1. Diễn Nôm
– một loại hoạt động kinh học của nhà nho Việt Nam
Nói tới kinh học của Nho
gia, người ta nghĩ ngay tới những hoạt động như truyện, chú, tiên, sớ, luận, khảo,
giải nghĩa, diễn nghĩa, huấn hỗ, khảo chứng…. Các hoạt động trên nhằm
làm rõ hai phương diện cơ bản của kinh điển: phương diện văn bản và phương diện
nghĩa lí. Mục tiêu của các hoạt động kinh học là nhằm truyền bá, tiếp nhận kinh
điển một cách tốt nhất, hoặc đúng theo một ý đồ tư tưởng của một cá nhân hoặc một
học phái. Sự truyền bá và ảnh hưởng của kinh điển Nho gia ra chiều rộng của
không gian và sự duy trì theo chiều lịch đại của thời gian, sức lan tỏa cùng sự
tái sinh của Nho giáo được diễn ra không ngừng cũng thông qua chính các hoạt động
kinh học.
Nhìn các hoạt động của
nhà nho Việt Nam từ góc độ dùng chữ Nôm và gắn với kinh điển Nho gia (có thể gọi
là kinh Hán Nôm), chúng ta thấy về mục tiêu, nó hoàn toàn thống nhất với mục
tiêu của các hoạt động kinh học nói chung, tức làm thế nào để làm sáng tỏ nghĩa
lí của kinh sách, thể hiện được cách hiểu và chuyển tải được tốt nhất nghĩa lí
của kinh điển. Nó bao gồm cả việc phục vụ truyền bá giảng dạy và mang lại sự hứng
thú tự thân cho người làm việc diễn giải.
Không phải ngẫu nhiên,
nhan đề của các tác phẩm diễn Nôm thường là diễn
nghĩa, giải nghĩa, diễn ca, quốc âm ca, thích
nghĩa, giải nghĩa, ca quyết, ước giải, lược giải, giải âm…. Những nhan đề này gợi ý cho ta một loại
quan niệm của nhà nho đối với công việc của họ lấy kinh điển Nho gia làm đối tượng.
Kết hợp với thực tế tìm hiểu, phân tích các văn bản diễn Nôm, ta thấy hầu hết
các công trình loại này đều chủ yếu nhằm vào phương diện nghĩa lí của kinh điển.
Rất ít trường hợp nhằm vào khảo chứng văn bản, biện biệt sự sai dị của văn bản.
Một vài văn bản nói là “giải âm”,
nhưng công việc chính của họ lại là dùng âm Nôm để giải nghĩa lí của kinh sách
hơn là một văn bản chú giải âm đọc thuần túy (trường hợp Thi kinh giải âm).
Trong lời tựa viết cho cuốn Chu Dịch quốc âm giải nghĩa, Phạm Quý
Thích cũng đánh giá công trình dùng thơ lục bát để diễn nghĩa Kinh Dịch của Đặng Thái Phương là một loại
công việc huấn hỗ kinh điển, và sự đề cao của ông đối với công trình này cũng
là đề cao theo hướng đó.
“Sự học của nhà nho cốt ở chỗ hiểu thấu nghĩa lí mà thôi. Điều gọi là huấn hỗ là sao? Đại khái lời văn trong kinh truyện đều là nghĩa lí của thánh hiền chứa
đựng ở đó, nếu không nhờ huấn hỗ thì không thể rõ được. Bản Chu Dịch quốc âm
quyết của ông họ Đặng là thuộc về dòng huấn hỗ đó chăng?”
儒者之學,義理而已矣。而有所謂訓詁,何哉?蓋經傳之文,皆聖賢義理所在,而非訓詁則不可得而見是,固不可少也。鄧翁《周易國音訣》,其訓詁之流歟?(周易國音歌序)
Đương nhiên Phạm Quý
Thích cũng cho rằng công việc của Đặng tiên sinh là theo hướng làm rõ nghĩa lí
của sách, nhưng là diễn nghĩa hay cắt nghĩa từng câu, từng chữ, từng đoạn theo
cách làm của huấn hỗ học.
Quan sát cách làm của các
văn bản dùng Nôm hướng tới kinh điển Nho gia, chúng ta thấy hầu hết đều được thực hiện theo cách lấy một câu
hay một ngữ đoạn của kinh văn làm gốc, đi liền đó là một đoạn văn Nôm giải nghĩa cho
đoạn chữ Hán đó. Trong trường hợp dùng Nôm thể thơ Lục bát, thì việc trình bày
thường là một câu chính văn kinh đặt tại nửa trên của trang văn bản và câu lục
bát diễn nghĩa đi cùng ở nửa dưới của trang văn bản. Các văn bản khắc in và hầu
hết văn bản chép tay đều được trình bày
theo cách: phần chữ Hán in to, còn phần chữ Nôm in nhỏ hơn với một tỉ lệ
chênh lệch lớn.
|
Thi kinh giải âm, quyển 1. Văn bản này thuộc loại vừa kết hợp giải nghĩa vừa kết hợp giải âm
|
Cách trình bày trong Trung dung ước giải |
|
Có văn bản trình bày theo cách: một câu, hoặc đoạn văn
Hán và một câu dịch Nôm đi kèm ngay sau đó, theo tuần tự trước sau, từ đầu cho
tới hết toàn văn bản. Cách làm này có tính chất đối dịch. Có văn bản để cả phần
kinh văn, chú giải bằng chữ Hán và chú giải bằng Nôm đi kèm.
Tất cả các bản kinh Hán Nôm đều chung một tình trạng:
không có văn bản nào thuần túy chỉ nhằm vào giải âm, hoặc thuần túy khảo chứng
thảo luận về góc độ văn bản. Hầu hết đều nhằm vào nghĩa lí của sách, chuyển dịch
nội dung, giảng giải về nội dung của sách. Không có văn bản nào thuần túy chỉ
có phần dịch Nôm mà việc trình bày thoát li khỏi văn bản chữ Hán để tồn tại độc
lập. Cũng có nghĩa là không có một bản dịch Nôm kinh điển nào tồn tại độc lập với
ý nghĩa tự thân nó. Điều này cho thấy, quan điểm của người làm là việc song dịch,
đối dịch, đối chiếu có cả hai phần là cách tốt nhất, là lựa chọn tối ưu cho việc
truyền tải. Nhưng điều này cũng biểu thị một ý nghĩa khác là phần dịch Nôm chưa
thể thay thế chính văn chữ Hán để tồn tại độc lập như các loại bản dịch khác thời hiện đại. Dĩ nhiên nó là phần song dịch, đối
dịch vừa bảo lưu văn bản gốc vừa có phần dịch kèm để đảm bảo hiểu bản gốc tốt
nhất. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy, nếu tách chính văn chữ Hán có thể tự nó
khó hiểu, không đầy đủ, thiếu chỗ dựa. Cách trình bày phần kinh văn chữ Hán viết
lớn hơn, viết phần phía trên, phần diễn nghĩa, diễn Nôm viết nhỏ hơn, được đặt
bên dưới, ngoài sự bày tỏ thái độ tôn sùng với kinh điển thánh hiền, nó còn có
ý tôn trọng bản gốc chữ Hán. Bản chữ Nôm chỉ có ý nghĩa bổ sung hỗ trợ, có ý
nghĩa thứ yếu bổ sung thêm cho phần chính văn kinh chữ Hán. Và như vậy, tuy là
các phần diễn dịch, chuyển dịch, nhưng vai trò của nó chưa vượt ra ngoài công
việc cước chú, chú giải vốn đã rất có truyền thống trong kinh học Nho gia. Cái
khác biệt chỉ là ở chỗ dùng một loại văn tự khác, cách diễn đạt khác để chú giải.
Và như vậy, việc dịch này không nhằm thay thế cho bản chữ Hán, không nhằm đạt tới
mục tiêu người ta hiểu kinh điển mà không cần biết tới bản chữ Hán. Dịch thuật,
nhưng dành cho đối tượng biết cả ngôn ngữ của bản gốc và bản dịch, dịch để giúp
cho hiểu bản gốc chứ không phải dừng ở chỗ tiếp nhận tư tưởng từ bản dịch. Khía
cạnh này của vấn đề càng cho phép khẳng định việc dịch Nôm kinh điển vừa giống
lại vừa khác việc chuyển dịch ngày nay. Nó chưa thoát khỏi phạm vi của truyền
thống chú sớ.
Cũng nhìn từ cách trình bày, chúng ta thấy các chính
văn chữ Hán của kinh điển vẫn là phần đặc biệt quan trọng, nó là bình diện thứ
nhất của văn bản và là đối tượng tiếp nhận chính. Nó có liên quan tới mục tiêu
của việc diễn dịch Nôm. Giáo dục khoa cử Nho học vẫn là một nền giáo dục khoa cử
chữ Hán. Nhà nho vẫn cần phải học kinh điển chữ Hán để đi thi. Việc diễn Nôm
kinh điển có thể cũng được dùng trong giáo dục, nhưng nó cũng chỉ có tính chất hỗ trợ cho người học bậc nhập
môn, sơ học. Nó cũng không phải nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu chỉ để hiểu kinh điển
tách rời việc khoa cử. Kinh điển chữ Hán không thể thay thế, bản dịch Nôm chưa
thể thay thế và không có cơ sở xã hội và học thuật để thúc đẩy nó vươn lên để đủ
sức thay thế.
Diễn ca không phải là thảo luận và bày tỏ quan điểm
tán thành hay phản đối, hoặc nêu những cách giải thích hoàn toàn riêng như các
hoạt động kinh học khác. Nó là một loại chú giải, huấn thích, thông diễn. Nói
cách chính xác hơn, diễn Nôm, diễn ca, diễn nghĩa là sự tích hợp của các phiên
dịch, diễn dịch và chú giải, chú sớ.
2. Mục đích
của việc diễn dịch Nôm
Mục đích của việc diễn dịch Nôm một văn bản kinh điển
Nho gia dĩ nhiên không đơn nhất. Diễn Nôm, đặc biệt là diễn sang dạng thơ, mục
tiêu hàng đầu theo tôi không phải để làm cho kinh văn dễ nhớ dễ thuộc, dễ lưu
hành mà trước hết nó là con đường làm cho tư tưởng Nho gia phù hợp hơn với tư
duy người Việt, nhu cầu tư duy tư tưởng, triết học bằng tiếng Việt, nó
thỏa mãn trước hết cho chính người làm việc này.
Căn cứ vào chính lời của các nhà nho bàn về công diễn dịch Nôm chúng ta
có được những thông tin có thể xem là sát hợp với thực tế nhất. Lê Quý Đôn nói
trong lời tựa cho bản in lại sách Tứ thư
ước giải:
“Chữ nào câu nào cũng được sáng tỏ rõ ràng. Nhưng vẫn còn có kẻ hậu học
cho rằng khó đọc, tại sao lại thế? Tạo hóa sinh ra tài năng, thường thì được
nhiều phần “hùng” [mạnh khỏe] mà được ít phần “anh” [tài trí]. Người cao minh
thì kiến thức thông tuệ, xem lướt nghe qua là tự nhiên thấm nhuần, thông hiểu
chẳng trở ngại gì. Còn đối với những kẻ trung bình trở xuống, từng trải chưa
nhiều, thức ngộ chẳng thấu, thì sao thông tỏ cho được! Còn lũ trẻ miệng còn hôi
sữa, thì lại càng khó khăn hơn nữa. Chúng ở tuổi lên năm sáu bảy, chỉ hiểu những
lời nói bình thường, cha mẹ dạy cho biết số đếm một hai ba bốn, các mùa xuân hạ
thu đông, mà còn chưa lĩnh hội hết được, thì sao dạy nổi cái ý sâu nghĩa lớn của
cổ nhân để chúng nhanh chóng hiểu cho trọn vẹn! Huống hồ, tiếng quốc âm nước ta
lại khác với Trung Quốc, việc dạy dỗ lại càng khó. Vậy nên các bậc tiên nho mới
diễn ra âm bản địa làm bộ Tứ thư ước giải tăng bổ đại toàn bị chỉ, để tâm sức tới
cả những điều nhỏ bé nhất. Họ đã sớm lo nghĩ cho những kẻ [trung bình trở xuống
và miệng còn hôi sữa] kia vậy.”[ii]
一字一句靡不坦然明白。然而后之學者猶或以為難讀,又何也?造化生才,往往得雄之分多,得英之分少。高明之人見聞敏洽,一經耳目自然融液貫通,有何罣礙。若夫中人以下,涉獵未多,識悟不到,寧無全牛之病。至於齠齔之子,又有甚焉者矣。彼于五六七歲時僅解尋常言語,父母教之三四七八之數,春夏秋冬之序,尚未能一一領會,矧其誨之以古人之微旨大義而遽能了了然耶!况我國音語又與中國不同,教之尤有難者。是故先代師儒糸寅 方土之音為四書約解增補大全備旨,豪釐秒忽無所不用其力焉。其為此輩慮也遠矣。(重刊四書約解序)
Lê Quý Đôn không phải là người soạn ra sách Tứ thư ước giải, việc làm đó theo ông là
việc của tiên nho, tức của những người thuộc thế hệ trước ông. Nhưng ông là người đã sử dụng chúng cho việc giảng giải
và học tập kinh điển, đồng thời là thế hệ gần gũi, cùng là nhà nho nên ý kiến của
ông cho ta nhiều thông tin rất đáng chú ý. Theo lời tựa nêu trên, việc “ước giải”
trước hết nhằm vào đối tượng những người mới học kinh điển (trẻ nhỏ) và những người
chưa thể tiếp nhận kinh điển một cách sâu sắc từ chính văn kinh (“trung nhân dĩ
hạ”). Theo đó ta thấy việc tách từng câu để diễn giải trước hết là một hình thức
cú đậu,[iii] khiến người ta dễ dàng hiểu được nghĩa lí từng đoạn
văn bản. Thứ hai cách diễn dịch sang tiếng Việt có thể trở thành dễ hiểu hơn.
Nhưng ngay ở góc độ này, chúng ta cũng không thể xem việc dịch Nôm là nhằm đại
chúng hóa, muốn hiểu được văn bản, dẫu là dễ dàng đối với người mới học, nó cũng
cần người học biết đọc được cả chữ Hán và chữ Nôm rồi mới có thể sử dụng văn bản
diễn nghĩa (trường hợp cụ thể là Tứ thư ước
giải) để tiếp thu kinh điển. Như vậy nó là dễ dàng cho người tiếp nhận kinh
điển ở giai đoạn đầu, trong sự phân biệt với giai đoạn đã hiểu thật sâu sắc (việc tiếp nhận thẳng từ văn bản chữ
Hán là dành cho “trung nhân dĩ thượng” – theo cách nói của Lê Quý Đôn). Như vậy
nó không phải để thay thế, mà chỉ để hỗ trợ. Việc tiếp nhận trực tiếp kinh điển
từ văn bản Hán vẫn là đòi hỏi tất yếu không thể thay thế đối với những người muốn
thâm nhập vào tầng thứ tư tưởng sâu xa, uyên áo của văn bản cổ Hán văn.
Theo đó việc chuyển dịch nên nhấn mạnh ở góc độ nó có liên
quan tới vấn đề công cụ để tư duy. Nó vừa giúp cho người tiếp nhận ở
giai đoạn còn lệ thuộc nhiều vào tư duy tiếng Việt được thuận tiện từ việc tư
duy bằng tiếng mẹ đẻ, đồng thời nó cũng liên quan tới vấn đề thỏa mãn tư duy bằng
tiếng Việt của cả chính người làm công việc diễn nghĩa, dịch Nôm. Quá trình diễn
dịch là một quá trình chuyển công cụ tư duy, hay tư duy bằng công cụ ngôn ngữ
có tính đan xen.
Không thấy các lời tựa nói tới mục tiêu chuyển dịch để dễ nhớ, dễ thuộc.
Thực tế nghiên cứu văn bản cũng cho thấy, nhớ và thuộc được một bản diễn Nôm
như Chu Dịch quốc âm ca là việc rất
khó, nếu không muốn nói là không thể đối với người học.
Diễn Nôm hầu như không có văn bản in và trình bày độc lập, tách hẳn khỏi
kinh điển chữ Hán. Không có bản diễn ca Nôm độc lập như các tiểu thuyết bằng
thơ Hoa tiên[iv] hay Đoạn trường
tân thanh[v], hay các diễn ca Nôm về lịch sử[vi]. Đối với tiểu thuyết, chỗ dựa để người đọc có thể dễ
nhớ dễ thuộc là cốt truyện, nhân vật và tình tiết xác định. Người ta dựa theo
các yếu tố đó và có thể thuộc được cả truyện thơ dài. Còn với kinh điển, các phạm
trù, điển chế, tư tưởng dẫu được trình bày một cách logic, luân lí triết học và
châm ngôn rõ ràng, nhưng không hề dễ thuộc dễ nhớ. Nó không có được chỗ dựa như
truyện. Có lẽ đây là một lí do khiến diễn ca nôm, diễn nghĩa, giải nghĩa bằng
Nôm luôn đi cùng với văn bản chữ Hán và công việc diễn nghĩa về tổng quan được
xem là một loại hoạt động chú giải, giải nghĩa, sớ nghĩa bằng chữ Nôm. Nó là hoạt
động chưa thoát khỏi hệ thống chú sớ, giải nghĩa kinh điển xét về cả cách thức
và phương pháp. Nhìn bộ phận thì nó đã là các bản dịch, xét về công việc thì nó
là dịch thuật, nhưng nhìn tổng thể thì
nó chưa hẳn là những bản dịch độc lập.
Diễn ca nhằm thỏa mãn nhu cầu của
cá nhân người làm công việc nghiên cứu thảo luận và tiếp nhận kinh điển Nho
gia. Trong quá trình đọc người ta thấy việc diễn Nôm khả dĩ thể hiện được mức độ
hiểu kinh điển của họ, muốn diễn đạt ý hiểu đó bằng một ngôn ngữ khác. Điều này
mang lại cho họ sự hứng thú học thuật. Trong quá trình tiếp nhận kinh điển bằng
cổ văn Trung Quốc, có mấy tầng cách biệt, bản thân ngôn ngữ trong kinh điển đã
không phải khẩu ngữ, lại không phải khẩu ngữ người Việt. Nói theo một ngôn ngữ
và nghĩ bằng một ngôn ngữ khác chắc chắn có ảnh hưởng tới tư duy và một cách tự
nhiên, người ta có nhu cầu chuyển đổi công cụ. Sự ra đời của chính chữ Nôm cũng
xuất phát từ chính lí do này. Khi tiếng Việt đã khá phát triển, nhu cầu tư duy
bằng tiếng Việt càng thúc bách các sĩ phu
chuyển dịch công cụ. Diễn Nôm kinh điển Nho gia nhìn theo góc độ này, nó
lại là một hoạt động “giải độc” (解讀), hoạt động tiếp nhận hơn là dịch
thuật.
Có một số văn bản kinh điển và thảo
luận có nội dung Nho học do chính người Việt biên soạn, sau khi bản chữ Hán xuất
hiện, người ta lại tiếp tục chuyển dịch chúng sang Nôm. Việc diễn Nôm các tác
phẩm toát tiết yếu kinh điển của các nhà nho Việt Nam là những dẫn chứng sinh động.
3. Dùng thơ để diễn dịch và hệ quả
của nó
Người ta dùng thơ
Nôm, chủ yếu là thể thơ Nôm Lục bát để diễn dịch các nội dung của
nguyên tác kinh điển Nho gia. Đây là điểm cần có sự chú ý đặc biệt. Lục bát là
thể thơ Nôm xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI. Nó là một thể
thơ được cấu trúc theo từng cặp, một câu 6 chữ (tính đơn vị chữ Nôm) và một câu
8 chữ, rồi lại tới một câu 6 chữ tiếp theo. Chữ cuối cùng của câu 6 hiệp vần với
chữ thứ 6 của câu 8 và chữ cuối cùng của câu 8 lại hiệp vần với chữ cuối cùng của
câu 6 tiếp theo.
Một bài thơ Lục bát không
giới hạn bao nhiêu câu, nó có thể kéo dài bao nhiêu tùy ý người sáng tạo. Tác
phẩm văn học Đoạn trường tân thanh nổi
tiếng của Việt Nam được sáng tác bằng thể thơ này, nó dài trên 3000 câu thơ.
Hay một tác phẩm diễn ca lịch sử khác Thiên
Nam ngữ lục, bao gồm trên 8000 câu thơ.
Thể thơ Lục bát có rất
nhiều ưu thế trong việc dùng để bộc lộ cảm xúc, trữ phát tình cảm giống như các
thể thơ khác, đồng thời nó cũng lại hết sức thuận lợi trong việc tả cảnh, tả
tình kể lại những nội dung phức tạp, trần thuật những truyện nhiều nhân vật và
tình tiết. Nó lại có thể đảm nhiệm công việc tự thuật thay cho tản văn.
Để viết được những câu
thơ lục bát thật hay, nó cũng đòi hỏi trình độ nghệ thuật cao, nhưng với những
người bình dân, học vấn không cao cũng có thể sáng tác những bài thơ lục bát ở
một trình độ nghệ thuật chấp nhận được. Việc sáng tạo một tác phẩm văn chương bằng
loại thơ này nhìn chung khá thuận lợi. Đối với người Việt Nam, thể thơ lục bát
là thể thơ mang tính đại chúng cao, nhưng lại cũng rất bác học nếu chúng là sản
phẩm của một nhà văn hóa có tầm cỡ.
Người Việt Nam đã triệt để
khai thác những thế mạnh về việc sáng tạo và lưu truyền, thưởng thức của thơ Lục
bát để chuyển dịch và phổ biến rất nhiều văn bản chữ Hán. Các văn bản chữ Hán
được chuyển dịch gồm rất nhiều lĩnh vực, triết học, văn học, y học, lí số, địa
lí….[vii]
Việc diễn dịch bằng thơ tạo
ra một sự thúc ép người dịch bày tỏ thái độ, cảm xúc, chính kiến nhiều
hơn là việc chuyển dịch từ văn xuôi sang văn xuôi. Điều này do sức ép của chính
đặc trưng thể loại. Nó nảy sinh từ sự chuyển dịch giữa hai loại văn bản có đặc
trưng khác nhau: tự sự và trữ tình. Khi diễn dịch bằng thơ, người ta cũng thường
bộc lộ ý khuyên nhủ, dẫn dắt và định hướng nhận thức. Diễn ca ngoài sự
tác động vào tư duy lí tính, nó còn tác động vào tầng cảm tính, vào tình
cảm và trực cảm. Nó cũng do đặc trưng thể loại tạo ra. Tác phẩm Chu Dịch quốc âm ca của Đặng Thái Phương
biểu hiện rất sinh động đặc trưng này. Khi diễn dịch hào “Sơ cửu: Tiềm long vật
dụng” của quẻ Càn, tác giả vừa trình bày nghĩa lí của quái hào, vừa định hướng
nhận thức và hành động: “Sơ cửu hào nghĩa
tiềm long, Mọn còn ở dưới mà dùng làm chi. Bằng Thuấn thuở còn trắc vi, Long đức
nhi ẩn, đợi thì sẽ hay. Ta hãy dưỡng đức cho dày, Khi nay ở dưới có ngày lên
trên.” Hoặc khi diễn dịch hào nghĩa “Thượng
cửu: Cang long hữu hối” của quẻ Càn, tác giả viết: “Thượng cửu hào rằng cang long, Doanh bất khả cửu cho thông mới mầu. Chớ
tham lộc vị ở lâu, Xem thời mà tốt chưng sau mới tuyền.” Hào thượng cửu quẻ
Càn ý nói, mọi sự vật, sự việc đã phát triển đến giai đoạn quá cực, nếu không
thông suốt về lẽ tiến thoái, tồn vong, cùng thông, đắc táng thì có ăn năn. Tác
giả diễn dịch ý đó rất gọn bằng một câu “Doanh
bất khả cửu cho thông mới mầu”, nhưng đồng thời lại định hướng, khuyên răn
cho một đối tượng cụ thể là người có địa vị, “chớ tham lộc vị”, “xem thời”
tiến lui để được tốt lành trọn vẹn. Việc định hướng nhận thức và hành động
trong diễn dịch kinh điển không có nghĩa là thu hẹp nghĩa lí của kinh điển, mà
thể hiện một cách hiểu, một hướng quan tâm của bản thân người diễn dịch.
Việc diễn dịch bằng thơ Nôm vừa
thỏa mãn nhu cầu tư duy bằng tiếng Việt, là cách giản dị hóa, nhưng đồng thời
nó cũng làm thay đổi, hướng tới một phương thức truyền bá và tiếp nhận khác
cách tiếp nhận và truyền bá của người Trung Quốc. Trong con đường tìm tới sự ảnh
hưởng và tiếp nhận Nho giáo tại Việt Nam, nhà nho đã nhận thấy diễn Nôm là một
con đường truyền bá và tiếp nhận, tuy không chính thống như giáo dục và khoa cử
bằng chữ Hán, nhưng lại có hiệu quả. Dùng thơ để “diễn dịch” đã đem lại cho văn
bản mới màu sắc cảm tính, xúc động, tâm đắc của người diễn dịch so với bản gốc.
Diễn nghĩa là giảng giải cho rõ nghĩa ra, nhưng cũng còn có ý là tạo điều kiện
để tiếp nhận tốt hơn bằng một chiều cảm nhận khác, phương pháp tiếp nhận khác.
Phương pháp khác này phù hợp với thói quen tư duy hình tượng và tiếp nhận một
cách trực tiếp, trực cảm của người Việt Nam hơn.
Nho gia đặc biệt coi trọng
phương diện thực tiễn đạo đức, vì vậy, việc chuyển dịch và diễn dịch này, xét về
phương diện học thuật và đặc sắc tư tưởng có phần hạn chế, nhưng xét về phương
diện tác động vào sự cảm nhận mang tính tình cảm, mang tính thực tiễn đạo đức
thì nó không phải không có hiệu.
Diễn ca đã tìm được cách
tác động tốt nhất đối với tâm tính của người Việt. Điều đó cũng có nghĩa là Nho
gia tìm được tiếng nói thích hợp nhất với tâm lí tiếp nhận và phù hợp với cách
nói, cách cảm của người Việt. Nho gia tìm được chỗ đứng trong hồn Việt bằng
chính phương thức này. Nó lấy khuyên nhủ nhẹ nhàng, ân cần nhưng lại có khả
năng thấm sâu, gây sự lay động tâm hơn là cách tác động qua chiều lí tính. Mục
đích là tìm tới một sự truyền đạt và tiếp nhận hiệu quả nhất.
Kết ngữ
Diễn Nôm, dịch Nôm các
tác phẩm kinh điển Nho gia là một bộ phận trong xu hướng bản địa hóa các yếu tố
văn hóa, học thuật có nguồn gốc nước ngoài nói chung (chủ yếu là Trung Quốc và Ấn
Độ). Trước khi diễn Nôm kinh điển Nho gia, đã có một tiền lệ là các nhà sư hoặc
các trí thức Phật học đã từng diễn Nôm nhiều tác phẩm Phật học, chẳng hạn công
trình Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh
được diễn Nôm vào khoảng thế kỉ XII, hay việc dịch Nôm Khóa hư lục của Trần Thái Tông giai đoạn sau. Dùng Nôm diễn dịch
các tác phẩm Phật học thời Lý – Trần đánh dấu giai đoạn xuất hiện của chữ Nôm
và sự khởi đầu cho nhu cầu tư duy bằng tiếng Việt, còn diễn Nôm kinh điển Nho
gia từ thế kỉ XV trở về sau đánh dấu bước phát triển của văn Nôm và các thể thơ
Nôm thời kì trung đại.
Các tác phẩm diễn Nôm
kinh điển Nho gia thường hướng tới làm rõ các vấn đề về nghĩa lí của kinh điển.
Các tác phẩm diễn ca Nôm hầu như không nhằm khảo cứu văn bản, không khảo sát những
vấn đề đồng dị, vấn đề văn tự. Các tác giả cũng ít biện luận về chỗ đúng sai của
kinh sách, mà chủ yếu nhằm vào nghĩa lí của kinh điển. Cấu trúc văn bản in vẫn
song song Hán – Nôm; hầu như không có bản dịch nào chỉ có phần Nôm độc lập. Từ
đó có thể thấy, việc dịch Nôm vẫn bị xem là thứ yếu sau văn bản chữ Hán, là phần
thêm vào và chưa tồn tại độc lập. Nó như một phần diễn giảng hơn là một tác phẩm
dịch độc lập.
Diễn ca vừa nhằm tác động
tới số đông, nhưng trước hết nó nhằm thỏa mãn một nhu cầu, một tâm thức văn hóa
của tầng lớp trí thức. Tầng lớp sĩ muốn tư duy và cảm nhận bằng ngữ ngôn ngữ thuần
Việt. Người ta muốn thực hiện một quá trình công phu tu dưỡng và tiễn hành một
thực tiễn đạo đức bằng lời ăn tiếng nói, cách hiểu cách cảm mang đặc sắc của Việt
Nam.
Diễn ca không phải là
khuynh hướng học thuật mang tính bác học. Nó có ý nghĩa và vai trò quan trọng
khi văn chính luận bằng tiếng Việt chưa thực sự phát triển đủ sức đáp ứng việc
diễn tả các vấn đề phức tạp và ở trình độ lí tính cao. Diễn Nôm tạo ra một con
đường để các lớp từ ngữ, khái niệm của Nho giáo thâm nhập sâu vào tiếng Việt. Rất
nhiều trong số đó được Việt hóa sâu sắc.
Ngoài việc diễn Nôm kinh
điển trong phạm vi Tứ thư, Ngũ kinh, người ta còn diễn Nôm cả một số tác phẩm
và vấn đề khác… chẳng hạn: Nhị thập tứ trung diễn ca, Hiếu kinh lập bản diễn
ca, các bản thánh huấn, gia huấn… cũng đều được diễn ca.
Việc diễn ca bằng thơ Nôm
cũng có tác dụng tiêu cực là làm giảm tính chặt chẽ logic của văn bản, làm mất
đi, hoặc làm thiên lệch nhiều nội hàm của các khái niệm, giảm tính chặt chẽ và
logic của văn bản. Việc làm này cần được nhìn nhận là một hiện tượng văn hóa học
thuật phản ánh những vấn đề chung mang tính quy luật của sự ảnh hưởng của kinh
điển Nho gia ra các nước khu vực, đồng thời cũng thể hiện những vấn đề riêng
khá đặc sắc của quá trình tiếp nhận kinh điển Nho gia tại Việt Nam.
Bài viết dựa trên tham luận
tại hội thảo “Chữ Nôm với kinh điển Nho gia” do Trung tâm Nghiên cứu Trung
Quốc – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia
Hà Nội tổ chức tháng 8/2011.