Thursday, August 23, 2012

TÍNH HỮU ÍCH CỦA CÁI VÔ DỤNG

Phật giáo luận giải về sự khổ rất đa dạng, có tứ khổ, thập khổ, bát khổ, nội khổ, ngoại khổ cho tới bát bách khổ, vạn khổ... Tức là rất khổ tâm luận về khổ. Nhưng trong các luận giải về khổ vô cùng phong phú đó không thấy cái khổ vì hữu dụng, hay hữu ích. Cũng có thể nó nằm trong " ngũ uẩn thịnh khổ".

Lão tử và Trang tử thì lại đặc biệt chú ý tới cái khổ mà nguyên nhân của nó chính từ sự hữu dụng. Các vị đó nhìn sự hữu dụng như là một thứ nguy cơ, một mối nguy hiểm tiềm năng đe dọa kẻ có nó. Con vật nào thịt ngon thì bị người ta lùng bắt và giết. Cao xương hổ tốt cho gân cốt người dùng nên chúng bị săn bắt ráo riết. Sừng tê giác hữu dụng hơn nữa khiến chúng cũng bên bờ vực tuyệt chủng. Hoa dại thơm và đẹp dễ bị người ngắt hái. Tiếng hót hay của chim là nguyên nhân khiến chúng vào lồng, và mật của gấu,  lông của nhím, ngà của voi...đã làm hại chủ nhân của chúng. Kẻ nào chẳng may bị người khác khen là thông minh, giỏi giang có thể lời khen ấy khiến hắn có thêm vô số kẻ thù. Và kẻ lỗi lạc không thể có số phận bình thường. Ai biết cái gì khổ với cái đó. Không biết làm gì, đầu óc ngu si, hưởng trọn thái bình. Cái Vô dụng mới là điều mà Đạo gia sùng thượng, đề cao, coi đó như một thứ đạo. Đạo để biến mình thành vô dụng, biết cách vô dụng.

Cái vô dụng có từ thuyết của Lão tử, Lão tử trọng ngu, trọng vô ích,   phản đối trí tuệ, càng ngu càng tốt. Lão tử cho cái khôn ngoan là biết đặt mình dưới người, đặt mình sau người. Đang ở cao thì mau xuống thấp, đang ở trước biết ẩn ra sau. Không tiến, không lên, không cao, không đại mà thoái, xuống, ẩn, tàng. Nó đều chỉ cái vô dụng. Triết lý vô dụng của Lão tử có gốc từ triết học tự nhiên của ông. Đạo tạo ra mà không dấu vết, cho không kể công, mẫu mực hơn hết mà không tuyên bố về sự mẫu mực đó.

Vô dụng trong thuyết Lão tử là chỉ cái tự nhiên, thuận tự nhiên, hữu dụng được đưa về phạm trù cái nhân vi. Hữu dụng, tranh, cạnh, xảo,... thuộc về nhân vi. Thực ra cái ngu chân chính mà Lão tử đề cao nhất là loại cái ngu là đỉnh cao của trí tuệ, tức bậc trí giả biết cách làm cho mình như ngu " đại trí nhược ngu". Tức cái ngu chủ động, ngu siêu việt trí chứ không phải ngu thuần túy là ngu. Lão tử bằng vô dụng để mong đạt tới cái đại dụng, đó là bảo thân, duy trì sinh mệnh, hài hòa, xã hội không cạnh tranh, ai ai cũng nhường nhịn, không có chiến tranh... từ đó mà thủ tiêu những tai họa đe dọa con người.  

Trang tử đẩy mạnh quan niệm về cái vô dụng trong phương diện triết lý nhân sinh. Con rùa lết cái đuôi nơi ngòi rãnh để hưởng hết tuổi trời là  tượng trưng cho cái vô dụng. Con rùa được người ta mang về để chết khô nơi chốn miếu đường,   trên bàn thờ thần thỉnh thoảng bị người ta lấy một mảnh mai để cúng, bói là biểu tượng cho sự hữu dụng. Cái cây Vu cây Lịch, nhờ phẩm chất vô dụng, gỗ không dùng được vào việc gì, mùi vị thì hôi thối... nên nó được yên và cao mãi tới nghìn dặm. Vô dụng, theo Lão - Trang có cái  đặc biệt hữu ích của nó.

Từ góc nhìn hiện đại, đề cao vô dụng có cái quái gở của nó. Nó là phản tiến bộ, phản giáo dục, phản nhiều thứ.  Nhưng không phải mọi sự quái gở đều vô lý cả. Thực hư thế nào, tùy nghi chiêm nghiệm.
           22.8.2012

2 comments:

  1. Thưa thầy, em đọc Kinh Dịch và có chút nhận xét: Có thể hiểu sách này theo cách trực ngĩa và đầy cảm tính. Hôm trước em xem thử một quẻ Kinh Dịch, quẻ đó nói rằng "nhụ thủ thất thị = cái đầu mờ mịt thì mất", mỗi nhà bàn câu này một cách, đều rất hay, nhưng cuối cùng quả là em bị mất của vào đúng hôm bị đau đầu....
    Em có thể hiểu Lão tử cũng vậy chăng!

    ReplyDelete