Wednesday, February 01, 2012

Cái chữ Nhẫn (忍)


Thư pháp của Chương Thiên Khiếu. Nguồn: ở đây

Ngày xuân, qua mấy nhà người quen, thấy nhà nào cũng treo một chữ Nhẫn viết chữ Hán với các trình độ viết, khả năng thư pháp thể hiện rất khác nhau. Thấy nhiều chữ Nhẫn quá mà tự nhiên không thể nhẫn được mà đành bày tỏ đôi dòng. Phải nói cái chữ Nhẫn thật hay. Nín nhịn, chịu đựng, nhường nhịn quả là có thể đem lại cho các quan hệ xã hội nhiều tác dụng to lớn. Chữ Hòa () quả khó đạt được nếu thiếu Nhẫn. Một cá nhân, một gia tộc, một cộng đồng mà biết Nhẫn thì tránh được nhiều điều rắc rối. Nhiều người đã làm cả thơ để diễn nghĩa, tán dương ý tứ sâu xa, tốt đẹp của cái chữ Nhẫn này, rồi thể hiện trên các chất liệu khác nhau, treo trên tường như một loại châm, minh tự răn tự giới. Cứ xem thời thế hiện nay, ra đường nhìn vào mặt nhau đã có thể gây án mạng vì bị quy kết là “nhìn đểu” thì mới thấy cái chữ Nhẫn nó hay đến thế nào. Có lẽ cũng không cần thêm lời ca ngợi sự tuyệt vời của tinh thần nhẫn nhịn nữa. Nhưng cứ nghĩ đi nghĩ lại, nếu một cộng đồng rộng lớn mà mọi người đều Nhẫn, cộng đồng đó là một cộng đồng vĩ đại, đáng kính nể, nhưng nó cũng là một cộng đồng có vấn đề và một cộng đồng tiềm chứa trong nó những nguy cơ tinh thần.


Photobucket
Thư pháp của Trần Đôn Tam. Nguồn: ở đây

Nhẫn có nghĩa là dồn nén, chế ước, áp chế, nhốt chặt cái bất bình, là dùng áp chế tinh thần để chịu đựng cái mà bình thường khó chịu hoặc không thể chịu. Nó là sự cố gắng chấp nhận cái khó chấp nhận. Nín nhịn để cho mọi việc được tốt đẹp. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là cái khó chịu, cái tức giận vẫn còn nguyên đó. Cái gì dồn nèn mãi cũng hại tâm hại khí. Điều này xem ra không có lợi cho sức khỏe. Cứ dồn mãi cái tức vào đó, tới lúc tức nước vỡ bờ, không nhẫn được nữa thì cái sự xả tức giận sẽ thật đáng sợ.


Photobucket
Thư pháp của Lưu Kế Vũ.  Nguồn: ở đây

Triết lý  Nhẫn có lẽ phù hợp với số đông và ở cấp độ thông thường thì nó không quá khó thực hành. Nó là một sự khôn ngoan dành cho cộng đồng. Đối với người tiềm tâm hơn vào việc dưỡng tâm và hy vọng có những ứng xử hiệu quả phù hợp với cá nhân cao hơn mặt bằng tinh thần số đông một chút thì có lẽ Nhẫn không vẫn chưa đủ. Cao hơn Nhẫn là phải biết hỷ xả, biết trút bỏ, phải triệt tiêu sự tồn tại của những nỗi niềm tức giận để nó không những tốt hơn cho quan hệ mà còn tốt cho cả mình.  Sự hóa giải mọi niềm phẫn uất để đạt tới an lạc, tự lạc, tự tại là cảnh giới tinh thần cao hơn Nhẫn. Không chỉ nín nhịn mà có thể mỉm cười với những điều có thể gây ra sự khó chịu bực tức. Như vậy chữ Lạc phải được đặt cao hơn Nhẫn một bậc. Muốn thế phải xả kỷ tòng nhân để không bực tức. Muốn thế phải giữ cho hư tâm như triết lý sống của người quân tử.

Suy cho cùng, Nhẫn hay Lạc hay trạng thái nào đi nữa cũng đều là  sản phẩm của sự tu dưỡng và tự chủ tinh thần, mỗi người với khả năng của mình nên cố gắng đạt tới trạng thái tốt nhất có thể theo một cách phù hợp. 

9 comments:

  1. Đọc bài này em thấy hay nhất câu "Thấy nhiều chữ Nhẫn quá mà tự nhiên không thể nhẫn được...", :-). Đúng là nhìn vào chữ Nhẫn đã thấy người thực thi nó rất khổ sở rồi, nhưng mà chữ Lạc như thầy nói thì rất khó đạt được. Với lại, nếu xã hội ai cũng Lạc với nghĩa là tự trút bỏ niềm tức giận, thì e rằng cũng có mặt nguy thầy ạ! Giá như ai cũng có thể tự chủ tinh thần để biết khi nào nên Nhẫn, khi nào nên Lạc, và làm được như ý chí của mình thì thật tốt biết mấy!

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bạn Anonymous, cũng là một ý hay có thể tham khảo.

    ReplyDelete
  3. Bài của Thầy rất hay và ý nghĩa, có giá trị thức tỉnh những ai treo chữ Nhẫn mà chưa hiểu hết được ý nghĩa của nó.Đúng là Nhẫn mãi thì không chỉ hại tâm hại khí của bản thân, mà còn hại cả tiền đồ và tương lai của cả tập thể, cộng đồng nếu như mình được coi là trong số những người dẫn dắt tập thể/cộng đồng đó.
    Thầy ơi!
    Sao bây giờ người ta "Nhẫn" thế hả Thầy? Không còn mấy ai dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ngang ngược, cái bạo tàn tinh thần, cái lề thói đối xử áp đặt và gia trưởng thô thiển,...
    Trước cái ác, họ đeo chữ "Nhẫn" và vô cảm, ngay cả với đồng nghiệp của mình. Họ biết đấy nhưng "việc tốt nhất giữ được yên thân, quân hung bạo tha hồ hại nước"... Sót xa quá Thầy ạ.

    ReplyDelete
  4. Hoàn toàn đúng.Cũng có lúc phải biết phát tiết bất bình, "phong trần mài một lưỡi gươm", nhưng thể hiện chính kiến, không chịu nhẫn nhục cũng phải đúng lúc đúng chỗ,nếu không cũng gay.

    ReplyDelete
  5. Nhận ra được cái sự nguy hại trong cái mà cả thiên hạ ngợi ca thì chỉ có người biết phản tư mới làm đuợc. Thường thiên hạ chỉ dừng ở lại mức tiến hoá tuổi 30. "Tam thập nhi lập", lập ư Lễ mà chẳng hiểu nguyên do cái Lễ ấy. Không hiểu tận cùng căn nguyên thì không có thái độ đúng, thái độ không đúng đâm ra quyết định hành động cũng mù quáng, rồi hận rằng trui rèn mãi mà không có Nhẫn được. Có nhiều người tuổi sinh học, tuổi sống trải thất thập mà cũng vẫn ... 30!
    Đúng như tinh ý của Thầy, cái Nhẫn người người vẫn ca tụng là nhờ dùng cái chí mà nén những xung năng không có lợi cho lý tưởng sống của chủ thể, ngay lúc hữu sự hoặc xa xôi sau này. Nhưng cái ý chí chỉ dùng cưỡng chế được cái ý thức. Mà hệ tâm thức (psyche') con người thì có cả vùng vô thức sâu rộng.
    Thú thực trong đời sống em cũng có lúc tiến thóai lưỡng nan Thầy ạ. Những lúc đó khó có thể lấy một cái Chuẩn nào để suy tính và ra quyết định. Thôi đành lấy chuẩn của chính mình mà Tri Hành. Khi nào cần hành động? Khi nào cần xả kỷ tòng nhân? Khó thay! Vô khả vô bất khả. Caí lý xả bỏ chứ không giữ - đè nén xung năng này được áp dụng rất tuyệt trong lý lụân và thực hành Thái Cực Quyền, Aikido...
    Chữ Nhẫn kia chỉ dùng cho "tam thập nhi lập", biết làm theo mà chưa hiểu...
    Chữ Lạc có lẽ cần đến "Lục thập nhĩ thuận, thất thập du tâm bất du củ". Mà có lẽ chỉ người "quân tử" - tức là chịu khó đọc-học-rèn mới được thôi

    ReplyDelete
  6. nhẫn mà nhiều quá cũng không nhẫn được

    ReplyDelete