Thursday, August 09, 2012

VÀI CHUYỆN TẢN MẠN CÓ LIÊN QUAN TỚI NGƯỜI NHẬT BẢN

Có mấy mẩu chuyện vụn vặt nghe được chỗ này chỗ kia, kể lại để ... mà kể.

1. Tôi có một anh bạn người Nhật, anh ấy là giáo sư của Đại học Tokyo. Chúng tôi có một thời gian cùng làm việc tại một viện nghiên cứu, buổi trưa chúng tôi thường cùng ăn trong nhà bếp. Ai cũng có phần thức ăn mang theo. Ngày nào cũng giống như ngày nào, tôi thấy anh bạn Nhật lấy bọc thức ăn ra từ trong balo. Đó là chiếc khăn trắng buộc chéo hai góc rất cân đối. Anh ấy thường rất thong thả mở chiếc khăn, lấy chiếc hộp gỗ rất vuông, gỗ rất đẹp, trong có nhiều ngăn. Một ngăn đựng cơm và mấy ngăn còn lại đựng thức ăn. Cơm của anh ấy luôn đóng từng miếng vuông như cơm nắm của dân đi cày. Anh ấy có một đôi đũa bằng kim loại, có khớp nối ở giữa có thể gập mở như con dao nhíp. Sau mỗi bữa ăn, anh ấy rửa đồ đạc ngay, rồi lấy giấy lau chúng rất lâu, rất tỉ mỉ gấp chúng lại, sau cho vào hộp, lại gói lại, buộc hai góc cân đối và đẹp như ban đầu. Anh ấy  tập trung vào công việc của bữa ăn như đang tọa thiền. Bữa ăn, các dụng cụ, từng động tác như biểu thị của một loại công nghệ cao.

 2. Một người khác kể lại cho tôi nghe như sau:  Tôi (người kể cho tôi) từng xem một anh bạn người Mỹ đứng in mấy tờ handout cho một lớp sinh viên  do anh ấy dạy học, tôi thấy anh ấy cứ in đi in lại vì phát hiện ra sai chỗ này sai chỗ kia, dù chỉ là một dấu câu bé tí. Tôi bảo, sao không dùng bút chì thêm vào cho nhanh. Anh bạn ấy đáp: "Sinh viên tớ dạy là người Nhật. Tớ phải làm việc với người Nhật."

3. Xe Mercedes của nước Đức lắp ráp tại Nhật Bản giá thành bán cao hơn nhập nguyên chiếc từ chính hãng. Lý do vì người nhật tin vào công nhân Nhật trong quá trình lắp ráp hơn bất kỳ ai.

4. Có một món bánh truyền thống của người Nhật ( không thể nhớ được tên bánh). Món này trước khi ăn nhất định phải tưới nước sốt. Đó là một thứ vừa ngọt vừa chua, có người ăn bánh đó thì thích nhưng riêng cái vị nước sốt thêm vào kia thì không. Người đó yêu cầu đừng cho nước sốt vào, nhưng người bán hàng không bao giờ nghe. Lý do vì phải có nước sốt đó thì mới thành bánh đó, thế mới đúng với thông báo bán hàng. Người mua ( một giáo sư Việt Nam) đành bó tay, vẫn luôn phải mua với cả nước sốt rồi mang ra một chỗ, tìm cách gạt chúng đi trước khi ăn. Cũng có đôi lần rỗi rãi và cộng với nhiệt tình, người bán hàng có giúp đỡ vị giáo sư kia gạt bỏ nước sốt. Nhưng đừng hy vọng lần sau anh ta không cho vào.

Ngày 7.8.2012 trong lúc ngồi rỗi ở sân bay Narita/ Tokyo

2 comments:

  1. Thưa Thầy!
    Những chuyện tản mạn Thầy kể thật hấp dẫn về người Nhật. Tính "công nghệ cao" thể hiện trong mọi suy nghĩ và việc làm của người Nhật mà bất cứ quốc dân nào cũng cần học hỏi và tiếp thu, nhưng chắc chỉ có người Nhật mới nghĩ và làm được như người Nhật phải không Thầy?
    Thầy "kể lại để ... mà kể" nhưng thực chất là để mong muốn người Việt mình nghĩ và làm được một phần nào như người Nhật đấy mà.
    Em lại hình dung và xin tản mạn tiếp câu chuyện cuối của Thầy!
    Vị Giáo sư Việt Nam cũng có lần rảnh rỗi ở sân bay, rất thích ăn bánh đó nhưng riêng cái vị nước sốt thêm vào bánh thì không. Dù Giáo sư có yêu cầu người bán hàng đừng cho nước sốt vào, nhưng người bán hàng không bao giờ nghe. Ôi thôi! Đành bó tay!
    Giáo sư ấy “vẫn luôn phải mua với cả nước sốt rồi mang ra một chỗ, tìm cách gạt chúng đi trước khi ăn một cách cẩn trọng theo quy trình “công nghệ cao”: Từ từ mở chiếc bánh ra rồi đặt lên đĩa trên bàn ăn, từ từ lấy thìa/dĩa và từ từ gạt nước sốt ra khỏi bánh, gạt đến khi không còn chút nước sốt nào dính vào bánh nữa thì ... ngồi nghỉ một lát. Chuẩn bị ăn thì lại thấy một chút nước sốt còn dính, vị Giáo sư lại từ từ gạt đi bằng hết. Người bán hàng lúc này ngạc nhiên! Giáo sư hiểu ý và nói ngay một câu tiếng Nhật, đại ý là: Tôi là người Việt dùng món ăn Nhật theo công nghệ Nhật ấy mà!
    Cả người bán hàng và Giáo sư người Việt đều phá lên cười và Giáo sư bắt đầu từ từ ăn!
    Thật là thích!
    Kính chúc Thầy có chuyến công tác an lành và thành công!
    Học trò.

    ReplyDelete