Tuesday, September 13, 2011

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ KHUẾCH ĐẠI NHÂN DỤC - thuyên thích mới về bốn chữ tâm truyền của Nho gia: “nhân tâm duy nguy” (人心維危)


Nhân dục là điều mà các tôn giáo đều quan tâm đặc biệt và có thái độ đối xử “rắn” đối với nó.  Phật giáo dứt khoát tuyên bố diệt dục. Những điều răn giới của Phật giáo hầu như đều có liên quan tới nhân dục. Nhân dục được xem là nguồn gốc của vạn khổ. Nho gia thì chủ trương kiểm soát, điều tiết, chế ước nhân dục, làm cho nhân dục phù hợp với quy phạm xã hội, mức độ cao nhất là đồng nhất nhân dục và Lễ (quy phạm xã hội). Các vị đại Nho đời Tống-Minh chủ trương tu dưỡng khắt khe nghiêm cẩn và chịu tác động của Phật giáo nên cũng  tuyên bố “tồn thiên lý diệt nhân dục”. Mười sáu chữ tâm truyền được coi là ấn quyết của Nho gia lần đầu nêu trong tác phẩm kinh điển Thượng thư đã lưu ý truyền đời về sự mong manh của nhân tâm rằng: Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung”. Duy chỉ có học thuyết của Đạo gia được xem là túng dục, tức buông cho nhân dục theo lẽ tự nhiên, không trói buộc. Tuy nhiên đó chỉ là ở nguyên lý coi trọng cái tự nhiên, còn trong phép tu dưỡng, Đạo gia cũng hướng tới trạng thái thanh tĩnh tự nhiên, hư tâm, tĩnh tâm, thiểu tư quả dục. Trạng thái ấy suy cho cùng cũng là thứ nhân dục có chừng mực, phù hợp với đạo tự nhiên vốn đã chí mỹ chí thiện chỉ cần bảo tồn nó. Các triết gia trong học thuyết của mình luôn tìm mọi cách hạn chế nhân dục để bảo vệ sự tồn tại bình ổn của xã hội, bình ổn cho thân tâm các cá nhân. Ai cũng hiểu rằng, nhân dục, quyền lợi của cá nhân và sự bình ổn xã hội, lợi ích xã hội luôn mâu thuẫn với nhau, trái chiều nhau.

Chỗ dựa của kinh tế thị trường chính là nhân dục, là cái mà người ta gọi là “thị hiếu của người tiêu dùng”. Chỉ cần quan sát một số chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ta thấy một sự mời chào vẫy gọi mãnh liệt đối với “thị hiếu” của dân chúng. Những ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi, những chiếc xe hiện đại đời mới, những đồ dùng đa chức năng hấp dẫn, vvv…. được chào mời bằng những lời quảng cáo ngọt ngào còn hơn cả lời Bạch Cốt Tinh: hãy thử xem, chỉ một lần, hãy tận hưởng cuộc sốnghãy nếm thử, “cứ gọi là thôi rồi…sướng … ướng ư ử”… Khẩu hiệu của người sản xuất hàng hóa là: đã làm cho người tiêu dùng thích rồi, còn làm cho họ thích nữa, đã sướng rồi còn sướng nữa, tiện nghi rồi còn tiện nghi nữa, mát rồi còn mát nữa…Còn một loại hàng hóa khá đặc biệt khác với nhãn hiệu Number one thì treo một cái “status” hấp dẫn là “Thỏa sức yêu thương”… Những nhân viên nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng thì đào từng ngóc ngách thị hiếu, xem người ta thích gì thì đánh vào chỗ đó. Và cứ thế, hàng ngày nhân dục được khai thác, được tận dụng, được khuếch trương, được lôi kéo và được làm thỏa mãn. Nền sản xuất hàng hóa nắm cái nhân dục cũng như người nông dân nắm cổ con trâu đã được xỏ mũi mà  lôi đi. Hôm nay thấy  bạn mình có cái váy đẹp mà mình chưa có, tối về thấy khổ sở mất mấy tiếng đồng hồ. Mai thấy bạn mình sắm được ô tô đẹp mà mình vẫn phải đi cái xe máy rách thấy vừa ghen tức, vừa khổ sở, vừa thèm khát. Và nỗi thống khổ giày vò họ ngày này sang ngày khác. Cầu bất đắc khổ, mà cầu thì biết bao giờ cho hết, cái cầu ngày hôm sau lớn hơn cái cầu ngày hôm trước, vì nhân dục đang được chăm sóc và nuôi cho lớn lên. Cầu  càng lớn, thì  bất đắc  cũng sẽ tăng theo. Nhu cầu lớn, khát khao nhiều mà không được làm thỏa mãn, không thể thỏa mãn dẫn tới thái độ thù ghét, hằn học với đời, với người. Ta nào có kém gì nó tại sao nó sướng thế còn ta thì không thể. Những quảng cáo vẫy gọi sự sung sướng là một sự hành xác với người nghèo, khiến người nghèo không thể yên với cái nghèo. Nếu như họ không phải là người có một bản lĩnh và chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa văn hóa nhất định thì con đường hành ác, đạt tới mục tiêu có được giàu sang và đời sống tiện nghi bằng mọi giá là có thể xảy ra. Đó chính là khởi đầu cho con đường của tội ác. Thế mới thấy cái lý tưởng của ông Lão tử về một xã hội không trao đổi tiền bạc tưởng chừng lẩm cẩm cổ hủ Khốt ta bít mà lại có cái sâu sắc của bậc đại triết gia nhìn thấu nhân tâm. 

Chắc chắn rằng nền kinh tế thị trường có tác dụng vĩ đại đối với đời sống con người. Nhu cầu vật chất của con người được thoả mãn là công lao của nền kinh tế thị trường. Nó đóng góp vĩ đại trong việc đem lại hạnh phúc cho con người từ góc độ vật chất, cũng như nhu cầu tinh thần, cũng tức là đem hạnh phúc cho con người bằng cách  làm thỏa mãn ham muốn của con người. Nhưng có ai dám cam đoan rằng, con người của thế kỷ XXI ít khổ hơn con người của thời kỳ Đức Thích Ca Mâu Ni thấu ngộ được chân lý của khổ đế và dồn trí huệ sáng suốt của mình vào việc diệt khổ, giải thoát khỏi khổ. Cái thời kinh tế thị trường, nhân dục được đào sâu, được chăm sóc, được thỏa mãn, được vẫy gọi,  hình như cái khổ của nhân tâm con người lại càng phong phú hơn, càng đa dạng hơn, càng phức tạp hơn, càng nhiều cung bậc hơn. Nhân dục được đẩy lên, một khi  cá nhân không tự đáp ứng được, xã hội không đáp ứng được, thì lúc đó, chính nó là kẻ thù to lớn tàn phá nhân tâm và xã hội. Nó giống như con quái vật mà người ta nuôi làm thí nghiệm khi sổng ra khỏi vòng kiềm tỏa nhảy ra xã hội gây tội ác tương tự như nhiều bộ phim hành động rùng rợn của Mỹ đã tưởng tượng ra vậy.

Nhân dục bị thổi phồng và khuếch trương, chắc chắn khả năng kiềm tỏa và kiểm soát điều tiết cũng khó khăn hơn nhiều. Con người cũng vì kinh tế thị trường mà sướng hơn nhưng cũng vì thế mà nhiều thất vọng hơn, nhiều sự đổ vỡ hơn. Sự chuyển động của kinh tế thị trường nếu không có luật pháp nghiêm minh và cả sự điều tiết mang tính tôn giáo hữu hiệu, sự giáo dục về đạo đức xã hội được đẩy mạnh thì thảm họa đối với nhân tâm con người thực là khôn lường.
Thời mà người ta có thể  giữ tâm an lạc trong cái nghèo đã qua lâu rồi và thời người ta khổ sở trong cả cái giàu lẫn cái nghèo đang tới. Chỉ có bậc trí giả biết tự điều tiết cho nhân tâm mình, biết tri túc và trau dồi những tố chất văn hóa cần thiết, người ta mới có thể giữ cho mình một chữ “tại” ( tự tại) được.

Nhân tâm duy nguy

Hà Nội tháng 9/2011

2 comments:

  1. Tôi đồng tình với bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn. cuộc sống càng phồn hoa, xa hoa vật chất thì con người càng hứng lắm nỗi lo lắng, bất an trong tâm hồn nếu như không biết cân bằng nó. Làm sao để tiết nhân dục, đó luôn là câu hỏi lớn của loài người văn minh!

    ReplyDelete
  2. bất kể điều gì đều cần sự hào hòa

    ReplyDelete