Ông Mạnh tử thời xưa có nói: “ Cư di khí, dưỡng di thể”. Đại ý câu này là cư trú có thể làm thay đổi
khí chất, nuôi dưỡng có thể làm thay đổi thể chất con người ta. Cái vế sau của câu thì ý tứ rất rõ. Ai cũng có thể dễ dàng hiểu được rằng: nuôi dưỡng, chăm sóc, chế độ dinh
dưỡng có thể làm thay đổi thể chất của con người, có thể làm cho người gầy
thành người béo, người khỏe thành người khỏe hơn, và cũng có thể biến người khỏe
thành yếu, người yếu thành yếu hơn :). Cứ xem các cháu học sinh phổ thông nghỉ
một tuần tết âm lịch xong cháu nào má cũng phính ra thì đủ thấy sự sinh động của
dưỡng
di thể. Ông Mạnh tử nhiều lần tính toán về việc trồng cây nuôi gia súc để
làm thế nào cho người già có thịt ăn và có áo lụa mặc. Xem ra ông cũng có khiếu
về việc nhà nông và có tư chất nhà dinh dưỡng học. Nhưng có lẽ điều muốn bàn ở
đây là cái ý tứ quan trọng ngụ ở vế trước của câu nói. Mạnh
tử khẳng định khả năng thay đổi cả khí chất và thể chất của con người lệ thuộc
vào nhân tố tác động bên ngoài.
Thể chất chỉ trạng thái mạnh yếu của cơ thể sinh học con
người. Còn khí chất chỉ loại tố chất tinh thần, chẳng hạn yếu ớt hay mạnh mẽ về
tinh thần, nhút nhát hay hùng dũng, can đảm. Khí chất được đề cập ở đây không hẳn
phải là tính nết, là thiên tính đạo đức mà là một chất lượng của thể trạng của
tinh thần, quy mô tầm vóc của thể trạng tinh thần đó. Câu cư di khí, có thể hiểu theo một đại ý là:
chỗ đứng, vị trí xã hội có liên hệ với khí chất của con người. Sự thay đổi và
chuyển dời vị trí xã hội có thể kéo theo sự thay đổi về khí chất. Cũng là con
người ấy, ngày hôm trước là anh điền xá lang thì ăn nói rụt rè, không dám
nói to, không dám nghĩ tới việc lớn. Nhưng hôm sau đăng thiên tử đàng có thể lời
nói của anh ta đã thêm phần gang thép, ăn nói hiên ngang, suy nghĩ hoằng đại,
uy phong lẫm liệt, đi đứng hùng dũng. Hôm qua còn là học viên, dự hội thảo khoa
học thì nói năng thiếu tự tin, rào trước
đón sau năm bẩy lần mới trộm nghĩ, lạm bàn vài câu. Nhưng vài hôm sau nhận bằng
tiến sĩ, có thể vẫn là điều ngày hôm trước trình bày, nhưng nay thì ăn nói hiên ngang: theo tôi nghĩ thì phải là thế này, vấn đề này
tôi là chuyên gia... Sự thay đổi chỗ đứng trong xã hội thực sự kéo theo sự chuyển
đổi khí chất của con người, mà khí chất này tác động tới tư duy, tính toán, ứng
xử, hành động và quan hệ. Cổ nhân nói “ miệng kẻ sang có gang có thép” cũng là một
tổng kết thực tế về mối liên hệ giữa địa vị và khí chất.
Ngẫm ở đời, nếu sự thay đổi về môi trường làm việc, thay đổi
về phạm vi ứng xử, tầm bao quát và quản lý không kéo theo sự điều chỉnh về những
tố chất tinh thần tương ứng thì người ta không thể hoàn thành sứ mệnh của mình.
Nhưng điều đáng bàn là những cái gì của con người ấy sẽ thay đổi theo cùng với
cái khí chất ấy. Các nhà Nho nhiều thế kỷ trước công nguyên đã tỏ ra có lý khi
lo lắng về điều này. Ông Tử Cống, một đại
gia trong số các học trò Khổng tử, từ nghèo hèn mà dần giàu có nhờ làm doanh
nhân, thấy mình vẫn giữ được những phẩm chất tinh thần tốt đẹp, bèn tới hỏi thầy
Khổng với ý khoe ngầm rằng:
“ Thưa thầy, có một người
khi nghèo mà không nịnh, lúc giàu sang mà không kiêu căng thì thầy đánh giá về
người ấy thế nào? ”.
Thầy Khổng bảo:
“ Cũng tạm được,
nhưng chưa bằng người khi nghèo mà vẫn
an lạc thanh thản, lúc giàu sang mà vẫn hành động đúng theo lễ nghĩa”.
Với loại người thứ hai mà thầy Khổng nói tới ắt phải là bậc
đắc đạo, tu tới độ nhuộm mà không đen được, mài mà không mòn được. Loại này khí
chất cũng có thể thay đổi, nhưng nó là sự đổi thay trên nền tảng một trục tâm,
một trường điều khiển bền vững, nó là sự biểu thị khả biến của cái lõi bất biến,
đó là ĐẠO của nhà Nho. Có cái cốt đó, xuất nhập tiến thoái muôn hình vạn trạng
mà không đánh mất mình, thiếu cái đó chỉ sớm chiều thay đổi, anh ta đã không
còn là anh ta nữa. Thầy Mạnh tử nói tới những tính khả biến, tính dễ thay đổi của
con người để lưu ý tới việc kẻ sĩ hiểu điều cần làm, hiểu rằng nhân tính khả tố để tự định liệu.
Cuộc đời nhiều thay đổi, người ta thực nhỏ bé như cánh cỏ bồng
cỏ cảo trước gió, tìm chỗ bấu víu tinh
thần để trụ cho được trước phong ba quả là cần thiết nhưng chẳng phải dễ dàng.
Thể chất cũng có liên hệ khăng khít với khí chất. Mỗi ngày cần ít
nhất 30 phút để luyện thể thao với niềm
hy vọng: dưỡng di thể.
( Mồng một tết
nguyên đán Nhâm Thìn, tức 23/1/2012 tây lịch. khai blog đầu xuân)
Kính chào Thầy!
ReplyDeleteNăm mới Nhâm Thìn 2012, được đọc bài khai blog của Thầy về chủ đề thể chất và khí chất, địa vị và khí chất, em rất cảm ơn Thầy đã cho những nhận thức hữu ích để vận dụng trong cuộc sống.
Kính chúc Thầy năm mới nhiều sức khỏe, thành công ở cương vị mới, hạnh phúc!
Học trò NBC
bài khai xuân rất ý nghĩa
DeleteBài viết của thầy thật là một tâm sự, một lời nhắn nhủ rất ý nghĩa đầu năm, khi mà mỗi người đều đang ước nguyện sức khỏe, thành công và những điều mới mẻ tốt lành cho năm mới. Kính chúc thầy nhiều niềm vui trong công việc và luôn có thời gian luyện thể thao để "dưỡng di thể" và... viết blog ạ!
ReplyDeletebản lĩnh, tinh thần và nghị lực phải tốt thì mới thành công
DeleteCảm ơn mọi người rất nhiều về sự chia sẻ và cổ vũ. Chúc tất cả một năm mới thật vui và mọi việc đều đẹp đẽ.
ReplyDeletebài viết rất ý nghĩa
ReplyDelete