Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, các cá thể muốn giữ được
chỗ đứng của mình trong xã hội, trên nữa muốn phát triển, vươn tới đều phải
không ngừng phát triển mình, phải không ngừng vươn lên, không ngừng hoàn thiện mình.
Người ta phải nhìn ra xung quanh, xem thiên hạ như thế nào, xem người khác thay
đổi và phát triển ra sao, cái nhìn đó nhằm tới sự hiểu người. Nhưng sự hiểu người
này, cũng rất dễ gây ra những tác động tiêu cực trong việc phấn đấu của người
muốn phát triển mình.
Nhìn người có mấy khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là ta
giống mọi người, mọi người giống ta, mọi người hay ta cũng hay, mọi người dở ta
cũng dở, người tiến ta tiến, dàn hàng ngang vui vẻ cả. Khả năng này rất khó xảy
ra thực tế. Khả năng thứ hai là ta may, hoặc không may rơi vào một tập thể toàn
những thành viên kém hơn ta. Ta buộc phải thành kẻ xuất sắc nhất trong số đó. Khả
năng thứ ba cũng do không may hoặc may mắn ta rơi vào một nơi mà ở đó toàn những
kẻ hơn ta. Nhìn chỗ nào cũng thấy mình kém họ, thấy ai cũng hơn mình. Khả năng
thứ tư là ta tồn tại trong cộng đồng có kẻ hơn mình, có kẻ kém mình, có kẻ học
theo mình và có kẻ mình cần học theo.
Trong trường hợp đầu tiêu và cuối cùng, sự ứng xử có lẽ
không có gì khó khăn lắm. Vấn đề là ở hai trường hợp còn lại. Làm thế nào để tồn
tại cùng những kẻ kém hơn mình mà mình vẫn không tự mãn, không nhụt chí, vẫn có
thể tiến bộ? Làm thế nào để trong tập thể mà toàn những kẻ hơn ta, ta vẫn không
thấy ngạt thở, không mất tự tin, không thấy mặc cảm, vẫn có thể tìm đường để
vươn tới. Lấy gì làm chỗ dựa, làm thước đo? Có lẽ chỉ hướng phản quan tự kỷ bản
phận sự vô cầu tha đắc (quay về nhìn nhận chính bản thân mình là việc căn cốt đừng
truy tìm và không thể tìm thấy cái mình cần tìn ở nơi ngoài mình) theo tinh thần
Phật giáo, hay tự ngã thực hiện theo tinh thần của Nho gia là hữu ích cho các
trường hợp này.
Lấy chính mình làm chỗ dựa, lấy mình làm tiêu chuẩn. Muốn biết
mình có tiến bộ hay không, không có tiêu chí nào tốt hơn chính mình. Miệt mài học
tập, nhưng so với hôm qua không thấy mình khá hơn chút nào thì ấy là đáng lo ngại.
Mỗi người tư chất khác nhau nên việc tích lũy kiến thức và tốc độ trưởng thành
cũng cần khác nhau. Vấn đề quan trọng là tôi luôn cố gắng, trong sự chậm chạp của
mình, tôi thấy tôi đang tiến bộ lên, tôi sẽ yên tâm về sự tiến bộ của mình. Nếu
tôi rơi vào chỗ toàn những kẻ kém hơn tôi, tôi vẫn cần không ngừng phấn đấu,
người ta khen tôi mặc họ, hôm sau tôi phải tốt hơn tôi ngày hôm qua. Làm được
như vậy, môi trường toàn những kẻ kém cỏi không phải là một sự cản trở đối với
tôi, nó không khiến tôi dễ thỏa mãn và thoái chí. Nếu tôi rơi vào hoàn cảnh
toàn những người hơn tôi, tôi có thể tạm kém họ, nhưng nếu với sự quyết tâm và
tốc độ tích lũy không ngừng, tháng sau tốt hơn tháng trước, giỏi lên một cách đều
đặn thì cứ như vậy, cứ như vậy, bền bỉ và bền bỉ, một ngày nào đó tôi cũng sẽ
trở thành một người như họ. Khi tôi chưa bằng người ta tôi vẫn không thấy hốt
hoảng bởi một lẽ tôi đang dần tự thay đổi theo chiều tốt.
Nói như vậy không có nghĩa mình chỉ biết có mình và nhìn
mình, đó chỉ là một sự nhấn mạnh. Trong sự cạnh tranh và so sánh, thường thì
cái nhìn về phía người khác, sự so sánh với người khác dễ dàng tạo ra những tác
động lớn tới mình. Trong mọi trường hợp, nhìn về chính bản thân mình là hết sức
quan trọng. Tự ngã thực hiện thực chất là tự đánh giá để có tự tin mà thực hiện,
không gì khác.
Cảm thán của một ngày chăm chú nhìn...
Quốc tế thiếu nhi 1.6.2012
phải luôn tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp
ReplyDelete