Tuesday, November 08, 2011

LÀM THẦY KHÓ, LÀM TRÒ CŨNG CHẲNG DỄ




Xưa nay người đi học đối với thầy và với học thuật của thầy tồn tại nhiều loại thái độ khác nhau. Trong trường hợp ông thầy là một học giả, một người có uy tín học thuật thì mối quan hệ  hay cách nhìn của học trò đối với đạo của thầy ( và đương nhiên là với cả thầy)  thường thể hiện thành vài loại thái độ:
Loại thái độ thứ nhất: càng học, càng đọc, càng theo thầy, càng nghiền ngẫm về đạo của thầy, càng hiểu càng thấy thầy mình cao vời vợi, càng nghe càng thấy thầy như Thái sơn Bắc đẩu sừng sững không thể và không cách gì với tới, chưa nói chuyện vượt qua. Học trò càng học càng  thấy mình nhỏ bé yếu đuối. Đây có thể là một cảm giác mà học trò đối mặt, cảm nhận thấy một cách nghiêm túc thực sự. Dĩ nhiên  đó cũng có thể là một biểu thị khiêm tốn, hoặc để tôn cao thầy. Cá biệt cũng  có người đề cao thầy chẳng phải vì thầy mà là một cách gián tiếp tôn cao mình. Các trường hợp này có thể tìm thấy khá phong phú trong lịch sử giáo dục.
Trong các học trò của Khổng phu tử, chúng ta biết người học trò được ông yêu quý nhất là Nhan Hồi. Nhan Hồi là cao đệ bậc nhất được Khổng tử công khai thừa nhận và không tiếc lời ngợi khen. Ông kỳ vọng Nhan Hồi có thể kế tục và phát triển được học thuyết của mình. Về phía Nhan Hồi, ông  tiếp thu tất cả những gì mà thầy truyền dạy,  những điều thầy dạy bảo đối với Nhan Hồi đều là chân lý, đều thiêng liêng. Ông “ mặc  nhi thức chi”  một cách tuyệt đối và tiếp nhận trong mọi trường hợp, ngấm một chiều và ngấm một cách tự nhiên, chỉ có hỏi thêm mà không thắc mắc. Cách tiếp thu của ông khiến nhiều người tưởng ông  là người ngu. Ông không hề thắc mắc hay phản ứng gì. Có người cho rằng có thể năng lực trác việt đã khiến ông tiếp nhận được và thấu triệt được tất thảy mọi sự truyền giảng phức tạp  nhất từ thầy, tương tự như cặp thầy trò Thích Ca – Ca Diếp với  câu chuyện về một nhành hoa bốn ánh mắt, hai nụ cười và một Thiền ngữ nổi tiếng.
 Nhan Hồi  nói về đạo của thầy: “Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu. Phu tử tuần tuần nhiên  thiện dụ nhân, bác ngã dĩ  văn ước ngã dĩ lễ, ký kiệt ngô tài nhi hữu sở lập trác nhĩ. Tuy dục tòng chi, mạt do dã dĩ” ( Luận ngữ. Tử hãn) ( Càng ngẩng trông càng thấy cao, đục đẽo vào càng thấy cứng, vừa thấy đằng trước, thoắt đã đằng sau. Phu tử giỏi dẫn dắt người từng  bước từng bước, lấy văn mã mở mang cho ta, lấy lễ mà ước thúc ta, ta đã vận dụng hết khả năng của mình mà vẫn thấy đạo của thầy sừng sững trước mặt. Ta muốn theo đạo đó, nhưng chắc chỉ được phần nào mà thôi)
 Trong lời Nhan Hồi tán dương đạo của thầy, ta thấy có cả tiếng thở dài bất lực của người học trò vĩ đại này. Nhà nho thường nói tới tinh thần Khổng Nhan lạc xứ, tức cái vui, cái lạc thú của Nho gia trong việc tu thân dưỡng tâm, trong cuộc sống nho môn đạm bạc, nhưng ở đây rõ ràng không phải lúc nào họ cũng vui, lúc nào cũng lạc cả, thế mới là cuộc đời. Chữ Lạc của Nho là nói về thái độ sống, là nói tới việc tu dưỡng, còn ở đây nhìn từ góc độ nhìn nhận và đối đãi với học thuyết của thầy, Nhan hồi có chút bi kịch, bi kịch của học trò bị ngợp trong học thuyết của thầy. Ông  cố gắng biến mình thành một hiện hữu sống của đạo đức theo mẫu mực mà Khổng tử mong muốn. Khổng tử khen Nhan Hồi là người hiếu học, chỉ duy nhất ông được khen như vậy. Khi Nhan Hồi chết, Khổng tử nói hiện không còn ai hiếu học nữa.     
Ông Trình Hạo đời Tống ca ngợi việc học của Nhan Hồi[1], kiên quyết cho rằng nếu ông không chết sớm thì rất có thể  sự học sẽ đưa ông tới sự chuyển hóa mà thành thánh nhân, tiếc rằng ông đã không sống được tới ngày đó, vì thế ông chỉ là bậc hiền giả mà thôi.  Nếu ông sống tiếp, có thể ông vẫn cứ thành thánh nhân với mẫu mực đạo đức tuyệt vời. Ta cũng không  biết  sau khi thành thánh nhân trông ông có tựa kẻ ngu nữa hay không. Nhưng cứ giả sử như Nhan Hồi  không chết sớm, sự tôn sùng đạo của thầy đã khiến ông không mảy may nghi ngờ, và vì thế khó có thể phát triển được học thuyết của thầy. Đã thấy đạo của thầy tận thiện tận mỹ thì hẳn sẽ không nghĩ tới việc thêm vào hay sửa đổi cho tốt thêm. 
 Khác với Nhan Hồi, Tăng Sâm lại là một mô thức khác hẳn. Ông  không được khen ngợi như Nhan Hồi, nhưng cũng được Khổng tử coi là học trò giỏi và thường giảng giải cho những điều cốt yếu. Tăng Sâm  không bị choáng ngợp trước thuyết của thầy, ông luôn tỏ ra chủ động nắm được điều cốt yếu, then chốt, điểm quán xuyết học thuyết của thầy. Luận ngữ  còn kể lại, một lần Khổng tử nói với Tăng Sâm rằng: “ Sâm hồ, ngô đạo nhất dĩ quán chi”. Tăng Sâm chỉ  khẽ “ dạ”. Khi thầy Khổng đi ra, những người khác hỏi Tăng Sâm rằng thầy vừa nói điều gì, Tăng Sâm  trả lời, đạo của thầy chẳng qua chỉ là  trung thứ mà thôi. Tăng Sâm đã liễu ngộ được điểm cốt yếu của đạo thầy.
Loại thái độ thứ hai:  Mới được thầy truyền cho chút ít đã thấy mình cũng chẳng kém ai, cũng vĩ đại rồi, tri thức nhân loại chỉ có chút thế mà thôi, ông ấy thì chẳng có gì là lớn cả. Nếu thực tế đạo của thầy chẳng ra gì thật thì không có gì phải bàn, nhưng cũng nên bày tỏ sự tôn trọng mà tìm người khác giỏi hơn để mà học. Nguy hiểm thực sự là kẻ được học người giỏi mà không thấy thầy hay, khinh mạn cho rằng mình hơn người, hơn thầy rồi.  
          Thái độ cầu học và đối đãi với sở học của thầy quả là không dễ dàng gì. Sùng kính thái quá mà thấy mình nhỏ bé đi cũng không nên. Khinh mạn, tự cao mà không biết tôn trọng thầy đương nhiên là khiếm khuyết về cả đạo đức lẫn trí tuệ.  Kẻ minh triết có lẽ là cần sáng suốt tự thủ, thầy dẫu thật giỏi cũng nên cố học, cố tìm cái gì còn có thể bổ khuyết để cầu tiến, thầy chưa thật giỏi thì cũng phải biết trân trọng những gì mà thầy đã tạo ra để làm thêm, để đi tiếp. Trân trọng những giá trị tri thức, tinh thần dù nhiều dù ít mà thế hệ trước tạo dựng, coi đó như nhũng viên gạch đặt nền cho ta cao thêm. Đương nhiên, làm được thế trò cũng không thể là loại xoàng, thầy cũng phải là người đáng làm thầy, đủ để dẫn dắt học trò.
Làm thầy khó, làm trò cũng chẳng dễ
                             (11.2011. Nhân đọc lại bài Nhan tử sở hiếu hà học luận )



[1] Xem :" Cận thư lục - Nhan tử sở hiếu hà học luận"