Sunday, June 26, 2011

BẢN LĨNH VĂN HÓA


Về một số  sự kiện có liên quan tới Nho giáo trong thập kỷ 70 thế kỷ XI ở Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:
Canh Tuất, Thần Vũ nhị niên…Thu, bát nguyệt, tu Văn miếu, tố Khổng tử, Chu Công cập Tứ phối tượng, họa Thất thập  nhị hiền tượng, tứ thời hưởng tự. Hoàng thái tử lâm  học yên[1](Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070], (Tống Hy Ninh, năm thứ 3).  Mùa thu, tháng 8, sửa Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ hình Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.)
  5 năm sau, lại có một  sự kiện khác được ghi:
Ất Mão tứ niên, xuân nhị nguyệt,  chiếu tuyển Minh kinh bác học cập thí Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, tiến thị đế học[2]( Ất Mão, [Thái Ninh] năm thứ 4 [1075], (Tống Hy Ninh năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.)
  Đây là các sự kiện diễn ra vào cuối đời vua Lý Thánh Tông, đầu đời Lý Nhân Tông, chỉ cách nhau 5 năm. Có thể xem đây là chuỗi các sự kiện liên tục thể hiện sự triển khai có hệ thống, chủ trương tiếp nhận Nho học và sử dụng chữ Hán phục vụ cho việc chuẩn bị và nâng cao năng lực cai trị cho các ông vua đương nhiệm cũng như vua tương lai cùng toàn thể bộ máy quan lại.
Những sự kiện này có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử tư tưởng, trong lịch sử giáo dục khoa cử Nho học, nó cũng là điểm mốc của sự lựa chọn hệ tư tưởng. Người ta thường nói hệ tư tưởng chính thống thời  Lý - Trần là Phật giáo, điều đó không sai, nhưng  phần ý thức hệ chi phối thực chất các hoạt động chính trị  là một phức thể Phật giáo- Nho giáo,  thậm chí cốt lõi bên trong của chính trị  lại chính là Nho giáo.
Ông Alexey B. Polyakov, một học giả người Nga cho rằng, Văn miếu là tên gọi chỉ xuất hiện ở Trung Quốc đời Minh và ông chứng minh rằng chưa thể có chuyện xây văn miếu năm 1070 tại Việt Nam. Ông cũng đưa  ra chứng cứ rằng,  Việt sử lược một tác phẩm sử quan trọng trước thế kỷ XV đã không ghi gì một sự kiện mà theo ông là rất quan trọng như việc xây Văn miếu[3].
Tôi nghĩ rằng, có thể năm 1070  chưa có một nơi thờ tự và học tập chính thức gọi là Văn miếu, nhưng rất có thể đã có một nơi thờ tự Khổng tử và tiên hiền và một  tên gọi của nó có thể khác. Thậm chí một nơi thờ tự Khổng tử còn có thể có từ trước cả thế kỷ XI. Chúng ta chú ý tới chữ  “ tu”, tu  là sửa chữa, cũng có khi dựng mới người ta cũng có thể gọi là tu, nhưng nghĩa chính của nó phải là sửa chứ không phải là xây dựng mới. Xây dựng mới thường người ta dùng kiến  hoặc lập, hoặc tạo,  tạo lập, như vậy có khả năng trước đó đã có nơi thờ tự Khổng tử, nhưng tên gọi có thể khác và thời điểm 1070 về trước chưa có tượng Khổng tử, tượng  tứ phối và tranh vẽ  Thất thập nhị hiền. Thời điểm 1070 nơi thờ tự cũ được tu sửa và đợt tu sửa này người ta đã đặt thêm tượng và điều chỉnh nghi thức thờ tự. Dĩ nhiên đây cũng mới dừng ở một phán đoán. Điều đáng chú ý nữa là, Văn Miếu được tu, nhưng không chỉ là nơi thờ tự không, nó còn kiêm làm nơi giảng học. Ông thái tử đã tới đó để học. Và như vậy ngay từ thời cuối thế kỷ XI, Văn Miếu đã là nơi thờ tự kiêm nhà học. Chỉ có điều lúc đó nó chưa có tên gọi Thái học hay Quốc tử viện như các tên gọi và trường sở  thời kỳ sau. Thái tử tới học Nho giáo là một định hướng tư tưởng cho ông vua và cả triều đình trong tương lai.
 Chúng ta đều biết, nền giáo dục Nho học đã được truyền bá tới Việt Nam từ trước thế kỷ X. Khi  nền Nho học đã  được chú ý hơn vào thế kỷ XI, việc cho tu bổ ( hoặc xây dựng mới) một nơi thờ tự kiêm nhà học cho quý tộc là việc hoàn toàn có thể có. Các tác giả  Việt sử lược với tính chất là những sử gia chịu ảnh hưởng rất đậm của Phật giáo, như ông Tạ Chí Đại Trường gọi là các sử gia Tăng Đạo[4], thì đương nhiên các sự kiện về Nho giáo  sẽ ít được chú ý, nó  không quan trọng như cách nhìn của Ngô Sĩ Liên và các sử gia Nho giáo đời sau. Những tư liệu đó khiến người ta dễ có ấn tượng về Nho giáo các giai đoạn Lý -Trần mờ nhạt hơn  thực tế mà nó có thể có. Tương tự như vậy, dưới ngòi bút sử học của Ngô Sĩ Liên trong  Đại Việt sử ký toàn thư, Phật giáo vắng vẻ tàn tạ hơn là đã từng  có trong thực tế. Sử bút của họ đã chọn lọc. 
Năm 1075, có hai sự kiện  cùng diễn ra vào   tháng 2. Một kỳ tuyển Minh kinh bác học và một kỳ thi Nho học tam trường. Hai sự kiện này được ghi liền nhau khiến người ta dễ cho chúng chỉ là một, nhưng xét kỹ ta thấy nó thực sự là hai việc khác nhau: Một kỳ xét tuyển, có tính chất sát cử, tuyển cử những người am hiểu kinh điển. Minh kinh bác học từng là tên của một trong số các  kỳ sát cử thời Hán và sau được dùng lại cho một số khoa thi tiến sĩ thời kỳ Tùy-  Đường. Như vậy dẫu là tên khoa thi, hay kỳ tuyển cử chọn người thông hiểu kinh điển, thì nó cũng có tính chất một kỳ tuyển những người có trình độ Nho học cao. Kỳ tuyển cử này có thể là cung cấp thầy dạy cho Văn Miếu. Lê Văn Thịnh đã trúng tuyển trong kỳ  tuyển cử này. Còn tiếp sau đó có một kỳ thi “ thí” nho học tam trường, một kỳ thi Nho học ở cấp độ cao nhưng chưa hoàn chỉnh. Ông Lê Văn Thịnh, một người có trình độ Nho học được làm Thái sư ( tức người dạy vua và đảm nhiệm một trong Tam Thái, ba chức vụ quan trọng nhất triều đình). Sự kiện 1070 cho thấy thái tử phải tới học Nho học ở Văn Miếu và sự kiện 1075  cho thấy vua được học một người Nho học. Nho giáo đã là tri thức các vua cần học.
 Như vậy, thời điểm cuối thế kỷ XI đã có một nơi thờ tự và giảng học Nho học bậc cao, mang tính chất cung đình. Triều đình đã có một trường học thực sự, ở trường đó dạy Nho học. Đã có chế độ tuyển cử Nho học và khoa cử thi Nho học tam trường. Việc dạy  Nho giáo đã tách ra khỏi trường học chùa chiền và việc dạy tri thức Nho học đã không còn hoàn toàn trong vòng bao quát của các vị cao tăng.
Tôi đặc biệt chú ý tới thời điểm diễn ra các hoạt động có tính định hướng và kiến tạo cho Nho giáo này tại Việt Nam phần quan trọng vì chúng diễn ra cùng lúc với việc chuẩn bị  cho cuộc đương đầu Lý – Tống. Cuộc đối đầu giữa Lý Thường Kiệt và quân Tống nổ ra vào năm 1076, nhưng để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn, người ta cần tiến hành từ nhiều năm trước, tức các hoạt động chuẩn bị cho cuộc đương đầu quân sự này với các hoạt động tư tưởng, học thuật nói trên đã được diễn ra song song, đồng thời.  Các vua Lý vừa chuẩn bị chống Tống  vừa triển khai những bước đi đầu  tiên của quá trình thể chế hóa, chính thức hóa địa vị của Nho giáo, lựa chọn và đưa Nho giáo vào thành phần của  hệ tư tưởng chính thống.
Vào thời kỳ nền văn hiến dân tộc vẫn còn ở buổi ban đầu, bản lĩnh quốc gia và những truyền thống lớn của dân tộc còn đang trên đường tạo lập mà sao tiền nhân lại bản lĩnh đến vậy, một loại bản lĩnh văn hóa. Chỉ với bản lĩnh văn hóa thực sự, các vua Lý mới vừa chuẩn bị cuộc chiến với nhà Tống, cả chủ động và bị động, khẳng định độc lập cùng với việc tiếp nhận văn hóa, học tập những yếu tố văn hóa mà tự mình thấy cần thiết, mình còn thiếu. Khí thế dân tộc đang lên, dân tộc đang trưởng thành thời đó đã tạo ra một loại khí chất và năng lượng mạnh mẽ.
 Tiếp nhận những giá trị văn hóa, tri thức, học thuật tốt đẹp của người để làm giàu cho mình  luôn là việc làm khôn ngoan của mọi dân tộc. Không để loại cảm xúc này lấn án lý tính kia, đó chính là bản lĩnh.
Bất dĩ nhân phế ngôn, bất dĩ ngôn phế nhân




[1] Đại Việt sử ký toàn thư. 1998. Khoa học xã hội. Hà Nội. Dịch theo bản khắc in 1697. Tr131.
[2] Đã dẫn. Tr 132.
[3] Xem Alexey B. Polyakov . Vai trò của Nho giáo ở Đại Việt thời kỳ hậu Lý sơ ( 1010-1127). Bài trình bày tại hội thảo khoa học 1000 năm Vương triều Lý, Hà Nội 2009.
[4] Tạ Chí Đại Trường. 2004.Văn mới, California. Dòng sử ký tăng đạo.

Monday, June 13, 2011

TƯ TƯỞNG QUÝ SINH CỦA NHO GIA- nhân bàn về tâm lý mong chết toàn thây và hoạt động hiến tạng hiện nay



Cách đây ít hôm có người hỏi tôi về vấn đề có liên quan tới quan niệm mong muốn chết toàn thây trong văn hóa và tâm thức người Việt, điều này có liên quan tới  tạo dư luận cho việc hiến tạng cứu người hiện nay. Tôi cũng chưa trả lời được vì thấy vấn đề  khá phức tạp và cũng chưa từng suy  nghĩ thấu đáo về điều này. Nó có liên quan tới nhiều loại tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, đặc biệt có liên quan nhiều nhất là tư tưởng Nho gia mà chúng ta chưa hiểu hết. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy rất dễ có sự hiểu nhầm việc đề cao chết toàn thây của Nho gia và rất dễ có  chuyện người ta chỉ nhìn nó với chiều tiêu cực, cổ hủ, cản trở, vì vậy tôi thấy cần thiết viết mấy dòng sơ lược bày tỏ sự hiểu biết còn ít ỏi của mình về vấn đề lớn và phức tạp này.
Rõ ràng trong phong tục tập quán và  trong tâm thức của người Việt, chết không toàn thây là điều đau khổ, là sự không thỏa mãn hay bất hạnh đối với người sắp qua đời nếu còn có ý thức về điều đó và gây thương xót cho người sống là thân nhân. Việc hiến tạng vì thế không được nhiều người hưởng ứng, nó có rào cản về tâm lý và phong tục. Suy nghĩ về nguồn gốc của tập tục này, tôi nghĩ phần nhiều nó có gốc từ quan niệm của Nho gia.
Với những gì tôi hiểu thì Đạo gia không  thực sự quan tâm và đặt thành vấn đề lới đối với việc chết có toàn thây hay không. Đạo gia chỉ quan tâm tới chuyện sống hay là chết. Điều Đạo gia quan tâm là làm thế nào đừng chết, chết càng chậm càng tốt, sống càng lâu càng hay, làm thế nào để tránh được cái chết trong trường hợp không đáng chết. Đạo gia phê phán cái chết làm uổng phí sinh mệnh, cho rằng người anh hùng chết vì nghĩa và kẻ trộm cướp bị người ta đánh chết giống nhau ở một điểm là đều chết. Vấn đề là làm sao đừng chết. Đạo gia đề cao sự sống, sinh mệnh, nhưng lại có quan điểm rất phóng khoáng về  vấn đề thi thể sau khi chết.
Một câu chuyện trong sách Trang tử có thể kể lại tương đối theo trí nhớ rằng: 
“ Khi Trang tử sắp chết, học trò nói với ông: Thưa thầy, sau khi thầy chết chúng con xin hậu táng cho thầy ( tức tùy táng theo nhiều thứ và quan quách phức tạp).
Trang tử bày tỏ: “ sau khi ta chết, các con cứ đem quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong.”
Học trò nói một cách đau khổ: “ Không được thưa thầy, như vậy diều quạ sẽ rỉa xác thầy mất”
Trang tử cười mà rằng: “ Nếu các con đem chôn ta dưới đất, thân xác ta sẽ là mồi ăn cho  sâu kiến giun dế  ở dưới đất, và như vậy các con đã cướp miếng ăn của diều quạ đem ban cho sâu kiến giun dế, sao các con lại thiên vị như vậy. Các con cứ quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong, các con có thể cho thêm gì vào cỗ quan tài vũ trụ của ta không?  ta có mặt trăng mặt trời và các vì tinh tú là những vật chôn theo trong cỗ quan tài rộng lớn của ta, ta có mặt đất rộng lớn làm quan quách của ta, các con có thể bỏ thêm vào quan tài của ta những gì hơn thế  được không? Thôi, hãy quẳng xác ta ra ngoài đồng là xong”( Nam Hoa kinh).
Câu chuyện này có nhiều tầng ý nghĩa, nó cho thấy tinh thần cực phóng khoáng, rộng lớn tiêu dao của nhân sinh trong khoảng vũ trụ bao la không để cho bất kỳ một thứ lễ nghi vụn vặt nào trói buộc. Nó cho thấy việc người ta quá băn khoăn với việc ta ma thương khóc, chôn cất tốn kém linh đình khuynh gia bại sản là việc làm vô nghĩa, là tổn hại cuộc sống của người tại thế. Nó cũng cho thấy Đạo gia không quan tâm nhiều tới việc toàn thây hay không để đi về thế giới bên kia. Phật giáo trong quan niệm về luân hồi, về kiếp sau cũng có liên quan tới sự ảnh hưởng của hình xác không toàn vẹn tới đầu thai kiếp sau. Ở đây tôi chỉ đề cập tới một loại quan niệm khá phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng tới quan niệm mong muốn chết toàn thây, đó là quan niệm của Nho gia.
 Nho gia cho đây là vấn đề liên quan tới đạo hiếu, tới danh dự, phạm trù phúc đức. Có thể quan niệm về chết toàn thây hay không có nguồn từ tôn giáo cổ đại của Trung Quốc- Vu giáo. Điều này tôi chưa có điều kiện tra cứu, nhưng khả năng rất có thể có liên hệ. Nhưng từ thời Khổng tử trở về sau, các văn bản còn lưu truyền thì cho thấy nó liên quan trược tiếp tới quan niệm về Hiếu. Đạo hiếu cho rằng cha mẹ ban cho cái gì thì phải cố mà giữ cho được cái đó, không được làm tổn thất mất mát điều gì.  ( kèm theo là không có con  trai nối dõi là đại bất hiếu). Tăng tử trước khi chết còn nói với học trò: “启予足!启予手!诗云战战兢兢,如临深渊,如履薄冰。而今而后,吾知免夫!小子!”(论语-泰伯第八)“ khải dư túc! khải dư thủ ! Thi vân “chiến chiến căng căng[1], như lâm thâm uyên, như lý bạc băng.”nhi kim nhi hậu, ngô tri miễn phù! Tiểu tử”(Luận ngữ- Thái Bá thiên thứ 8)… Câu trên có nghĩa là: này học trò, hãy mở xem chân của ta, hãy mở xem tay của ta! Kinh Thi có nói:  cẩn thận, thật cẩn thận, như tới gần vực sâu, như đi trên băng mỏng.” Từ nay về sau ta mới biết được rằng ta đã tránh được tội bất hiếu đấy hỡi các học trò. Đối với  Tăng Tử, giữ gìn chân tay thân thể, những thứ mà cha mẹ ban cho cũng phải thường xuyên, phải cẩn thận đặc biệt như là đi tới gần vực sâu, như đi trên băng mỏng. Đó là việc khó khăn, là việc không thể xem nhẹ, không thể lơ là. Tới  tận khi sắp chết ông ta mới thực sự an tâm rằng mình sẽ còn một thân thể vẹn nguyên để đi gặp cha mẹ nơi suối vàng. Chân tay của ông ta còn đủ  cả không mất mát phần nào để đi gặp cha mẹ thì người đó cảm thấy sung sướng thanh thản mà chết. Mối quan tâm của nhà nho trước khi chết không phải là chỗ chết rồi sẽ đi về đâu, cuộc sống sau khi chêt sẽ ra sao, mà là đời ta đã trải qua có tỳ vết gì không, có tội lỗi gì không, có toàn vẹn để gặp cha mẹ tổ tiên hay không? Vì thế một việc hết sức quan trọng của nhà nho là làm thế nào bảo toàn được thân thể, không vướng vào hình phạt làm tổn hại thể xác thanh danh.
Nó là tinh thần của đạo hiếu, nhưng suy xét một cách sâu sắc thì thấy nó xuất phát từ quan niệm trọng sinh, quý sinh, thượng sinh của Nho gia. Đây là điểm giống nhau, điểm tương đồng giữa Nho gia và Đạo gia. Nó chỉ khác Đạo gia ở chỗ quý sinh gắn liền với đạo đức. Triết lý quan trọng nhất của kinh Dịch, một kinh điển cực quan trọng của Nho gia là  “ sinh sinh chi vị Dịch”,  hay quan niệm về cái Đức lớn nhất  của trời đất là Sinh thành:Thiên địa chi đại đức viết sinh”. Trong thời đại loạn Xuân thu- Chiến quốc, mạng người bị coi như cỏ rác, sự sống và cái chết của dân chúng nằm trong tay một người, thậm chí phụ thuộc vào cảm xúc, tình trạng tâm lý của một người. Trong trường hợp như vậy, Nho gia phải chủ trương một loại triết lý, gọi là  triết lý bảo thân, triết lý này khuyên người ta phải minh triết, để làm thế nào vừa giúp đời được, vừa cứu người được nhưng cũng phải giữ được cái mạng của mình, không hành động cẩu thả bừa bãi. Bạo hổ bằng hà, hữu dũng vô mưu là cái mà nhà nho không tán thành. Triết lý bảo sinh này  khuyên người ta phải biết tiến thoái, xuất xử, hành tàng, “nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư”,” thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn” để sao cho vừa giúp đời vừa giữ mạng mình. Việc xem toàn thây để trở về với cha mẹ là hiếu có ý nghĩa nhấn mạnh việc coi trọng sự sống, giá trị của sự sống, cần phải biết tự bảo vệ mình trong bối cảnh thiên hạ loạn lạc.  Việc nhắc nhở việc có con trai nối dõi thực chất cũng nằm trong  hệ thống việc trọng sinh, trọng sự nối tiếp của sinh mệnh và duy trì sinh mệnh, một điều tưởng giản dị nhưng vô cùng quan trọng của thời kỳ cuộc sống của con người còn quá nhiều điều đe dọa. Nhấn mạnh thận trọng bảo thân, không cẩu thả và coi thường sinh mệnh, nhưng Nho gia vẫn cổ vũ con người trong những trường hợp nhất định vẫn có thể vị đạo tuẫn thân,  sát thân thành nhân, xả thân thủ nghĩa.
 Quan niệm đề cao chết toàn thây  này của Nho gia trong thực tế đã bị người cầm quyền trong quá khứ lợi dụng theo hướng có lợi cho việc cai trị, ngăn chặn phạm tội, nhất là làm loạn và chống lại triều đình. Chết không toàn thây được xem là sự trừng phạt nặng nề có sức răn đe. Phanh thây xé xác được nhắc tới với những gì ghê sợ nhất, ngoài sự đau đớn thể xác, nó còn đánh vào tinh thần của kẻ bị chết lẫn cộng đồng chứng kiến. Gây ra đau đớn tinh thần cho người sống. Chết không toàn thây được xem là  số phận bất hạnh, không ra gì, người ta coi đó là một sự thể hiện  trừng phạt của số mệnh.
Trong các hình phạt xưa, chết toàn thây được xem là ban ơn cho kẻ phạm tội chết, là hình thức gia ân của vua nếu cuộc sống anh ta  có nhiều công trạng, hoặc được xem là đáng chết nhưng tội không quá nặng, hoặc địa vị xã hội đáng được nhận ưu ái…
Quan niệm về sống cẩn trọng, coi trọng sinh mệnh của mình, sinh mệnh của mình không chỉ của mình, không chỉ chỉ liên quan tới cá nhân mình, (mặc dù  pháp luật thừa nhận các quyền đó) là quan niệm tốt có giá trị bền vững của Nho gia để lại. Nó khuyên người ta sống có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. Chuyện sống chết của cá nhân mình không chỉ  là chuyện của mình, nó có thể gây bất hạnh cho người thân và cộng đồng. Nếu ai cũng nghĩ được điều này một cách sâu sắc và cẩn trọng trong hành vi của mình, giảm thiểu dục vọng thì có lẽ sẽ giảm bớt được những cái chết do nghiện hút, và căn bệnh thế kỷ AIDS hiện nay.
 Quan niệm đề cao chết toàn thây trong truyền thống đối với việc hiến tạng ngày nay của người sắp chết quả là một rào cản to lớn. Có những người già tình nguyện hiến tạng, nhưng con cháu lại không muốn vì thương xót. Theo tôi nghĩ ảnh hưởng của quan niệm truyền thống còn rất nặng nề, cần có những điều chỉnh để mở đường cho tư tưởng nhân đạo mới. Cần cổ vũ cho tinh thần cứu một người phúc đẳng hà sa. Coi hiến tạng cứu người là việc lớn tạo nên phúc quả cho thế hệ sau. Điều này không mâu thuẫn với triết lý  bảo sinh quý sinh, sống cẩn trọng, chống tàn hại sinh mệnh, sống cẩu thả, vô trách nhiệm của Nho gia. Hiến tạng là sự lựa chọn chủ động, và vì vậy, nó khác với chết không toàn thây do tai nạn, hình phạt hay những lý do không chủ động khác. Để mở đường cho cũng một loại quan niệm vị sinh trọng sinh- hiến tạng, người ta cần có những chiến dịch truyền thông để điều chỉnh dư luận. Các nhà hoạt động tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo cùng các lực lượng xã hội khác nên cổ vũ cho tinh thần này. 
Nguyễn Kim Sơn
ngày giữa hè 12.6.2011




[1]  Kinh Thi- Tiểu nhã- Tiểu mân

Sunday, June 05, 2011

MẤT NGƯỜI VÀ PHÍ LỜI

Sách  Luận ngữ  có ghi lời Khổng tử như sau:

子曰:「可與言而不與之言,失人;不可與言而與言,失言。知者不失人,亦不失言」 (《論語·衛靈公第十五》) ( Tử viết: “ khả dữ ngôn nhi bất dự chi ngôn, thất nhân; Bất khả dữ ngôn nhi dữ ngôn, thất ngôn. Trí giả bất thất nhân, diệc bất thất ngôn). Có thể dịch nghĩa là: Với người có thể cùng nói chuyện mà không nói chuyện cùng họ, như vậy là bỏ qua mất người đáng nói; Với người không thể nói chuyện cùng mà mình vẫn cứ nói, như vậy là uổng phí mất lời của mình. Bậc trí giả không để mất người , cũng không để phí mất lời. 

Lời Khổng tử ở trên với ý khuyên mọi người trong việc giao tiếp nói chung cần phải minh triết, lúc nào đáng nói, lúc nào không đáng nói, nhưng đồng thời cũng có ý cụ thể nói về việc dùng lời để truyền dạy. Với người nào muốn nghe, người nào đang cần trợ giúp, đang cần truyền dạy, đang cần tư vấn mà mình không mở lòng mà truyền giảng, mà trao đổi, đối thoại hướng dẫn, thì như vậy là đã để mất người.  Thất nhân (mất người) với ý nghĩa là  đáng dạy dỗ truyền thụ, tác thành cho họ để có thêm người tốt cho đời mà đã bỏ lỡ không làm. Điều này rất quan trọng đối với bậc làm thầy. Xét riêng về ảnh hưởng của thầy đối với trò, thầy giỏi chuyên môn chưa đủ, thầy còn phải sẵn sàng truyền thụ, sẵn sàng trợ giúp học trò. Kinh nghiệm của người đi trước có thể rút ngắn và tiết kiệm thời gian cho người đi sau.

Trong giao tiếp với người, và cả trong việc dạy người, phải làm sao cho đừng  để mất người, nhưng cũng đừng để phí mất lời của mình. Người nghe lời ta mà không thể hiểu được, hoặc người không đáng nói mà mình nói, người không muốn nghe mà mình nói, nói với những đối tượng đó là phí lời. Với loại đối tượng này, nói với họ, giảng giải cho họ không những là lãng phí công sức thời giờ, mà đôi khi còn gánh thêm sự bực bội, thất vọng, thậm chí là tai vạ. Vì vậy thánh nhân dạy đừng để phí lời mình, chỗ đáng nói thì nói, chỗ không đáng nói thì thôi.

Có những người tri thức đầy mình, trí tuệ uyên bác, nhưng ít khi cởi mở, quá kiệm lời, chỉ sợ người khác lấy mất ý tưởng của mình, sợ học trò hơn mình, hoặc cố làm cho lời nói của mình trở nên quý giá tới mức ít bày tỏ và truyền giảng cho người khác. Loại này có thể mang theo tri thức của mình xuống mồ một cách lãng phí, hoặc thực sự là họ không có mấy thứ để nói. 

Không để phí lời và không để mất người là loại minh triết ứng xử dành cho người trí thức, đặc biệt là  bậc trí thức đang đảm nhiệm việc giảng dạy truyền thụ tri thức, nghề nhà giáo nói chung. Nó là một thứ triết lý giáo dục, triết lý ứng xử thầy trò và  giao tiếp xã hội. Sự tổng kết này hay, sâu sắc nhưng nó  cũng không dễ thực hiện. Cái khó của nó chính là ở chỗ cứ phải phung phí khá nhiều lời lẽ công sức rồi thì may ra mới biết được rằng ai là người thực sự  muốn nghe ? Thường thì nói xong rồi mới rút ra được rằng mình đã phí lời.  Đó là chưa kể  tới trường hợp biết là nói thì phí mà vẫn cứ phải nói. Đây là trường hợp giảng dạy cho đối tượng  không thích nghe nhưng do hoàn cảnh bắt buộc vẫn cứ phải nói. Nói kiểu này quả là cực hình. Lại có trường hợp biết rằng mất người mà vẫn không thể nói. Đó lại là trường hợp do những hoàn cảnh thật đặc biệt, có những điều đúc rút cho bản thân nhưng không thể, hoặc không tiện nói cho  người khác.

Quan sát cách mà các nhà khoa học, các bậc thầy ngày nay nhận xét học trò, nhận xét nghiên cứu sinh, nhận xét công trình người khác thì ta thấy đạo dùng lời có lẽ phức tạp hơn ngày xưa nhiều. Có những bài nhận xét nghe rồi không rõ thế là khen hay chê, ai hiểu thế nào cũng được. Lại có loại nhận xét  nói vòng nói vo, nói đủ các thứ, nhưng chẳng có gì là thực sự gọi là đánh giá nhận xét cả. Người khen quá lên một chút thì sợ người khác cho rằng chắc cảm tình cá nhân hoặc lý do đặc biệt thì mới khen thế. Chê trách chất vấn nhiều thì người khác lại nghĩ chắc là thầy trò có chuyện, hoặc quan hệ có chiều không ổn, hoặc nhằm hạ uy tín thầy nó…Thường thì nhận xét công trình khoa học của ai đó nhìn vào công trình thì ít, nhìn vào người viết nó, thầy của người viết, nhìn vào cả những người xung quanh để nhận xét.  Có những bản nhận xét có tới ½ nội dung nhằm vào thư mục tài liệu tham khảo và cách chia chương mục, còn các luận điểm, phương pháp thì không động tới bao giờ. Việc chọn từ ngữ cho một lời nhận xét thì  toàn những từ chừng mực tròn vo:  có lẽ, phải chăng, nên chăng, viết thế này thì tốt hơn, góp ý đây chỉ là cho tốt hơn còn không ảnh hưởng gì tới việc đánh giá công trình khoa học này… Với loại nhận xét như vậy thì người viết dễ đẹp lòng, yên tâm, thậm chí sung sướng, nhưng không thấy được chỗ nào là thực sự khiếm khuyết, chỗ nào cần sửa chữa.  Nhận xét thế hình như là vừa phí lời vừa mất người.

Để cho con cháu vài ba thế kỷ sau có tư liệu nghiên cứu về văn phong nhận xét công trình khoa học, cho quốc dân đồng bào hậu thế chiêm ngưỡng, chắc phải tìm cách giải quyết vấn đề bản quyền mà đưa lên blog này vài văn bản nhận xét  tiêu biểu, có như vậy loại văn bản đó mới không thành  thất ngôn  và chúng ta cũng không sợ lỗi thất nhân  với người đời sau.

Đạo dùng lời mới thực khó thay.