Sunday, April 08, 2012

Về bài thơ vịnh Mai của Trần Nhân Tông


Văn học đời Trần chưa xuất hiện nhiều thơ vịnh vật. Văn học Phật giáo có nói tới các đồ vật, sự vật hiện tượng, trăng, nước, hoa cỏ...nhưng đó chưa phải là thơ vịnh vật thực sự tiêu biểu. Có thể nói thơ vịnh vật là sản phẩm của văn chương nhà Nho, nó liên quan tới đặc trưng thẩm mỹ của văn học nhà Nho. Trong bài " Sự đan xen các khuynh hướngthẩm mỹ trong thơ Huyền Quang" đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, tôi có viết:

[Những bài kiểu như bài vịnh Mai của Trần Nhân Tông là khá hiếm hoi:

Thiết đảm thạch can lăng hiểu tuyết,
Cảo quần luyện thuế nhạ đông phong.
Nhân gian kiệm tố Hán Văn đế,
Thiên hạ anh hùng Đường Thái Tông.

(Gan dạ, sắt đá vượt lên tuyết buổi sớm,
Quần lụa mộc, khăn lụa trắng đón gió đông.
(Như) Hán Văn Đế là người tiết kiệm, mộc mạc trong nhân gian,
(Như) Đường Thái Tông là bậc anh hùng trong thiên hạ)

Bài này rõ ràng có khí khái hơi khác với tinh thần tùy duyên nhậm vận, một loại cảm hứng và một triết lý thiền tiêu biểu và nổi bật trong thơ Trần Nhân Tông, nó thiên về thơ ngôn chí kiểu Nho gia. Bài thơ thể hiện chí hướng muốn có được những phẩm chất hơn người, mong làm nên sự nghiếp đế vương như Hán Văn Đế, Đường Thái Tông. Bài này có thể ví như một bông hoa lạ báo hiệu  sự nảy nở và bắt đầu của loại thơ vịnh vật.]
               
Nhân có người trao đổi về bài thơ này, thấy cần viết thêm đôi dòng.  


Bài này rõ ràng là khẩu khí nhà Nho, và cả khẩu khí đế vương nữa. Vịnh mai  thi nhân thường ca ngợi phẩm chất thanh cao, đẹp đẽ ưu trội, nội lực mạnh mẽ, ngạo tuyết lăng sương mà ưu việt xuất quần. Bông mai trong bài thơ vịnh của Trần Nhân Tông cũng đương đầu với tuyết với gan dạ sắt đá, giản dị thanh nhã  mà đón gió đông. Nhìn từ  hai câu này hoàn toàn thấy nó không khác mấy những bài vịnh Mai khác. Nhưng Mai thường biểu tượng cho khí tiết người sĩ phu quân tử, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Trần Nhân Tông ca ngợi khí cốt tinh thần, nhưng ở đây lại không phải là cái cao nhã của người quân tử. Ông là một ông vua. Khi vịnh ông nghĩ tới những hình mẫu đế vương khác để ca ngợi và lấy làm mẫu để khuyến miễn. Ông nói tới hoa mai và liên tưởng tới những vị vua mẫu mực. Ông liên tưởng tới  những sự nghiệp lẫy lừng, công trạng hay đáng học của các bậc tiên đế tiên vương. Bài thơ nói tới người kiệm tố, giản dị và một người vua anh hùng, điều đó cũng có thể coi là một liên tưởng và một tỷ dụ về phẩm chất ưu việt của Mai, nhưng dẫu sao thấy nó cũng có phần lỏng lẻo, chưa thực chặt chẽ. Tại sao lại như vậy?  Vì ông không phải thân phận giống như văn nhân sĩ phu. Mối quan tâm của ông cũng không phải là một tinh thần đạo đức như nhà Nho. Như vậy có thể thấy, phần đầu nhắc tới phẩm chất của Mai như một thói quen và phần sau xa dần cấu trúc chặt chẽ và vì vậy cái hồn của loại vịnh Mai không thể hiện hết.


Có thể bởi cả hai lý do: Thứ nhất, Trần Nhân Tông là ông vua tôn sùng các giá trị Phật giáo hơn những giá trị đạo đức nhà Nho; Thứ hai, Trần Nhân Tông đứng ở vị thế ông vua chứ không phải sĩ phu. Cho nên bài thơ vịnh mai nêu trên chỉ chịu ảnh hưởng của thơ vịnh mai như một công thức mà thiếu phần hồn của đạo đức và tinh thần nội thẩm mỹ tương tự như các bài  vịnh vật khác của nho gia. Nhưng về phương diện hình thức, cấu trúc, nó vẫn thể hiện nhiều phương diện của thơ vịnh và của văn chương nhà Nho. Trạng thái tinh thần này biểu hiện trong bài thơ vịnh với một sự tán đồng có phần khá mờ nhạt bình đạm về hình ảnh hai ông vua trong quá khứ, một ông giản dị tiết kiệm (đương nhiên là những phẩm chất của vua Nho giáo) và một ông vua anh hùng. Nhưng ngay cả việc nói tới vị anh hùng cũng không được khí thế cho lắm.   


Một bài thơ vịnh nêu trên cũng cho thấy trạng thái Phật - Nho đan xen trong tư tưởng Trần Nhân Tông, và bài thơ cũng đánh dấu  sự xuất hiện buổi đầu của thơ vịnh vật.

2 comments:

  1. Bài viết này tuyệt lắm, nên đưa vào tuyển tập những bài văn hay lớp 9.

    ReplyDelete