Tuesday, October 09, 2012

Tầm nhìn toàn cầu trong việc đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam



Mấy hôm nay phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về đổi mới giáo dục đào tạo, ngẫm ra cũng là việc của mình nên góp vài dòng.

Không thể phủ nhận giáo dục đào tạo hiện đang có những việc không ai không thấy “chướng tai gai mắt”. Có quá nhiều vấn đề cần đến một cuộc điều chỉnh lớn. Tuy nhiên nên có cách nhìn khách quan hơn đối với thực trạng yếu kém bất cập hiện nay của giáo dục và đào tạo Việt Nam. Trong khi chúng ta đặt kỳ vọng quá lớn vào sự đổi mới giáo dục đào tạo thì những điều kiện để thực hiện cho sự đổi mới lại hết sức hạn chế. Giáo dục đào tạo phải chịu sự tác động lớn từ các nhân tố xã hội khác ngoài phạm vi giải quyết của giáo dục đào tạo. Ở đây , người ta công bố  kết quả điều tra đối với 500 giáo viên và cho thấy quá 50% người trả lời: nếu được chọn lại nghề nghiệp họ sẽ không chọn nghề nhà giáo. Về kết quả điều tra này, tôi muốn bình luận thêm. Từ trước tới nay, nhà giáo vốn vẫn nghèo (thu nhập thấp), nhưng trước đây thì họ có thể yên với cái nghèo để theo nghề, nhưng hiện giờ trong tình trạng kinh tế thị trường len lỏi tác động khắp nơi, họ không yên với cái nghèo được nữa. Đây là sự điều chỉnh hệ giá trị trong toàn xã hội. Những người trả lời không chọn lại nghề nhà giáo không có nghĩa tất cả số đó không yêu nghề và cũng không nên đồng nhất sự lựa chọn đó với sự "hối hận". Nhà giáo cũng là con người, họ không phải siêu nhân. Đó là chưa kể tới việc kinh tế xã hội phát triển, nhiều nghề mới xuất hiện, cơ hội lựa chọn nghề nghiệp rộng lớn, người ta có thể nghĩ về một công việc phù hợp hơn với mình cũng là chuyện bình thường.

Từ khi mở cửa hội nhập thế giới, chúng ta có cơ hội so sánh và nhìn lại nền giáo dục đào tạo nước mình, những điểm yếu kém vì thế trở nên rõ ràng hơn.  

Xu hướng du học ngày càng phát triển, nhưng chúng ta không nên xem việc có nhiều người đi du học là một minh chứng cho việc giáo dục và đào tạo nước nhà yếu kém. Có một phần nhỏ nguyên nhân chứ không phải là toàn bộ. Các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đều có các trường đại học lọt vào TOP 100 của thế giới, nhưng hiện nay hàng năm họ vẫn có tới cả triệu người rùng rùng sang châu Âu, châu Mỹ để du học. Và ngược lại, hàng năm cũng có rất nhiều sinh viên Âu-Mỹ tìm sang châu Á du học. Đó là vì cơ hội học tập, môi trường và phạm vi học tập đang điều chỉnh trên quy mô toàn cầu, người ta có nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm và lựa chọn chỗ học tập phù hợp với khả năng và lĩnh vực chuyên môn của mình

Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, một "thế giới phẳng" trong tầm liên hệ đang hình thành. Nhu cầu cần liên thông, chia sẻ, hợp tác của nhân loại ngày càng lớn. Lĩnh vực giáo dục cũng đang toàn cầu hóa mạnh. Có những trường đại học mang tính toàn cầu, len lỏi tới cả các quốc gia trước đây vốn ít hội nhập. Giáo dục đại học vươn tới tận thôn cùng xóm vắng qua mạng internet. Hiện có quá nhiều vấn đề chung mà nhân loại cùng phải chung tay giải quyết mà trước tiên là thông qua giáo dục. Như vậy nền giáo dục cần hướng tới những mục tiêu chung của nhân loại để điều chỉnh chứ không chỉ là vấn đề của riêng một cộng đồng nhỏ hẹp nào

Giáo dục và đào tạo cần đổi mới thường xuyên. Đổi mới là một tất yếu. Các đại học lớn trên thế giới phải thay đổi từng ngày để vươn lên theo kịp thời đại, để có thể cạnh tranh với các trường đại học khác. Điều đó cũng giống như việc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chế tạo. Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trên quy mô toàn cầu từ năm 2007 tới nay, giáo dục đào tạo cũng đang tìm đường hướng để điều chỉnh trên quy mô lớn. Triết lý, phương pháp, nội dung, công nghệ, quản lý giáo dục đào tạo đang có những chuyển biến từng ngày. Giáo dục Việt Nam  là một bộ phận của giáo dục thế giới. Việc đổi mới giáo dục của Việt Nam không thể chỉ là vì tự bản thân nó có nhiều vấn đề. Đổi mới giáo dục và đào tạo là một tất yếu khách quan, không nên nhìn nó chỉ là việc làm có tính đột xuất để đối phó với vấn đề này hay vấn đề khác một cách bị động. Chúng ta vì một mục tiêu lớn và chủ động để đổi mới, có cái vì bất cập mà phải đổi mới, nhưng cũng có cả những thứ đang làm tốt vẫn cần đổi mới để tốt hơn nữa, có chỗ chưa nảy sinh vấn đề nhưng vì những mục tiêu xa hơn chúng ta vẫn phải điều chỉnh. Giáo dục Việt Nam cần điều chỉnh để hòa dòng cùng với công cuộc vận động lớn của thế giới. Cần thiết phải phân tích những xu hướng lớn mà giáo dục đào tạo thế giới đang làm để làm. Điều này khiến cho việc đổi mới giáo dục ở Việt Nam có chuẩn để tự điều chỉnh. 

5 comments:

  1. Thưa Thầy, tôi hoàn toàn đồng ý với hầu hết các quan điểm mà Thầy nêu trong bài viết. Tuy nhiên ở trường hợp này thì sao:

    http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2012/10/phu-huynh-sung-sot-voi-mon-canh-ga-tho-xuong-1/

    Có thể nó chỉ là những trường hợp cá biệt, nhỏ lẻ, nhưng rõ ràng việc thiếu kiến thức và kiến thức sai trầm trọng không thể đổ lỗi cho bất cứ một nhân tố xã hội hay môi trường nào khác.....

    ReplyDelete
  2. Giáo dục VN những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ. con đường chúng ta đi không hề bằng phẳng. Hy vọng trong tương lai mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

    ReplyDelete
  3. Có người cho rằng đi du học ở nước ngoài là tị nạn giáo dục. Nghe vậy thật là đáng buồn đúng không bác. Tị nạn, riêng khái niệm đó đã mang ý nghĩa tự hạ thấp quyền tự chủ của mình. Theo quan điểm của tôi thì du học không chỉ bao gồm một khía cạnh là hy vọng vào một sự đổi thay về đất ở để từ đó kéo theo sự đổi thay về đất sống và điều kiện sống...

    ReplyDelete