là để chỉ những lực lượng uy hiếp từ bên ngoài, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, sự tồn tại của giống nòi. Năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh để nhấn mạnh những nguy cơ khác đe dọa sự tồn tại của dân tộc, ngoài giặc ngoại xâm, Cụ còn coi đóidốt cũng là những loại giặc,  “ giặc đói  và giặc dốt”, coi diệt các loại giặc này cũng cấp bách và hệ trọng không kém gì chống giặc ngoại xâm.
Ở thời điểm năm 2011 này, Việt Nam đang đứng trước một loại giặc khác cũng cực kỳ nguy hiểm, đó là GIẶC BẨN. Với những gì quan sát từ thực tế, từ các phương tiện thông tin đại chúng, ta đang thấy giặc bẩn hoành hành khắp nơi. Nó len lỏi vào tận thôn cùng xóm vắng, can dự vào cuộc sống của từng người. Nó có trong từng miếng ăn, ngụm nước uống, từng hơi thở. Nó ẩn hiện khắp nơi, có lúc nhìn thấy, ngửi thấy, cảm thấy. Nhưng cũng có chỗ có lúc phải dùng kính hiển vi mới tìm ra được.
 Nguồn nước bị nhiễm bẩn, nước thải công nghiệp đẩy tràn ra các dòng sông, thấm xuống lòng đất. Những khu vực khai mỏ gây ô nhiễm cho từng vùng rộng lớn.  Sản xuất nông nghiệp bị thực hiện theo quá trình bẩn trầm trọng. Người ta không còn nhổ cỏ như xưa mà dùng thuốc diệt cỏ để bảo vệ ngô và lúa. Những thức ăn tăng trọng dùng bừa bãi cho động vật, thuốc bảo vệ thực vật dùng vô tội vạ. Câu chuyện chè bẩn và dầu ăn thu hồi từ dưới cống khiến người ta không còn muốn ăn và uống một thứ gì nữa. Nhưng vẫn cứ phải ăn, vẫn cứ phải uống.
Bên lề những con đường quốc lộ, hay vào trong những lối xóm, đầu làng cuối phố, chỗ nào cũng thấy rác thải  đổ, rác tràn ngập, túi nilong bay trắng xóa khắp mọi nơi. Giữa cánh đồng lúa xanh mướt thơ mộng thỉnh thoảng lại mọc lên vài đống rác to như đống núi.
Vào mỗi buổi sáng, nếu ai đi trên con những con đường vào thủ đô, dẫu là đường Khuất Duy Tiến, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, hay Nguyễn Trãi … đều sẽ thấy dòng người đông nghìn nghịt di chuyển trong làn bụi như sương mù thành Luân Đôn. Cát đất quất vào mặt rát cả da, không khí đặc quánh bụi khiến người ta không muốn hít vào nữa, nhưng vẫn cứ phải hít vào.
Thỉnh thoảng xem ti vi lại thấy nói có những làng đàn ông chết gần hết vì bệnh ung thư, có những làng sống chung với ruồi muỗi và mùi ô nhiễm, có làng không biết uống bằng nước gì…
 Con dân đất Việt thực sự đang bị đầu độc, đầu độc lẫn nhau, tự đầu độc mình. Người nông dân sản xuất rau bẩn bán, để dành một đám sạch để gia đình mình ăn và lấy thế làm yên tâm. Người sản xuất nước uống pha hóa chất độc hại bán cho kẻ khác còn mình không uống là được. Một điều đơn giản mà chắc những người này họ cũng đều biết, đó là họ dành cái sạch để ăn, bán cái bẩn cho người khác, nhưng họ hàng ngày cũng đang tiêu thụ rất nhiều thứ do người khác sản xuất. Cái lợi đang kéo họ đi theo con đường của tội ác đối với cộng đồng và họ đã bất chấp tất  cả.  Luật pháp không nghiêm và  sự xử lý không kịp thời, không ráo riết từ những lực lượng quản lý là một nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm môi trường sống. Tồn tại và phát triển,  so với phát triển để phát triển và phát triển bất chấp mọi thứ thì tồn tại phải xem là số một. Phát triển bền vững không nên chỉ là một khẩu hiệu.
Giặc ngoại xâm người ta dễ dàng nhận thấy. Tình yêu tổ quốc, yêu giống nòi khiến người ta dễ dàng và nhiệt thành bày tỏ tình cảm của mình và sẵn sàng hành động vì tổ quốc. Giặc bẩn đang hoành hành thì người ta chỉ biết thở than, mà không biết hành động một cách quyết liệt trên quy mô toàn xã hội để chống lại nó. Không thành một dư luận xã hội rộng lớn, quyết liệt để chống giặc bẩn, giống nòi người Việt đang bị hủy hoại, đang bị thui chột, đang bị tiêu diệt từng ngày. Sức hủy hoại của loại giặc này có thể lớn không kém, và ảnh hưởng còn có thể  lâu dài hơn cả bất kỳ loại giặc nào khác.
                             ( Nhất nhật phúc thống hữu cảm)

1 comment: