Wednesday, February 08, 2012

Về tôn hiệu tiên hiền Chu Văn An




Hồi đầu năm 2011, trong một cuộc họp tại huyện Thanh Trì, một cán bộ địa phương khi giới thiệu về truyền thống của huyện có nói tới danh nho Chu Văn An với tôn hiệu Vạn thế sư biểu, ông nói rõ rằng, huyện ta tự hào vì có được đấng Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Nghe thế tôi rất lấy làm lạ và  cho rằng có thể là nhầm lẫn của một người, nên cũng cho là không cần đính chính.

Photobucket
Ảnh do tác  giả tự chụp


Cách đây mấy hôm,  có dịp tới dâng hương tại đền thờ Chu Văn An, chính xác là tại Phượng Sơn linh từ, thấy 4 chữ Vạn thế sư biểu đắp to cỡ hàng mét vuông tô màu  vàng để tôn xưng Chu Văn An. Rồi khi nghe văn tế, chủ tế đọc rất rõ ràng nhiều lần tôn hiệu Vạn thế sư biểu Chu Văn An


Photobucket
Ảnh do tác giả tự chụp
Tới lúc đó tôi thực sự choáng. Có quá nhiều người biết rõ ràng rằng Vạn thế sư biểu (Bậc thầy của muôn đời) là tôn hiệu chỉ được tôn cho một người là Khổng Tử. Ngoài Văn miếu, nơi Đại Thành Điện có bức đại tự viết 4 chữ đó, biểu thị sự tôn vinh Khổng tử. Rất nhiều văn miếu các nơi trên thế giới đều có câu này, người ta cũng dùng cụm từ đó để chỉ Khổng Tử, chẳng hạn, “đấng Vạn thế sư biểu có nói rằng”... và ai cũng hiểu đó là Khổng Tử nói.  Vậy mà không hiểu sao nó lại được dùng để nói về Chu Văn An. Có lẽ cái nhầm bắt đầu từ khi bức họa Chu Văn An được đem đặt  trên bàn thờ ngay dưới đại tự “Vạn thế sư biểu” trong Văn miếu Hà Nội suốt một thời gian rất dài. Nó khiến người tới lễ cứ tưởng Đại Thành điện là nơi chỉ thờ riêng Chu Văn  An và bức đại tự đó thể hiện tôn hiệu vị tiên hiền họ Chu.

Tôi nói với ông thủ từ: “Bác ơi, Vạn thế sư biểu là tôn hiệu của Khổng Phu tử, sao bác lại dùng làm tôn hiệu Chu Văn An. Văn Trinh Công là nhà Nho chính trực, khảng khái, thuần Nho giữ lễ, chắc cụ không đời nào lạm nhận danh hiệu đó đâu, bác đừng gọi thế nữa. Chu Văn An cũng là bậc thầy vĩ đại, là người được tiên Nho tôn là “Thượng tường sơn đẩu”, “Truyền kinh chính học”...  Nếu như người Việt Nam mình muốn tôn Chu Văn An là bậc thầy của muôn đời đất Việt thì phải thêm hai từ nữa, thành Việt Nam Vạn thế sư biểu mới được”.

Ông thủ từ nghe tôi nói vậy thì bảo, đại ý: cái này phải báo cáo cấp trên phê duyệt mới được, tôi đọc theo quy định chứ không phải tự ý, các bác thông cảm. (?) 
Ngày 9, Tháng giêng, năm Nhâm Thìn


Wednesday, February 01, 2012

Cái chữ Nhẫn (忍)


Thư pháp của Chương Thiên Khiếu. Nguồn: ở đây

Ngày xuân, qua mấy nhà người quen, thấy nhà nào cũng treo một chữ Nhẫn viết chữ Hán với các trình độ viết, khả năng thư pháp thể hiện rất khác nhau. Thấy nhiều chữ Nhẫn quá mà tự nhiên không thể nhẫn được mà đành bày tỏ đôi dòng. Phải nói cái chữ Nhẫn thật hay. Nín nhịn, chịu đựng, nhường nhịn quả là có thể đem lại cho các quan hệ xã hội nhiều tác dụng to lớn. Chữ Hòa () quả khó đạt được nếu thiếu Nhẫn. Một cá nhân, một gia tộc, một cộng đồng mà biết Nhẫn thì tránh được nhiều điều rắc rối. Nhiều người đã làm cả thơ để diễn nghĩa, tán dương ý tứ sâu xa, tốt đẹp của cái chữ Nhẫn này, rồi thể hiện trên các chất liệu khác nhau, treo trên tường như một loại châm, minh tự răn tự giới. Cứ xem thời thế hiện nay, ra đường nhìn vào mặt nhau đã có thể gây án mạng vì bị quy kết là “nhìn đểu” thì mới thấy cái chữ Nhẫn nó hay đến thế nào. Có lẽ cũng không cần thêm lời ca ngợi sự tuyệt vời của tinh thần nhẫn nhịn nữa. Nhưng cứ nghĩ đi nghĩ lại, nếu một cộng đồng rộng lớn mà mọi người đều Nhẫn, cộng đồng đó là một cộng đồng vĩ đại, đáng kính nể, nhưng nó cũng là một cộng đồng có vấn đề và một cộng đồng tiềm chứa trong nó những nguy cơ tinh thần.


Photobucket
Thư pháp của Trần Đôn Tam. Nguồn: ở đây

Nhẫn có nghĩa là dồn nén, chế ước, áp chế, nhốt chặt cái bất bình, là dùng áp chế tinh thần để chịu đựng cái mà bình thường khó chịu hoặc không thể chịu. Nó là sự cố gắng chấp nhận cái khó chấp nhận. Nín nhịn để cho mọi việc được tốt đẹp. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là cái khó chịu, cái tức giận vẫn còn nguyên đó. Cái gì dồn nèn mãi cũng hại tâm hại khí. Điều này xem ra không có lợi cho sức khỏe. Cứ dồn mãi cái tức vào đó, tới lúc tức nước vỡ bờ, không nhẫn được nữa thì cái sự xả tức giận sẽ thật đáng sợ.


Photobucket
Thư pháp của Lưu Kế Vũ.  Nguồn: ở đây

Triết lý  Nhẫn có lẽ phù hợp với số đông và ở cấp độ thông thường thì nó không quá khó thực hành. Nó là một sự khôn ngoan dành cho cộng đồng. Đối với người tiềm tâm hơn vào việc dưỡng tâm và hy vọng có những ứng xử hiệu quả phù hợp với cá nhân cao hơn mặt bằng tinh thần số đông một chút thì có lẽ Nhẫn không vẫn chưa đủ. Cao hơn Nhẫn là phải biết hỷ xả, biết trút bỏ, phải triệt tiêu sự tồn tại của những nỗi niềm tức giận để nó không những tốt hơn cho quan hệ mà còn tốt cho cả mình.  Sự hóa giải mọi niềm phẫn uất để đạt tới an lạc, tự lạc, tự tại là cảnh giới tinh thần cao hơn Nhẫn. Không chỉ nín nhịn mà có thể mỉm cười với những điều có thể gây ra sự khó chịu bực tức. Như vậy chữ Lạc phải được đặt cao hơn Nhẫn một bậc. Muốn thế phải xả kỷ tòng nhân để không bực tức. Muốn thế phải giữ cho hư tâm như triết lý sống của người quân tử.

Suy cho cùng, Nhẫn hay Lạc hay trạng thái nào đi nữa cũng đều là  sản phẩm của sự tu dưỡng và tự chủ tinh thần, mỗi người với khả năng của mình nên cố gắng đạt tới trạng thái tốt nhất có thể theo một cách phù hợp.