Sunday, June 26, 2011

BẢN LĨNH VĂN HÓA


Về một số  sự kiện có liên quan tới Nho giáo trong thập kỷ 70 thế kỷ XI ở Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:
Canh Tuất, Thần Vũ nhị niên…Thu, bát nguyệt, tu Văn miếu, tố Khổng tử, Chu Công cập Tứ phối tượng, họa Thất thập  nhị hiền tượng, tứ thời hưởng tự. Hoàng thái tử lâm  học yên[1](Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070], (Tống Hy Ninh, năm thứ 3).  Mùa thu, tháng 8, sửa Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ hình Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.)
  5 năm sau, lại có một  sự kiện khác được ghi:
Ất Mão tứ niên, xuân nhị nguyệt,  chiếu tuyển Minh kinh bác học cập thí Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, tiến thị đế học[2]( Ất Mão, [Thái Ninh] năm thứ 4 [1075], (Tống Hy Ninh năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.)
  Đây là các sự kiện diễn ra vào cuối đời vua Lý Thánh Tông, đầu đời Lý Nhân Tông, chỉ cách nhau 5 năm. Có thể xem đây là chuỗi các sự kiện liên tục thể hiện sự triển khai có hệ thống, chủ trương tiếp nhận Nho học và sử dụng chữ Hán phục vụ cho việc chuẩn bị và nâng cao năng lực cai trị cho các ông vua đương nhiệm cũng như vua tương lai cùng toàn thể bộ máy quan lại.
Những sự kiện này có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử tư tưởng, trong lịch sử giáo dục khoa cử Nho học, nó cũng là điểm mốc của sự lựa chọn hệ tư tưởng. Người ta thường nói hệ tư tưởng chính thống thời  Lý - Trần là Phật giáo, điều đó không sai, nhưng  phần ý thức hệ chi phối thực chất các hoạt động chính trị  là một phức thể Phật giáo- Nho giáo,  thậm chí cốt lõi bên trong của chính trị  lại chính là Nho giáo.
Ông Alexey B. Polyakov, một học giả người Nga cho rằng, Văn miếu là tên gọi chỉ xuất hiện ở Trung Quốc đời Minh và ông chứng minh rằng chưa thể có chuyện xây văn miếu năm 1070 tại Việt Nam. Ông cũng đưa  ra chứng cứ rằng,  Việt sử lược một tác phẩm sử quan trọng trước thế kỷ XV đã không ghi gì một sự kiện mà theo ông là rất quan trọng như việc xây Văn miếu[3].
Tôi nghĩ rằng, có thể năm 1070  chưa có một nơi thờ tự và học tập chính thức gọi là Văn miếu, nhưng rất có thể đã có một nơi thờ tự Khổng tử và tiên hiền và một  tên gọi của nó có thể khác. Thậm chí một nơi thờ tự Khổng tử còn có thể có từ trước cả thế kỷ XI. Chúng ta chú ý tới chữ  “ tu”, tu  là sửa chữa, cũng có khi dựng mới người ta cũng có thể gọi là tu, nhưng nghĩa chính của nó phải là sửa chứ không phải là xây dựng mới. Xây dựng mới thường người ta dùng kiến  hoặc lập, hoặc tạo,  tạo lập, như vậy có khả năng trước đó đã có nơi thờ tự Khổng tử, nhưng tên gọi có thể khác và thời điểm 1070 về trước chưa có tượng Khổng tử, tượng  tứ phối và tranh vẽ  Thất thập nhị hiền. Thời điểm 1070 nơi thờ tự cũ được tu sửa và đợt tu sửa này người ta đã đặt thêm tượng và điều chỉnh nghi thức thờ tự. Dĩ nhiên đây cũng mới dừng ở một phán đoán. Điều đáng chú ý nữa là, Văn Miếu được tu, nhưng không chỉ là nơi thờ tự không, nó còn kiêm làm nơi giảng học. Ông thái tử đã tới đó để học. Và như vậy ngay từ thời cuối thế kỷ XI, Văn Miếu đã là nơi thờ tự kiêm nhà học. Chỉ có điều lúc đó nó chưa có tên gọi Thái học hay Quốc tử viện như các tên gọi và trường sở  thời kỳ sau. Thái tử tới học Nho giáo là một định hướng tư tưởng cho ông vua và cả triều đình trong tương lai.
 Chúng ta đều biết, nền giáo dục Nho học đã được truyền bá tới Việt Nam từ trước thế kỷ X. Khi  nền Nho học đã  được chú ý hơn vào thế kỷ XI, việc cho tu bổ ( hoặc xây dựng mới) một nơi thờ tự kiêm nhà học cho quý tộc là việc hoàn toàn có thể có. Các tác giả  Việt sử lược với tính chất là những sử gia chịu ảnh hưởng rất đậm của Phật giáo, như ông Tạ Chí Đại Trường gọi là các sử gia Tăng Đạo[4], thì đương nhiên các sự kiện về Nho giáo  sẽ ít được chú ý, nó  không quan trọng như cách nhìn của Ngô Sĩ Liên và các sử gia Nho giáo đời sau. Những tư liệu đó khiến người ta dễ có ấn tượng về Nho giáo các giai đoạn Lý -Trần mờ nhạt hơn  thực tế mà nó có thể có. Tương tự như vậy, dưới ngòi bút sử học của Ngô Sĩ Liên trong  Đại Việt sử ký toàn thư, Phật giáo vắng vẻ tàn tạ hơn là đã từng  có trong thực tế. Sử bút của họ đã chọn lọc. 
Năm 1075, có hai sự kiện  cùng diễn ra vào   tháng 2. Một kỳ tuyển Minh kinh bác học và một kỳ thi Nho học tam trường. Hai sự kiện này được ghi liền nhau khiến người ta dễ cho chúng chỉ là một, nhưng xét kỹ ta thấy nó thực sự là hai việc khác nhau: Một kỳ xét tuyển, có tính chất sát cử, tuyển cử những người am hiểu kinh điển. Minh kinh bác học từng là tên của một trong số các  kỳ sát cử thời Hán và sau được dùng lại cho một số khoa thi tiến sĩ thời kỳ Tùy-  Đường. Như vậy dẫu là tên khoa thi, hay kỳ tuyển cử chọn người thông hiểu kinh điển, thì nó cũng có tính chất một kỳ tuyển những người có trình độ Nho học cao. Kỳ tuyển cử này có thể là cung cấp thầy dạy cho Văn Miếu. Lê Văn Thịnh đã trúng tuyển trong kỳ  tuyển cử này. Còn tiếp sau đó có một kỳ thi “ thí” nho học tam trường, một kỳ thi Nho học ở cấp độ cao nhưng chưa hoàn chỉnh. Ông Lê Văn Thịnh, một người có trình độ Nho học được làm Thái sư ( tức người dạy vua và đảm nhiệm một trong Tam Thái, ba chức vụ quan trọng nhất triều đình). Sự kiện 1070 cho thấy thái tử phải tới học Nho học ở Văn Miếu và sự kiện 1075  cho thấy vua được học một người Nho học. Nho giáo đã là tri thức các vua cần học.
 Như vậy, thời điểm cuối thế kỷ XI đã có một nơi thờ tự và giảng học Nho học bậc cao, mang tính chất cung đình. Triều đình đã có một trường học thực sự, ở trường đó dạy Nho học. Đã có chế độ tuyển cử Nho học và khoa cử thi Nho học tam trường. Việc dạy  Nho giáo đã tách ra khỏi trường học chùa chiền và việc dạy tri thức Nho học đã không còn hoàn toàn trong vòng bao quát của các vị cao tăng.
Tôi đặc biệt chú ý tới thời điểm diễn ra các hoạt động có tính định hướng và kiến tạo cho Nho giáo này tại Việt Nam phần quan trọng vì chúng diễn ra cùng lúc với việc chuẩn bị  cho cuộc đương đầu Lý – Tống. Cuộc đối đầu giữa Lý Thường Kiệt và quân Tống nổ ra vào năm 1076, nhưng để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn, người ta cần tiến hành từ nhiều năm trước, tức các hoạt động chuẩn bị cho cuộc đương đầu quân sự này với các hoạt động tư tưởng, học thuật nói trên đã được diễn ra song song, đồng thời.  Các vua Lý vừa chuẩn bị chống Tống  vừa triển khai những bước đi đầu  tiên của quá trình thể chế hóa, chính thức hóa địa vị của Nho giáo, lựa chọn và đưa Nho giáo vào thành phần của  hệ tư tưởng chính thống.
Vào thời kỳ nền văn hiến dân tộc vẫn còn ở buổi ban đầu, bản lĩnh quốc gia và những truyền thống lớn của dân tộc còn đang trên đường tạo lập mà sao tiền nhân lại bản lĩnh đến vậy, một loại bản lĩnh văn hóa. Chỉ với bản lĩnh văn hóa thực sự, các vua Lý mới vừa chuẩn bị cuộc chiến với nhà Tống, cả chủ động và bị động, khẳng định độc lập cùng với việc tiếp nhận văn hóa, học tập những yếu tố văn hóa mà tự mình thấy cần thiết, mình còn thiếu. Khí thế dân tộc đang lên, dân tộc đang trưởng thành thời đó đã tạo ra một loại khí chất và năng lượng mạnh mẽ.
 Tiếp nhận những giá trị văn hóa, tri thức, học thuật tốt đẹp của người để làm giàu cho mình  luôn là việc làm khôn ngoan của mọi dân tộc. Không để loại cảm xúc này lấn án lý tính kia, đó chính là bản lĩnh.
Bất dĩ nhân phế ngôn, bất dĩ ngôn phế nhân




[1] Đại Việt sử ký toàn thư. 1998. Khoa học xã hội. Hà Nội. Dịch theo bản khắc in 1697. Tr131.
[2] Đã dẫn. Tr 132.
[3] Xem Alexey B. Polyakov . Vai trò của Nho giáo ở Đại Việt thời kỳ hậu Lý sơ ( 1010-1127). Bài trình bày tại hội thảo khoa học 1000 năm Vương triều Lý, Hà Nội 2009.
[4] Tạ Chí Đại Trường. 2004.Văn mới, California. Dòng sử ký tăng đạo.

1 comment: