Thursday, November 15, 2012

SỨ MỆNH CŨ, NHIỆM VỤ MỚI CỦA NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY HÁN NÔM


1. Truyền thừa văn hóa

Kể từ đầu thế kỷ XX, khi chữ quốc ngữ được chính thức sử dụng thay cho chữ Hán, một cách tự nhiên, công cuộc đại chuyển dịch văn hóa bắt đầu. Sự nghiệp của những người làm công việc sưu tầm, bảo quản, chỉnh lý tư liệu, nghiên cứu, dịch thuật từ văn bản Hán Nôm sang quốc ngữ  cũng một cách tất yếu mang sứ mệnh truyền thừa văn hóa. Những nhà Hán Nôm học đầu thế kỷ XX cũng đồng thời là thế hệ đầu của những người gánh vác sứ mệnh truyền thừa văn hóa đó. Những văn bản phiên dịch Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm... sang chữ Quốc ngữ đăng trên những tờ báo mới ra đời cũng là những sản phẩm mang tính cầu nối văn hóa đầu tiên.

Từ bấy tới nay, đã trải qua 3 đến 4 thế hệ những người thầm lặng làm các công việc kết nối, truyền thừa. Họ là những người vốn là trí thức Nho học, trong buổi gió Á mưa Âu, xót xa cho các giá trị của cha ông, tìm cách truyền đạt cho thế hệ sau, mong giữ gìn văn hóa giống nòi. Họ là những người theo Tây học, nhưng hiểu được công việc tất yếu cần làm. Họ là những người  được đào tạo mới từ Trung Quốc, Liên Xô (trước đây), tiếp thu các lĩnh vực học thuật mới, áp dụng vào nghiên cứu Hán Nôm, ngày càng đẩy Hán Nôm theo hướng một lĩnh vực học thuật chuyên sâu. Và họ là những thế hệ học sinh mới, sinh ra và lớn lên rất xa thời lều chõng của Nho gia, nhưng thấy nghiệp Hán Nôm hấp dẫn và dấn thân. Hơn một thế kỷ và qua nhiều thế hệ, nhưng nhìn chung, công việc của họ đã làm là giống nhau: đó là việc thẩm định, đánh giá, giới thiệu, dịch thuật, xử lý văn bản từ góc độ văn bản học, xây dựng những bộ sách công cụ phục vụ cho việc giải mã văn bản, hướng nghiên cứu theo góc độ văn tự, ngữ nghĩa, cấu trúc chữ nghĩa, lịch sử văn tự và lịch sử tiếng Việt... dần xây dựng một ngành khoa học riêng với việc giải mã và phát huy các giá trị của văn bản Hán Nôm làm nhiệm vụ học thuật. Nó cũng là công việc nhằm thực thi sứ mệnh truyền thừa văn hóa. Theo trình tự thời gian, nó là sứ mệnh cũ, nhưng lại luôn luôn mới.  

Cho tới nay, công việc sưu tầm văn bản đã đi được những bước quan trọng nhất. Hiện chỉ còn là bổ sung, phát hiện thêm số tư liệu mới không còn nhiều so với những gì đã có, tìm kiếm tư liệu từ nước ngoài... Các tác phẩm quan trọng nhất đã có một vài bản dịch khác nhau, đặc biệt là các bộ quốc sử. Các hướng tiếp cận từ góc độ văn tự học, văn bản học... cũng đã đi được những bước đi căn bản, giờ chỉ còn là vấn đề triển khai cho các nghiên cứu trường hợp cụ thể và làm cho các lý thuyết trở nên nhuần nhuyễn hơn mà thôi. Vậy nhiệm vụ hiện nay của việc nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm là gì? Chúng ta có còn nhiều việc phải làm hay không?

2. Nhiệm vụ mới đang đặt ra

Có thể nói ở thời điểm đầu thế kỷ XXI này, sứ mệnh của ngành nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm vẫn không thay đổi, việc truyền thừa văn hóa vẫn đặt lên vai những người hoạt động trong lĩnh vực này. Khoảng cách thời gian so với thời sử dụng chữ Hán chữ Nôm trong đời sống càng xa, việc nảy sinh rất nhiều vấn đề bất ổn trong nền văn hóa, hệ giá trị và sự định hướng nhân văn, người ta càng cảm nhận thấy những nguy cơ do sự gián cách văn hóa gây ra. Và cũng theo thời gian, sứ mệnh ấy không những không hề giảm đi mà còn gia tăng thêm. Khi đất nước đi vào hội nhập quốc tế, đối thoại và giao lưu quốc tế càng mở rộng, việc thực hiện sứ mệnh càng có phần khó khăn hơn, những đòi hỏi đối với người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm càng nặng nề hơn. Để thực hiện được sứ mệnh ấy, cần nhận diện rõ thêm một số việc cần làm. Xin phác thảo theo sự nhìn nhận chủ quan:

- Hiện nay công việc sưu tầm mang tính bổ sung, công việc bảo quản tư liệu Hán Nôm vẫn là việc hết sức quan trọng, việc này hiện nay khó hơn vì càng thêm thời gian, các tài liệu Hán Nôm lưu giữ trong dân gian càng hỏng nát mất mát thêm. Việc sưu tầm cần nhìn rộng ra thế giới với các quan hệ rộng và khả năng khai thác phù hợp. Kỹ năng, tầm hoạt động trong việc khai thác tìm kiếm tư liệu cũng vì thế mà đặt ra những đòi hỏi cao hơn thời kỳ trước.

- Tất yếu cần những thế hệ bản dịch mới. Hơn một thế kỷ vừa qua, với sự đóng góp của lực lượng nghiên cứu Hán Nôm trên cả nước, rất nhiều văn bản Hán Nôm đã được phiên âm, được dịch sang quốc ngữ và xuất bản. Có thể nói những tác phẩm quan trọng nhất trong các lĩnh vực văn học, sử học, triết học... đều đã có ít nhất một bản dịch. Tuy nhiên nhìn lại các công trình dịch thuật đó có thể thấy, về tổng quan, đó mới là bước đi đầu tiên trong quá trình truyền tải, chuyển giao văn hóa. Do một thời gian khó khăn của kinh tế, của điều kiện xuất bản, của lực lượng dịch thuật và cả quan niệm, việc dịch và xuất bản còn nhiều hạn chế. Ngoài những bộ quốc sử quan trọng được chú ý nhất ra, tình trạng chung là: bản dịch không có chữ Hán chữ Nôm in cùng,  nhiều công trình dịch có tính lược dịch, còn thiếu tài liệu tra cứu chú giải... Nhiều văn bản do văn tự khó đọc, nội dung phức tạp, văn bản phức tạp vẫn còn tạm gác lại. Đó là chưa kể một bộ phận không nhỏ còn chưa có bất kỳ bản dịch nào. Trước nhu cầu của thời đại mới, tiếp tục dịch thuật phần còn lại của kho di sản là việc tất yếu phải làm, việc có thêm những thế hệ bản dịch  mới, bản in mới cũng là điều tất yếu. Để thế giới và thế hệ trẻ của Việt Nam biết tới và tìm hiểu một cách thuận lợi, chính xác các văn bản cổ, công việc cần tiếp tục là: Trên cơ sở tham khảo các bản dịch cũ, cần xác lập những thế hệ bản dịch mới, chú giải tỷ mỷ hơn, đối chiếu dị bản rộng hơn. Cần in nguyên bản dạng ảnh ấn, kèm bản hiệu điểm, bản chế bản điện tử mới, cần dịch tiếng Anh nếu có thể... Chúng ta đều biết, mấy cuốn sách nổi tiếng của Hán văn cổ đại Trung Quốc như Lão Tử, Luận ngữ... đã có tới hàng trăm bản dịch tiếng Anh khác nhau cùng lưu hành trên thế giới và sẽ còn có nhiều bản dịch nữa trong tương lai. Vấn đề của nó chỉ giản dị là, các nhà nghiên cứu đều tỏ ra không thấy thỏa mãn với các bản dịch đã có và muốn tự mình dịch. Nói như thế để thấy rằng, khi lực lượng và các điều kiện cho phép, việc có nhiều thế hệ bản dịch là điều cần thiết, khoa học. Đó là chưa kể tới việc cần tập hợp và xuất bản những bộ sách lớn theo chủ đề, theo lĩnh vực để thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng và phổ biến. Vấn đề là thế hệ sau phải biết đứng trên vai người khổng lồ sao cho chắc để khỏi ngã, cần có sự hợp tác giữa các thế hệ và sự trung thực, khoa học, để có được những bản dịch sau tốt hơn thế hệ bản dịch trước. Lực lượng Hán Nôm cần nhìn về một phía, cùng nhìn vào sứ mệnh chung của ngành. Việc này khi nào mới xong?   

- Công bố tư liệu dạng số hóa và quốc tế hóa việc khai thác tư liệu. Ngoài những tư liệu có tính chất bí mật quốc gia ra, việc giới thiệu rộng rãi các tư liệu Hán Nôm phục vụ cho việc nghiên cứu về Việt Nam là hết sức cần thiết. Nó tạo điều kiện để các học giả thế giới hiểu đúng, hiểu chính xác về Việt Nam. Chỉ có được sự đối thoại văn hóa và học thuật thực sự nếu các tư liệu được giới thiệu và phổ biến một cách rộng rãi. Trong thời đại ngày nay, vấn đề giữ tư liệu cho riêng mình để có thể hơn người khác chỉ vì có thêm tư liệu này hay tư liệu khác là không còn lý do tồn tại và không còn có vai trò đáng kể nữa. Việc số hóa và khai thác thuận lợi các tư liệu cổ là công việc tốt cho sự truyền thừa văn hóa. Quan sát cách làm của các nước Đông Á trong việc giới thiệu rộng rãi tư liệu cổ, cung cấp miễn phí và tìm kiếm dễ dàng, ta sẽ thấy chủ đích văn hóa lớn của họ. Cũng tương tự như vậy, các tư liệu Thiên Chúa giáo hay Phật giáo đang được khai thác miễn phí trên mạng là công cụ truyền bá rộng rãi các tôn giáo và học thuyết nói trên. Việc số hóa tư liệu này cũng là cách để cho việc bảo quản tư liệu trở nên chắc chắn trên quy mô toàn cầu. Việc số hóa cũng giúp ích cho việc tra cứu, thống kê, tìm kiếm, điều này sẽ giảm thời gian cho người nghiên cứu và đem lại những bằng chứng chính xác hơn cho việc nghiên cứu...

- Hoạt động phổ biến giới thiệu cho đại chúng.Tôi vẫn nghĩ rằng đem các giá trị văn hóa truyền thống, những cái hay cái đẹp "ngọc trung thư" phổ biến rộng rãi cho mọi người trong xã hội là việc không kém phần quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm. Đương nhiên việc này không phải chỉ là việc của người trong ngành Hán Nôm, nó còn là việc của nhiều lực lượng khác, tuy nhiên, đem những cách hiểu chính xác và sâu sắc từ người tiếp cận văn bản Hán Nôm tới tận người thưởng thức, người tiếp nhận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoài một số hoạt động thư pháp ra, việc nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm vẫn thiên về kinh viện, hàn lâm và trong phạm vi hẹp. Kho sách cần mở cửa hơn nữa với học sinh phổ thông, coi đó như một địa chỉ tham quan văn hóa tuyệt vời nhất. Những triển lãm, trưng bày, nói chuyện, giao lưu, thuyết giảng về Hán Nôm cho số đông là hết sức cần thiết. Cần tận khai thác các phương tiện truyền thông hiện đại để phục vụ cho sự nghiệp này. Các giá trị uyên áo tốt đẹp của cổ nhân trong các văn bản cần phải đến với quảng đại quần chúng, cần đi vào đại chúng. Những lớp ngắn hạn, lớp dạy chữ sơ đẳng cần mở rộng phục vụ nhu cầu xã hội. Hiện nay, nhà chùa đang quay lại vai trò văn hóa đa dạng gần với vai trò nó đã từng gánh vác ở thời Lý, Trần, tuy nhiên khung cảnh rất phức tạp và còn rất nhiều điều phải bàn.

- Đổi mới và hội nhập thế giới về phương pháp trong nghiên cứu và giảng dạy. Muốn hoàn thành sứ mệnh truyền thừa văn hóa,  việc đổi mới về phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận văn bản, khai thác văn bản cũng đặt ra gay gắt. Cần phải hội nhập và tiếp thu  các phương pháp nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, chuẩn bị nhân lực để cập nhật với những lĩnh vực nghiên cứu mới, trong đó những phương pháp nghiên cứu mang tính liên ngành, nghiên cứu theo hướng sử dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin ngày được chú trọng. Ngoài ra, những lĩnh vực học thuật mới hình thành tại Đông Á cũng cần được tiếp thu và phổ biến, chẳng hạn nghiên cứu giản bạch học, nghiên cứu so sánh, nghiên cứu theo hướng giải thích học...

3. Công việc cần làm trong lĩnh vực đào tạo

Những nhiệm vụ và đòi hỏi như trên đặt ra những yêu cầu mới cho việc đào tạo Hán Nôm trong nhà trường từ cử nhân tới tiến sĩ. Việc đào tạo cần tạo ra một thế hệ các nhà nghiên cứu Hán Nôm mới trong thời đại toàn cầu hóa, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn, phức tạp hơn trong công việc.

- Một vài mô tả ở trên cho thấy, đó là sự nghiệp lớn, nặng nề và còn rất nhiều việc phải làm. Ngành Hán Nôm cần thu hút được nhiều người giỏi vào học. Đây là việc ai cũng biết là khó, nhưng không thể không làm. Không có nhiều người có tư chất tốt, thậm chí cần năng khiếu sự nghiệp khó có thể phát triển được. Công tác tư vấn tuyển sinh và các chế độ đãi ngộ là hết sức quan trọng.

- Cần đào tạo để chuẩn bị nhân lực  cho việc giải mã những văn bản khó, chẳng hạn văn bản chữ thảo. Không thể đọc loại văn bản này mà không biết viết chữ thảo một cách điêu luyện. Cử người đi học tại các nước Đông Á là việc tốt nhất để giải quyết vấn đề này.

- Để có thể có những thế hệ bản dịch mới, năng lực dịch và giải mã văn bản thế hệ sau phải cao hơn. Điều này rất khó trong tình hình hiện nay nhưng tất yếu phải thế. Nó là nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho những người làm công tác đào tạo nhân lực, là trách nhiệm của thế hệ các nhà Hán Nôm học cao niên đối với thế hệ sau.

- Cần có những điều kiện tốt để phục vụ cho công tác đào tạo, trong đó điều kiện tư liệu, thiết bị hiện đại, phương pháp tiên tiến, gắn liền đào tạo với nghiên cứu, đưa sinh viên tham gia vào công việc nghiên cứu từ rất sớm là hướng đi cần thiết. Phải tận dụng được những cơ hội thời đại đem lại, về sách công cụ, sách tra cứu, mạng internet để phục vụ cho việc đào tạo.

- Cần trang bị cho sinh viên Hán Nôm các tri thức liên ngành. Sinh viên Hán Nôm cần có những khả năng tự trang bị kiến thức mang tính tích lũy gia tăng, tự tích lũy để đối phó với thời đại bùng nổ thông tin và tri thức ngày càng gia tăng. Cần phát triển các năng lực đa dạng, những kỹ năng mà những người nghiên cứu cổ học trên toàn thế giới cần có.  Đối với sinh viên và học viên sau đại học, năng lực ngoại ngữ và việc sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tìm kiếm tư liệu, kỹ năng điền dã, tiếp cận và xử lý văn bản một cách chủ động là hết sức cần thiết. Đối thoại và giao lưu quốc tế trong nghiên cứu Hán Nôm học là việc thế hệ nghiên cứu mới phải thực hiện được một cách tự tin. Sinh viên Hán Nôm cũng cần là những người hoạt động thực tiễn, những người biết cách hoạt động phổ biến tuyên truyền văn hóa. Họ không thể chỉ là những "mọt sách", mà còn cần là những nhà hoạt động xã hội.

- Tất cả những đòi hỏi trên sẽ không thể đáp ứng được nếu trong đào tạo chúng ta không tạo ra được những người đam mê nghề nghiệp, có ý thức trân trọng cao nhất đối với di sản Hán Nôm của cha ông. Không gì có thể thay thế được việc tự nhiệm gánh vác sứ mệnh truyền thừa văn hóa, sứ mệnh không mới nhưng cần những người mới để gánh vác. Thế hệ đi trước cần truyền nhiệt huyết và tầm nhìn cho thế hệ kế tiếp. Điều này có thể còn quan trọng hơn cả việc rèn kỹ năng và cung cấp kiến thức.

( Bài viết Hội thảo kỷ niệm 40 năm thành lập ngành Hán Nôm, khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN)

 Nguyễn Kim Sơn

1 comment: