Thursday, September 29, 2011

TƯỞNG DỄ HÓA KHÓ


Có một học giả nước ngoài nhờ chọn 03 tác phẩm Hán văn có tính chất kinh điển trong kho di sản Hán văn Việt Nam, tiêu biểu cho 3 lĩnh vực văn- sử - triết để phục vụ cho chương trình nghiên cứu và giảng dạy của cá nhân ông ta. Nghe nói tôi nhận lời luôn vì nghĩ thư tịch Hán văn nước nhà phong phú tới độ “hãn ngưu xung đống”, số lượng lưu giữ kể tới hàng vạn đơn vị tư liệu, chọn lấy 03 tác phẩm có gì khó. Với ý thức mong muốn truyền bá giới thiệu văn hóa nước nhà cho học giả thế giới tôi hăng hái tiến hành công việc này luôn.
Bắt tay vào việc mới thấy nó không dễ chút nào.  Về sử học, việc chọn còn tương đối thuận lợi,  có thể chọn  Đại Việt sử ký toàn thư, một tác phẩm quan trọng và mẫu mực cho nhiều phương diện của sử học Việt Nam truyền thống, từ phương diện  sử sự, sử bút, sử luận, sử bình, và tư tưởng sử. Nó cũng thể hiện những vấn đề lớn của lịch sử dân tộc trong một thời gian dài. Chỉ có điều tác phẩm này lại không bao quát hết được khoảng thời gian vài thế kỷ cuối của thời kỳ trung đại. Vì lý do đó, có tính tới việc chọn tác phẩm  Việt sử thông giám cương mục, soạn triều Nguyễn là tác phẩm có độ bao quát cao hơn, như vậy đối với tác phẩm sử, công việc chỉ còn là cân nhắc trong một vài tác phẩm.
          Với tác phẩm văn chương chữ Hán, câu chuyện có khó hơn một bậc. Phần chiếm tỷ lệ lớn nhất trong kho thư tịch cổ của Việt Nam là văn chương. Trong đó có cả các nhóm vận văn, tản văn, biền văn, cùng các loại tạp văn tạp ký khác. Thơ phú chiếm số lượng lớn nhất. Mỗi loại tác phẩm có giá trị riêng, mỗi loại mỗi vẻ, chỉ có điều khó tìm được tác phẩm nào mười phân vẹn mười.
          Việc giới thiệu tác phẩm văn chương cho nhân sĩ thế giới chiêm ngưỡng phải chú ý tới nhiều phương diện của tác phẩm,  nghệ thuật văn chương phải xuất sắc, để cho thế giới thấy cái tài hoa của cha ông, so với văn nhân Đường, Tống phải không có kém gì thậm chí phải  hy vọng nó có phần ưu trội. Về mặt nội dung nó phải thể hiện được cái sâu sắc tinh tế của tâm hồn người Việt, khí thế của dân tộc, tinh thần Việt… Theo hướng đó,  chỉ có vài tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, hoặc Nguyễn Du là tiêu biểu, nếu chọn văn xuôi nghệ thuật, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ( Tự) là ứng viên nổi bật. Tuy nhiên, chọn  tác phẩm nào cũng thấy  có cái  ổn cái chưa ổn, sự phân vân vẫn còn chưa hết. Tuy nhiên việc vẫn là khả dĩ.
          Việc khó nhất thuộc về việc chọn tác phẩm triết học. Người Trung Quốc khi chọn 01 tác phẩm tiêu biểu có cái khó riêng do họ nhiều quá, nhưng theo thông tin tôi biết, tác phẩm Chu Dịch được chọn là tác phẩm triết học số một của triết học truyền thống Trung Quốc. Soát toàn kho thư tịch, chọn chưa ra được tác phẩm nào tiêu biểu cho nền triết học Việt Nam. Những tác phẩm có thể điểm danh gồm: Khóa hư lục của Trần Thái Tông; Thượng sĩ ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm; Dịch kinh phu thuyết của Lê Quý Đôn; Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn…Trong những tác phẩm trên chọn một công trình nào cũng thấy chưa ổn.
Khó quá, khó quá…
                                                Tháng 9 năm 2011

1 comment: