Thursday, September 29, 2011

TƯỞNG DỄ HÓA KHÓ


Có một học giả nước ngoài nhờ chọn 03 tác phẩm Hán văn có tính chất kinh điển trong kho di sản Hán văn Việt Nam, tiêu biểu cho 3 lĩnh vực văn- sử - triết để phục vụ cho chương trình nghiên cứu và giảng dạy của cá nhân ông ta. Nghe nói tôi nhận lời luôn vì nghĩ thư tịch Hán văn nước nhà phong phú tới độ “hãn ngưu xung đống”, số lượng lưu giữ kể tới hàng vạn đơn vị tư liệu, chọn lấy 03 tác phẩm có gì khó. Với ý thức mong muốn truyền bá giới thiệu văn hóa nước nhà cho học giả thế giới tôi hăng hái tiến hành công việc này luôn.
Bắt tay vào việc mới thấy nó không dễ chút nào.  Về sử học, việc chọn còn tương đối thuận lợi,  có thể chọn  Đại Việt sử ký toàn thư, một tác phẩm quan trọng và mẫu mực cho nhiều phương diện của sử học Việt Nam truyền thống, từ phương diện  sử sự, sử bút, sử luận, sử bình, và tư tưởng sử. Nó cũng thể hiện những vấn đề lớn của lịch sử dân tộc trong một thời gian dài. Chỉ có điều tác phẩm này lại không bao quát hết được khoảng thời gian vài thế kỷ cuối của thời kỳ trung đại. Vì lý do đó, có tính tới việc chọn tác phẩm  Việt sử thông giám cương mục, soạn triều Nguyễn là tác phẩm có độ bao quát cao hơn, như vậy đối với tác phẩm sử, công việc chỉ còn là cân nhắc trong một vài tác phẩm.
          Với tác phẩm văn chương chữ Hán, câu chuyện có khó hơn một bậc. Phần chiếm tỷ lệ lớn nhất trong kho thư tịch cổ của Việt Nam là văn chương. Trong đó có cả các nhóm vận văn, tản văn, biền văn, cùng các loại tạp văn tạp ký khác. Thơ phú chiếm số lượng lớn nhất. Mỗi loại tác phẩm có giá trị riêng, mỗi loại mỗi vẻ, chỉ có điều khó tìm được tác phẩm nào mười phân vẹn mười.
          Việc giới thiệu tác phẩm văn chương cho nhân sĩ thế giới chiêm ngưỡng phải chú ý tới nhiều phương diện của tác phẩm,  nghệ thuật văn chương phải xuất sắc, để cho thế giới thấy cái tài hoa của cha ông, so với văn nhân Đường, Tống phải không có kém gì thậm chí phải  hy vọng nó có phần ưu trội. Về mặt nội dung nó phải thể hiện được cái sâu sắc tinh tế của tâm hồn người Việt, khí thế của dân tộc, tinh thần Việt… Theo hướng đó,  chỉ có vài tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, hoặc Nguyễn Du là tiêu biểu, nếu chọn văn xuôi nghệ thuật, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ( Tự) là ứng viên nổi bật. Tuy nhiên, chọn  tác phẩm nào cũng thấy  có cái  ổn cái chưa ổn, sự phân vân vẫn còn chưa hết. Tuy nhiên việc vẫn là khả dĩ.
          Việc khó nhất thuộc về việc chọn tác phẩm triết học. Người Trung Quốc khi chọn 01 tác phẩm tiêu biểu có cái khó riêng do họ nhiều quá, nhưng theo thông tin tôi biết, tác phẩm Chu Dịch được chọn là tác phẩm triết học số một của triết học truyền thống Trung Quốc. Soát toàn kho thư tịch, chọn chưa ra được tác phẩm nào tiêu biểu cho nền triết học Việt Nam. Những tác phẩm có thể điểm danh gồm: Khóa hư lục của Trần Thái Tông; Thượng sĩ ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm; Dịch kinh phu thuyết của Lê Quý Đôn; Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn…Trong những tác phẩm trên chọn một công trình nào cũng thấy chưa ổn.
Khó quá, khó quá…
                                                Tháng 9 năm 2011

Tuesday, September 13, 2011

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ KHUẾCH ĐẠI NHÂN DỤC - thuyên thích mới về bốn chữ tâm truyền của Nho gia: “nhân tâm duy nguy” (人心維危)


Nhân dục là điều mà các tôn giáo đều quan tâm đặc biệt và có thái độ đối xử “rắn” đối với nó.  Phật giáo dứt khoát tuyên bố diệt dục. Những điều răn giới của Phật giáo hầu như đều có liên quan tới nhân dục. Nhân dục được xem là nguồn gốc của vạn khổ. Nho gia thì chủ trương kiểm soát, điều tiết, chế ước nhân dục, làm cho nhân dục phù hợp với quy phạm xã hội, mức độ cao nhất là đồng nhất nhân dục và Lễ (quy phạm xã hội). Các vị đại Nho đời Tống-Minh chủ trương tu dưỡng khắt khe nghiêm cẩn và chịu tác động của Phật giáo nên cũng  tuyên bố “tồn thiên lý diệt nhân dục”. Mười sáu chữ tâm truyền được coi là ấn quyết của Nho gia lần đầu nêu trong tác phẩm kinh điển Thượng thư đã lưu ý truyền đời về sự mong manh của nhân tâm rằng: Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung”. Duy chỉ có học thuyết của Đạo gia được xem là túng dục, tức buông cho nhân dục theo lẽ tự nhiên, không trói buộc. Tuy nhiên đó chỉ là ở nguyên lý coi trọng cái tự nhiên, còn trong phép tu dưỡng, Đạo gia cũng hướng tới trạng thái thanh tĩnh tự nhiên, hư tâm, tĩnh tâm, thiểu tư quả dục. Trạng thái ấy suy cho cùng cũng là thứ nhân dục có chừng mực, phù hợp với đạo tự nhiên vốn đã chí mỹ chí thiện chỉ cần bảo tồn nó. Các triết gia trong học thuyết của mình luôn tìm mọi cách hạn chế nhân dục để bảo vệ sự tồn tại bình ổn của xã hội, bình ổn cho thân tâm các cá nhân. Ai cũng hiểu rằng, nhân dục, quyền lợi của cá nhân và sự bình ổn xã hội, lợi ích xã hội luôn mâu thuẫn với nhau, trái chiều nhau.

Chỗ dựa của kinh tế thị trường chính là nhân dục, là cái mà người ta gọi là “thị hiếu của người tiêu dùng”. Chỉ cần quan sát một số chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ta thấy một sự mời chào vẫy gọi mãnh liệt đối với “thị hiếu” của dân chúng. Những ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi, những chiếc xe hiện đại đời mới, những đồ dùng đa chức năng hấp dẫn, vvv…. được chào mời bằng những lời quảng cáo ngọt ngào còn hơn cả lời Bạch Cốt Tinh: hãy thử xem, chỉ một lần, hãy tận hưởng cuộc sốnghãy nếm thử, “cứ gọi là thôi rồi…sướng … ướng ư ử”… Khẩu hiệu của người sản xuất hàng hóa là: đã làm cho người tiêu dùng thích rồi, còn làm cho họ thích nữa, đã sướng rồi còn sướng nữa, tiện nghi rồi còn tiện nghi nữa, mát rồi còn mát nữa…Còn một loại hàng hóa khá đặc biệt khác với nhãn hiệu Number one thì treo một cái “status” hấp dẫn là “Thỏa sức yêu thương”… Những nhân viên nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng thì đào từng ngóc ngách thị hiếu, xem người ta thích gì thì đánh vào chỗ đó. Và cứ thế, hàng ngày nhân dục được khai thác, được tận dụng, được khuếch trương, được lôi kéo và được làm thỏa mãn. Nền sản xuất hàng hóa nắm cái nhân dục cũng như người nông dân nắm cổ con trâu đã được xỏ mũi mà  lôi đi. Hôm nay thấy  bạn mình có cái váy đẹp mà mình chưa có, tối về thấy khổ sở mất mấy tiếng đồng hồ. Mai thấy bạn mình sắm được ô tô đẹp mà mình vẫn phải đi cái xe máy rách thấy vừa ghen tức, vừa khổ sở, vừa thèm khát. Và nỗi thống khổ giày vò họ ngày này sang ngày khác. Cầu bất đắc khổ, mà cầu thì biết bao giờ cho hết, cái cầu ngày hôm sau lớn hơn cái cầu ngày hôm trước, vì nhân dục đang được chăm sóc và nuôi cho lớn lên. Cầu  càng lớn, thì  bất đắc  cũng sẽ tăng theo. Nhu cầu lớn, khát khao nhiều mà không được làm thỏa mãn, không thể thỏa mãn dẫn tới thái độ thù ghét, hằn học với đời, với người. Ta nào có kém gì nó tại sao nó sướng thế còn ta thì không thể. Những quảng cáo vẫy gọi sự sung sướng là một sự hành xác với người nghèo, khiến người nghèo không thể yên với cái nghèo. Nếu như họ không phải là người có một bản lĩnh và chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa văn hóa nhất định thì con đường hành ác, đạt tới mục tiêu có được giàu sang và đời sống tiện nghi bằng mọi giá là có thể xảy ra. Đó chính là khởi đầu cho con đường của tội ác. Thế mới thấy cái lý tưởng của ông Lão tử về một xã hội không trao đổi tiền bạc tưởng chừng lẩm cẩm cổ hủ Khốt ta bít mà lại có cái sâu sắc của bậc đại triết gia nhìn thấu nhân tâm. 

Chắc chắn rằng nền kinh tế thị trường có tác dụng vĩ đại đối với đời sống con người. Nhu cầu vật chất của con người được thoả mãn là công lao của nền kinh tế thị trường. Nó đóng góp vĩ đại trong việc đem lại hạnh phúc cho con người từ góc độ vật chất, cũng như nhu cầu tinh thần, cũng tức là đem hạnh phúc cho con người bằng cách  làm thỏa mãn ham muốn của con người. Nhưng có ai dám cam đoan rằng, con người của thế kỷ XXI ít khổ hơn con người của thời kỳ Đức Thích Ca Mâu Ni thấu ngộ được chân lý của khổ đế và dồn trí huệ sáng suốt của mình vào việc diệt khổ, giải thoát khỏi khổ. Cái thời kinh tế thị trường, nhân dục được đào sâu, được chăm sóc, được thỏa mãn, được vẫy gọi,  hình như cái khổ của nhân tâm con người lại càng phong phú hơn, càng đa dạng hơn, càng phức tạp hơn, càng nhiều cung bậc hơn. Nhân dục được đẩy lên, một khi  cá nhân không tự đáp ứng được, xã hội không đáp ứng được, thì lúc đó, chính nó là kẻ thù to lớn tàn phá nhân tâm và xã hội. Nó giống như con quái vật mà người ta nuôi làm thí nghiệm khi sổng ra khỏi vòng kiềm tỏa nhảy ra xã hội gây tội ác tương tự như nhiều bộ phim hành động rùng rợn của Mỹ đã tưởng tượng ra vậy.

Nhân dục bị thổi phồng và khuếch trương, chắc chắn khả năng kiềm tỏa và kiểm soát điều tiết cũng khó khăn hơn nhiều. Con người cũng vì kinh tế thị trường mà sướng hơn nhưng cũng vì thế mà nhiều thất vọng hơn, nhiều sự đổ vỡ hơn. Sự chuyển động của kinh tế thị trường nếu không có luật pháp nghiêm minh và cả sự điều tiết mang tính tôn giáo hữu hiệu, sự giáo dục về đạo đức xã hội được đẩy mạnh thì thảm họa đối với nhân tâm con người thực là khôn lường.
Thời mà người ta có thể  giữ tâm an lạc trong cái nghèo đã qua lâu rồi và thời người ta khổ sở trong cả cái giàu lẫn cái nghèo đang tới. Chỉ có bậc trí giả biết tự điều tiết cho nhân tâm mình, biết tri túc và trau dồi những tố chất văn hóa cần thiết, người ta mới có thể giữ cho mình một chữ “tại” ( tự tại) được.

Nhân tâm duy nguy

Hà Nội tháng 9/2011

Saturday, September 03, 2011

BÁN ĐỒ NHI PHẾ (nửa đường đứt gánh)



Trước khi bước vào một hành trình lâu dài  gian khổ, nhất là thực hiện một lý tưởng nào đó,  người ta thường có mấy loại thái độ:
- Thứ nhất, cảm thấy mong muốn được đi, được chinh phục, được dấn thân, bất chấp nguy nan, tự tin vào sức của mình, thấy không gì cản trở được khi mà mình đã có niềm tin, ý chí và năng lực.
- Thứ hai, vẫn có thể  đi vào đường ấy, nhưng tự mình thấy băn khoăn, thấy mình không đủ sức, thấy mình không đủ can đảm, thấy đường xa dặm thẳm phía trước mà toát mồ hôi. Thích thì vẫn thích nhưng đi mà lòng còn đầy phân vân.
Với loại thứ nhất có hai khả năng diễn ra, có kẻ giữa đường đổi thay thoái chí mà bỏ dở và có kẻ tới đích vẻ vang. Còn đối với loại thứ hai, chắc chắn họ không thể tới đích mong muốn. Loại thứ hai này người ta gọi là bán đồ nhi phế( nửa đường đứt gánh), sự đứt gánh giữa chừng của họ có thể nhìn thấy được từ trước khi họ hành động. Người mà trước khi bước vào hành trình mà đã thấy mình không đủ sức để tới đích, điều đó có nghĩa  là họ đã tự đặt ra giới hạn cho mình.
Con đường xa dặm thẳm ấy, đối với người muốn làm giàu, muốn tới đỉnh cao của khoa học, muốn thực hiện một lý tưởng nhân văn, muốn dựng một lâu đài của tri thức, muốn thực hiện một lý tưởng mang tính tôn giáo…cũng đều giống nhau.
Ngẫm câu :
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”
của đại lão hòa thượng Quảng Nghiêm đời Lý  thì thấy người tu Thiền cũng phải hùng tâm tráng chí biết bao mới có thể  tự mình chứng ngộ mà tự giải thoát được cho mình.
Có những sinh viên nói với thầy rằng: thầy ơi, “đạo” của thầy em thấy hay lắm, thích lắm, nhưng mà chắc em không thể đủ sức để theo.
Có em thì than thở rằng, em cũng thích theo đuổi lý tưởng cao viễn, muốn lao vào con đường khoa học, con đường nghiên cứu để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết và hy vọng đóng góp cho đời chút ít, nhưng em phải lo nhiều chuyện của cuộc sống cơm áo…
Có người thấy thầy đòi hỏi phải làm bài vở cho tốt hơn thì nói, thầy ơi, năng lực của em chỉ có thế, em chỉ viết được có thế thôi, thầy thông cảm, hay thầy hạ bớt yêu cầu đi, bài này em chỉ cốt cho xong thôi, em sẽ cố gắng lâu dài nữa…
Thường thì người bỏ cuộc luôn tìm được lý do hợp lý đủ sức thuyêt phục, bao biện hoặc an ủi được chính mình.